Hà Nội: Có trường hợp dương tính, qua rà soát thấy 2 mẹ con ngày nào cũng đi chợ

0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội: Có trường hợp dương tính, qua rà soát thấy 2 mẹ con ngày nào cũng đi chợ
TPO - Trên mạng xã hội xuất hiện luồng ý kiến cho rằng Hà Nội đang chống dịch nửa vời, thiếu kiên quyết, triệt để, dẫn tới nguy cơ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội. Chuyên gia phòng, chống dịch cho rằng, cần phải nhìn nhận ý kiến này ở góc độ tích cực để có biện pháp tốt hơn trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 29/8, thành phố Hà Nội ghi nhận 133 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca tại cộng đồng và 129 ca khu cách ly.

Đây là số ca ghi nhận cao nhất trong 24h, kể từ thời điểm giãn cách xã hội (24/7).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.091 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.534 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.557 ca.

Việc Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội thời gian khá dài, nhưng vẫn xuất hiện các “ổ dịch”, ca bệnh ở cộng đồng dẫn đến xuất hiện thông tin trên mạng xã hội cho rằng, thành phố đang chống dịch một cách nửa vời, không thực sự kiên quyết.

Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia phòng, chống dịch của thành phố cho rằng, đây không hẳn là ý kiến chính xác, nhưng cũng không thể bác bỏ hoàn toàn.

“Thực tế cũng có nơi, có chỗ thực hiện nửa vời. Có chỗ làm rất chặt, rất tốt, nhưng có chỗ cả chính quyền, người dân còn lơi lỏng, chưa làm chặt”, vị này nói.

Vì thế, các trường hợp F0 vẫn di chuyển, vẫn làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Theo vị này, mấu chốt là phải làm triệt để việc giãn cách xã hội, cách ly người với người, ai ở đâu yên đấy. Nếu không làm triệt để thì không thể chống dịch được.

“Như bây giờ nhiều người vẫn di chuyển. Rồi các xe ô tô luồng xanh, như các trường hợp lái xe ở chỗ Giáp Bát. Họ di chuyển về, nhưng vẫn đi lại, rồi uống nước ở quán ven đường. Hàng nước vẫn bán, người dân vẫn uống nước, bán nước như thế thì mới lây ra cả phố, rồi lại khai báo thiếu trung thực nữa”, vị này thông tin.

Vị này cũng nói thêm, việc cấp, sử dụng Giấy đi đường cũng còn nhiều bất cập. Cấp xong, người ra đường có tuân thủ quy định không hay có giấy rồi đi lại vô tư không ai kiểm soát, không ai biết.

Các cơ quan, đơn vị, cả các doanh nghiệp cũng được cấp Giấy đi đường, nhưng việc hậu kiểm thế nào, nếu sai phạm xử phạt ra sao, có nghiêm và đủ sức răn đe hay không cũng rất khó. Hai nữa là phát phiếu đi chợ nhưng có kiểm soát không, hay ngày nào cũng đi chợ được.

“Có trường hợp dương tính rồi, qua rà soát thấy hai mẹ con ngày nào cũng đi chợ”, vị này chia sẻ. Theo chuyên gia này, thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc.

“Hiện vẫn tập trung xét nghiệm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chưa tính tới khả năng xét nghiệm toàn bộ người dân. Việc thực hiện giãn cách nữa hay không cũng là bài toán hết sức đau đầu. Việc này Thành uỷ, thành phố sẽ quyết định. Tuy nhiên, cũng có thể có những hình thức khác, như phân chia khu vực để thực hiện, tránh kéo dài thời gian giãn cách quá lâu”, vị này nêu quan điểm.

Hà Nội áp dụng Chỉ thị 16, giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7, dự kiến kết thúc sau 15 ngày. Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố đã gia hạn việc áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 6/9.

Hiện, thành phố vẫn còn nhiều khu vực phức tạp về dịch bệnh như phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Giáp Bát, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa).

MỚI - NÓNG