Hẳn Gen Z không còn xa lạ với câu chuyện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây về một nữ nghệ sĩ V-Biz sau khi sang Mỹ 2 tuần đã có màn livestream chêm từ tiếng Anh lẫn lộn với tiếng Việt, trong đó có thể kể đến câu nói: “People make it complicated, nên là mình cứ enjoy cái moment này".
Nhân câu chuyện “people make it complicated” gây xôn xao cõi mạng, mới đây, TikToker @minh_minh_minh đăng tải đoạn clip chỉ ra những lỗi sai của nhiều người Việt khi sử dụng tiếng Anh “nửa nạc nửa mỡ” trong giao tiếp.
Đoạn clip của TikToker thu hút đông đảo Gen Z quan tâm. (Nguồn: @minh_minh_minh) |
Theo đó, thói quen của không ít người là ghép một từ tiếng Việt kèm một từ tiếng Anh và không mấy quan tâm về mặt ý nghĩa trong khi hai từ vốn đồng nghĩa với nhau. TikToker này đã chỉ ra một vài ví dụ dở khóc dở cười khi sử dụng tiếng Anh chêm của nhiều người Việt, như:
“Top đầu” có nghĩa là “đứng đầu đầu”
“Test thử” có nghĩa là “thử thử”
“Tour du lịch” có nghĩa là “chuyến du lịch du lịch”
“Thank you bạn” có nghĩa là “cảm ơn bạn bạn”.
TikToker chỉ ra những lỗi khi chêm từ tiếng Anh vào tiếng Việt mà không quan tâm về mặt nghĩa. |
Màn “cà khịa” của anh chàng nhanh chóng thu hút hơn 213K lượt xem và có hơn 800 bình luận trái chiều của cư dân mạng chỉ sau một ngày đăng tải. Có người cho rằng việc sử dụng tiếng Anh “nửa nạc nửa mỡ” dễ gây khó chịu trong giao tiếp và chỉ nên dùng với một nhóm đối tượng phù hợp như bạn bè thân thiết hay ở lớp học ngoại ngữ…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình việc sử dụng tiếng Anh “bồi” cũng là một cách học ngoại ngữ và mọi người nên cởi mở thay vì quá khắt khe.
Ngoài ra, đông đảo cư dân mạng còn “đóng góp” thêm những cách dùng từ chêm bị thừa thãi về mặt ý nghĩa nhưng lại được sử dụng phổ biến theo thói quen như: “cây cổ thụ” có nghĩa là “cây cổ cây”, “máy ATM” có nghĩa là “máy máy rút tiền tự động”, “fan hâm mộ” có nghĩa là “người hâm mộ hâm mộ”, "bonus thêm" có nghĩa là "thêm thêm"...
Bên dưới đoạn clip, TikToker có hơn 2,8 triệu lượt yêu thích cũng cho biết thêm: "Video này là để chỉ ra sự thú vị, chứ không phải để bắt bẻ hé. Mình cũng hay nói như thế này".
Bạn có đồng tình với việc sử dụng tiếng Anh chêm trong giao tiếp “khum”, hay mọi chuyện vốn dĩ đơn giản nhưng “people make it complicated”?