Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông"

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông"
HHT - Tác giả bộ ảnh "Sài Gòn sau vai" một lần nữa lại làm "mềm tim" cư dân mạng với những yêu thương đong đầy trong vỏn vẹn 3 mét vuông xưa cũ, quen thuộc của mảnh đất này.

Thời chưa có kỹ thuật làm bảng hiệu bằng máy, Sài Gòn có rất nhiều tiệm vẽ bảng quảng cáo bằng sơn trên chất liệu thiếc. Khi nghiệp chủ nhờ tiệm làm bảng hiệu thì sẽ được tiệm vẽ quảng cáo giới thiệu một loạt hình mẫu và kiểu chữ cho nghiệp chủ chọn.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 1
Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 2

Rồi khi đã chọn được kiểu như ý, các bác thợ vẽ liền tỉ mỉ, tẩn mẩn sơn vào hình vẽ và chữ đã được kẻ sẵn. Chữ nghĩa, nội dung thì đủ loại tùy theo nghiệp chủ mở ngành hàng gì. Bán xe thì bảng hiệu sẽ có hình ảnh khác với tiệm bán bánh. Những hình ảnh, kiểu chữ bay bướm, đủ màu sắc tùy theo “gu” của nghiệp chủ được vẽ bằng đôi tay thiện nghệ của các thợ vẽ. Đơn giản, bình dân thì là Tiệm may Chú Sồi, hoặc có hơi hướng thời đại xíu thì Tailor Minh, Tiệm uốn tóc Chú Há hay Baber salon Tửng…

Mà thời đó, có công nghệ gì cao đâu, một bảng quảng cảo mất gần hơn dăm ba tuần mới xong. Thành ra, nhìn cái nào cũng có “chất” riêng, làm cho Sài Gòn xưa sinh động hơn hẳn.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 3

Đi qua hết các phố, ngắm hết mấy bảng hiệu thủ công, ta lại trở về với căn nhà xưa lát gạch bông mát rượi. Nhà thì nhỏ, mà biết bao nhiêu thứ phải dùng, thế là phải cố “nhét” hết vào một chỗ. Cái ti vi màu hiếm lắm mới có nằm chễm chệ trên cái tủ chén bằng cây. Chật quá thì quăng hết lên gác mái. May mắn lắm thì có một góc nhỏ, tới lúc chơi năm mười thì cứ trèo lên mà trốn.

Rồi trời Sài Gòn có khi nóng, trải chiếu trên nền đất mà nằm, mở toang hết cửa sổ, kê thêm chiếc quạt máy để mẹ kể chuyện cho nghe. Có khi đói, chỉ cần quơ lấy hộp mứt trên tủ chén, hoặc ào ra đường khi nghe tiếng cô hàng rong. Cửa thời đó đâu có bít bùng như bây giờ, nên thoải mái lắm!

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 4

Thời buổi hiện đại, công nghệ số ngày càng phát triển. Không nhớ là từ bao giờ, nhạc online đã dần thống lĩnh thị trường và biến những chiếc đĩa, cuộn băng trở thành đồ cổ lỗ sĩ. Vậy là mấy tiệm cho thuê băng dĩa dần dần “dẹp tiệm”. Con nít thì chẳng còn biết đến cái thời ngồi “tua” băng cho phim chạy. Người lớn dần quên cái thời “huy hoàng” khi có đầu băng là trở thành “đại gia” cái một.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 5

Sài Gòn đang “bon bon” mà tự dung “bể bánh” thì cũng chẳng cần lo vì chỉ cần đẩy xe đi chục mét, có khi vài mét là đã thấy “bơm hơi vá ép” vỉa hè. Vào đến nơi, bỏ ra 2 ngàn đồng bánh xe lại “căng đét” như mới. Mà tử tế nhất Sài Gòn ngày ấy chắc chẳng ai qua mấy chú vá xe. Nhiều khi nhìn đồ học sinh, lại nhìn đến chiếc xe cà tàng, mấy chú mấy cô lại làm “không công”, lắm lúc còn tình nguyện làm “xe ôm” hay cho mượn xe để đến trường kịp giờ nữa chứ! Những năm gần đây, dọn dẹp lề đường, “bơm hơi vá ép” chẳng còn thấy nữa, có khi bể bánh đi tới ki-lô-mét vẫn chưa thấy dáng mấy anh mặt lúc nào cũng đen nhẻm, ngồi kế thau nước đang cặm cụi quay quay bánh xe để dò đinh đâu cả!

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 6

Rồi ai mà đi du hí Sài Gòn, chưa đến “Phố người Hoa” là chưa đi đủ đất Sài thành. Nhất định phải ghé đến quận 5, một phần quận 10, quận 11 và quận 6 để tận mắt chứng kiến nét đặc sắc văn hoá của người vùng này. Phải đặt chân đến khu vực Chợ Lớn mới thấy được cái sầm uất mua bán “tất tần tật” của người dân. Mỗi con đường ở “Phố người Hoa” buôn bán một mặt hàng đặc trưng quen thuộc mà chỉ cần nói đến mặt hàng, bạn sẽ biết ngay được nó được bán ở đường nào. Như nói đến thuốc Bắc sẽ tìm đến Hải Thượng Lãn Ông, phố hóa chất ở Kim Biên, lồng đèn ở gần Bưu điện Chợ Lớn, phố mắt kính Châu Văn Liêm, chợ vải Soái Kình Lâm... 

Sau khi đi hết những phố mua sắm, “tấp” ngay vào bất cứ quán ăn nào để thưởng thức cái khẩu vị của người nơi đây như hủ tiếu Triều Châu, vịt quay, heo quay, mì vịt tiềm, gà ác tiềm thuốc bắc, há cảo, sủi cảo, hủ tiếu mì... “Thèm ngọt” xíu thì chắc chắn phải “xí” ngay một chỗ tại quán chè Tàu nổi tiếng ở khu cư xá Đồng Khánh với chè trà hột gà, quy linh cao, tàu hũ hạnh nhân, chè mè đen... với vị ngọt lạt rất dễ chịu.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 7

Người Sài Gòn dường như “chưa bao giờ đói” khi mà phố xá nơi nơi đều có cái để ăn. Từ cá bò viên chiên, bánh bao chỉ, chè đậu xanh bột báng nước dừa, kẹo kéo, tàu hủ, đến mì gõ... đều có nguời mang đến tận cửa. Có rất nhiều tiếng rao mà đến bây giờ chúng vẫn không hiểu nghĩa, nhưng nghe cái cung nhạc ấy thì biết ngay là họ bán cái gì. Những tiếng rao thi thoảng của gánh hàng rong nghe nao nao, cuộn cả buổi trưa hè thành một miếng bột bánh bèo trắng phau với ít đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 8

Mà nhớ nhất trong số mấy món đó chắc là bánh mì, cái món ăn chẳng thể nào lẫn đi được. Gọi là “bánh mì thịt” chứ trong đó nào là thịt nguội, chả, jambon, bơ, pa-tê, rồi dưa leo, đồ chua, ớt… đủ cả. Người Sài Gòn ăn bánh mì chẳng phải chỉ mỗi bữa sáng, hay vội vàng lúc thay cho các bữa ăn chiều, ăn xế, mà ăn bất kể khi nào chợt “thèm”. Ăn bánh mì không, bánh mì thịt chán chê, thì còn có bánh mì bì, bánh mì cá hộp, bánh mì ốp-la. Bánh mì xíu mại, tha hồ mà chọn. Cái món ăn nhanh ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn lắm, dù là với bất kỳ tầng lớp nào…

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 9

Sài Gòn còn có cái “đặc sản” lạ lắm, chẳng lẫn vào đâu được: xe ôm. Bất kể giờ nào, dù đêm hôm khuya khoắt, không quản mưa nắng, họ đều niềm nở sẵn sàng phục vụ khách tận tình. Ở cái vùng đất này, nếu muốn hỏi đường, ngoài cảnh sát giao thông, bạn cứ đến chỗ bác tài xế xe ôm để hỏi, họ chỉ dẫn nhiệt tình cặn kẽ còn hơn cả 1080 và còn được nhận một nụ cười thật tươi của họ nữa. Có khi “kẹt” quá, mấy bác tài còn chẳng ngần ngại “miễn phí” để chạy không công giúp mình nữa chứ. Bởi vậy người Sài Gòn thường nói vui: “Giàu thì đi xe hơi uống bia ôm, nghèo thì đi xe ôm uống bia hơi” là đâu có sai.

Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 10
Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 11
Gói trọn ký ức yêu thương trong những góc nhỏ "Sài Gòn 3 mét vuông" ảnh 12

Sài Gòn tuy rộng là thế, nhưng kỉ niệm thì chỉ “bó chặt” ở một số nơi nhất định mà thôi. Đó có thể là góc căn tin, cái sạp báo gần nhà, rồi tiệm “salon” tóc ngoài trời chỉ hớt đầu đinh cho khách. Nhưng rồi, dù có thích nơi nào trong cái chốn Sài thành này, có đến nơi nào đi nữa, vòng một vòng lớn chúng ta vẫn thương là thương cái Sài Gòn nắng mưa không đổi này.

YAOYAO

Creative Director: Maxk Nguyễn

Art Director: Đỗ Thái Thanh

Typography: Quốc Dũng

Illustrator Artist: 8Reborn, Thinh Le, Min Non, Quản Đình Phước

Font: Nguyễn Thế Mạnh

Theo FB: Maxk Nguyen
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm