Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta?

Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta?
HHT - Những năm gần đây cứ gần đến Tết nguyên đán là dân tình lại bàn tán ì xèo chuyện có nên gộp Tết ta vào Tết tây.

“Ý tưởng” gộp Tết từ đâu rơi xuống?

Các ý kiến ủng hộ việc "gộp Tết" đa phần viện lý do là để Việt Nam hòa vào nhịp sống toàn cầu với đa số các nước đón năm mới theo lịch dương, qua đó sẽ không bỏ lỡ các hoạt động kinh tế quốc tế trong dịp này. Rồi nghỉ Tết quá dài - hẳn một tuần lễ - chưa kể tâm lý rộn rịp đón Tết trước đó và "tháng Giêng là tháng ăn chơi" gây ra tình trạng ì trệ, không phù hợp với một quốc gia thời hội nhập.

Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta? ảnh 1

Gộp Tết ta với Tết tây cũng là để các kiều bào, du học sinh về ăn Tết chung. Có ý kiến còn cho rằng Tết Nguyên Đán hiện nay đã không còn giữ được các truyền thống đi kèm nên không cần níu giữ nữa như phát biểu của một cây bút trẻ vừa gây bão dư luận: “Hà cớ gì đạo đức ngày càng xuống cấp, kinh tế thụt lùi, Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?”. 

Những lý do ấy liệu đã thỏa đáng hay chưa?

Chúng ta "nghỉ ngơi" quá nhiều so với thế giới?

Cây bút trẻ kia lập luận: “Một kì nghỉ Tết kéo dài 9 ngày như hiện nay là quá lâu và không cần thiết phải kéo dài như vậy bởi trong năm chúng ta đã có nhiều dịp lễ được nghỉ như Tết Dương lịch, Quốc khánh, Giỗ tổ Hùng Vương,...”. Nhưng thực tế sẽ khiến bạn ngạc nhiên: Theo thống kê của Q++ về số ngày nghỉ lễ trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các nước nghỉ... ít nhất, chỉ 9 - 10 ngày (chúng ta thấy nghỉ Tết dài là vì còn nghỉ bù thứ Bảy, Chủ Nhật). Đa phần các quốc gia nghỉ từ 16 - 20 ngày.

Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta? ảnh 2

Bản đồ thế giới theo số ngày nghỉ lễ (tăng dần từ nhạt đến đậm). Nguồn: Q studio

Ngay cả số ngày nghỉ phép với người lao động cũng ít hơn nhiều so với các nước phát triển. Người lao động Việt Nam trung bình được nghỉ phép 12 ngày/ năm trong khi với người Pháp là 5 tuần, người Úc là 4 tuần.

Nói chỉ còn một vài nước là giữ Tết Nguyên Đán, nên bỏ luôn Tết cổ truyền để "hội nhập" toàn cầu? E rằng sẽ "hớ to", vì quốc gia nào cũng có những dịp nghỉ lễ theo văn hóa, truyền thống riêng của mình. Tại sao chúng ta "ăn" Tết Nguyên Đán? Vì chúng ta có nền văn hóa lúa nước hàng nghìn năm, tổ tiên, ông bà và cả chú bác chúng ta ngày nay đã và đang sử dụng lịch Âm để tổ chức lao động (canh tác, trồng trọt) và sinh hoạt xã hội. Vậy nên Tết không đơn thuần là một "kỳ nghỉ dài" mà có ý nghĩa như một "mã vạch văn hóa" của chúng ta.

Cũng giống như các nước phương Tây kỷ niệm các dịp lễ theo các truyền thống của đạo Thiên Chúa. Các nước Thái Lan, Myanmar, Lào... có các ngày lễ theo Phật lịch.

Ví dụ nhé! Học sinh - sinh viên ở Pháp được hưởng các kì nghỉ như sau: Kì nghỉ Hè dài 2 tháng (tháng 7 đến tháng 9 và tất nhiên là không có học thêm, đối với sinh viên đại học thì có thể nghỉ đến giữa tháng 9), kì nghỉ dịp lễ thánh Toussaint (kéo dài khoảng 1 tuần vào cuối tháng 10, đầu tháng 11), kì nghỉ dịp Noel, năm mới (khoảng 2 tuần), kì nghỉ Đông (khoảng 2 đến 3 tuần vào tháng 2), kì nghỉ Xuân (2 tuần vào tháng 4). Vậy, một người lao động bình thường được nghỉ ít nhất 2 tháng, còn một học sinh - sinh viên Pháp được nghỉ ít nhất 4 tháng mỗi năm (bạn cũng có thể tự so sánh với HS-SV Việt Nam rồi đấy).

Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta? ảnh 3

Thế các bạn du học sinh nghĩ sao về luận điểm cho rằng: "Gộp Tết" để thuận tiện cho các kiều bào và du học sinh nhỉ?

Bạn Tiên Đặng, du học sinh tại New York (Mỹ), vừa ăn Tết Tây 2017 ở Việt Nam xong lại tức tốc về lại Mỹ để làm thêm. Dù vẫn tiếc không khí Tết Âm lịch nhưng bạn vẫn không đồng tình với việc gộp Tết. “Năm nay mém xíu nữa là được ở lại ăn Tết. Nhưng chuyện lấy du học sinh ra để bảo là cần gộp Tết thì chỉ là cái cớ thôi”.

Nhiều người lập luận là Nhật Bản cũng đã bỏ tết cổ truyền để ăn Tết Tây, sao ta lại không học hỏi. Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử Đại học Kanazowa (Nhật Bản) Nguyễn Quốc Vương đã viết trong cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” rằng: Xã hội Nhật rất lý tính (coi trọng luật pháp, kỷ luật, hiệu quả,…) thậm chí người Nhật với nhau còn khó xây dựng được các mối quan hệ, còn xã hội Việt Nam thì cảm tính (coi trọng tình cảm, các mối quan hệ bạn bè, gia đình,…). Bởi vậy mọi thay đổi phải căn cứ vào văn hóa, tính cách của một dân tộc chứ không thể cứ học theo một cách bừa bãi được. 

Bản thân nhiều người Nhật cũng "tiếc" về sự thay đổi này. Công sứ Nhật Bản - Hideo Suzuki từng chia sẻ, vào thời kỳ công nghiệp hóa dưới thời Minh Trị, việc chuyển từ ăn Tết Nguyên Đán cổ truyền sang Tết Tây là rất cần thiết. Còn ngày nay, đang có một luồng dư luận tại Nhật cho rằng nên khôi phục Tết Nguyên đán cổ truyền.

Bởi theo Dương lịch, ngày 1/1 hằng năm sẽ bắt đầu mùa Xuân, nhưng trên thực tế, thời tiết tại Nhật vô cùng lạnh giá trong tháng 1. Vì vậy, rất khó cho mọi người cảm nhận một mùa Xuân mới đang về. Còn nếu theo Âm lịch, mùa Xuân sẽ đúng hẹn hơn. Khi đó, hoa mận đã nở khắp nơi và khoảng 1 tháng sau (tháng 3 dương lịch), sắc Xuân sẽ tràn ngập tại Nhật Bản với hoa anh đào nở.

Tết "nhạt" vì ta hay vì Tết?

Theo nhiều nghiên cứu, việc đón Tết âm lịch gây ra sự lãng phí khổng lồ và ảnh hưởng không nhỏ đến guồng quay công việc trong xã hội. Nền kinh tế bị thiệt hại khoảng 10% đến 15% cùng với những hệ quả đau thương từ tai nạn giao thông, thói bài bạc vốn đã ngấm sâu vào tục lệ của nhiều lễ hội. Vậy nguyên nhân ở đây là ý thức chấp hành pháp luật kém, mà nguyên do nằm ở giáo dục, tuyên truyền pháp luật kém, do ý thức người dân kém chứ không nằm ở cái Tết. Bỏ Tết đi thì cái ý thức kém ấy vẫn tồn đọng, liệu có dứt điểm nạn giao thông hoặc thói bài bạc hay không?

Còn việc đón Tết gây sự lãng phí? Thời điểm cuối năm là thời điểm vàng của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Tết là dịp "kích cầu" của nền kinh tế. Chuyện tổ chức Tết sao cho tiết kiệm, hợp lý tùy thuộc tư duy quản lý và hoàn toàn có thể tính toán, như việc năm nay nước ta quyết định không tổ chức bắn pháo hoa chẳng hạn. Trang trí đường phố, tái hiện không gian Tết xưa, bắn pháo hoa... - các chi phí có lãng phí hay không còn tùy thuộc vào kế hoạch có hợp lý hay không, chứ Tết thì có tội tình gì?

Gộp Tết ta vào Tết tây: Tết "nhạt" là tại Tết hay tại ta? ảnh 4

Cũng có ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng nên gộp/ bỏ Tết cổ truyền vì sau Tết, tâm lí “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” khiến nhiều người uể oải, ỳ trệ, đi làm rất muộn hoặc có đi làm thì hiệu quả công việc cũng không cao. Vậy thì nguyên nhân không nằm ở Tết mà nằm ở cách các doanh nghiệp, trường học làm “công tác tư tưởng” cho nhân viên, học sinh - sinh viên của mình như thế nào. Nếu nói vì nghỉ Tết mà sau Tết không ai muốn đi làm, đi học là hết sức vô lý, đổ thừa hoàn cảnh, cho năng lực quản lý của mình. 

Trong một vlog, Dưa Leo cho rằng nhiều người Việt Nam làm việc chơi chơi, vừa làm việc vẫn vừa có thể lướt facebook, chơi game. Hàng quán nhậu thì bày ra khắp mọi nẻo đường, đông vô kể. Đầu tuần, giữa tuần, hay cuối tuần đều có thể vô tư chơi bời, việc ngập đầu thì cứ “thôi để mai tính”. Ở nước ngoài (nhất là Nhật Bản) đi vài bước là có một nhà sách; ở Pháp, già trẻ lớn bé đều ngồi chật nhà sách, mỗi người say mê đọc một cuốn sách, trên tàu điện ngầm họ cũng tranh thủ đọc sách, còn ở Việt Nam, lên xe buýt hầu hết chỉ thấy cầm smartphone lướt facebook, chương trình truyền hình cũng toàn là gameshow giải trí, mấy ai ngồi xem các chương trình giáo dục? Cái cốt lõi của sự thụt lùi kinh tế nó không nằm ở mấy ngày Tết, mà nó nằm ở thái độ và cách làm việc, ở từng thói quen nhỏ nhặt của mỗi người Việt, ở tâm lý “thời gian là một vòng tuần hoàn” của dân mình. Con người là phải có lao động, lao động là phải có nghỉ ngơi, nhưng cái nào ra cái đó.

Vậy nên câu hỏi không nên là giữ hay bỏ Tết cổ truyền, mà là làm thế nào để Tết "đậm đà" hơn kỳ nghỉ Tết trở nên giàu ý nghĩa: Như một dịp sum vầy gia đình, liên kết lại các mối quan hệ, phục hồi sức lao động, "sạc pin" cảm hứng cho một năm tiếp theo. Bạn đồng ý không nào?

 HY DI

Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm