Hà Nội kiến nghị nâng tầng trường học: Học sinh tăng chóng mặt, làm sao kịp nâng tầng?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo ý kiến các chuyên gia, thay bằng phương án nâng tầng, nếu một trường đủ điều kiện mở được cơ sở 2,3 thì cho trường mở để tăng chỗ học cho học sinh.

Học sinh đầu cấp đều tăng

Năm học 2023 – 2024, theo thống kê sơ bộ mới nhất từ các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội cho thấy, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng so với năm học 2022-2023, số học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em, số học sinh vào lớp 6 tăng mạnh nhất với khoảng 38.800 em.

Trong khi đó, theo quy định của ngành giáo dục, trường tiểu học có không quá 35 học sinh/lớp; THCS có không quá 45 học sinh/lớp, thì hiện nay, một số trường ở khu vực các quận như Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông... nhiều lớp học có sĩ số trên dưới 50 học sinh/lớp, thậm chí có lớp 60 học sinh/lớp.

Hà Nội cũng đã có các đoàn khảo sát về xây dựng trường lớp bậc phổ thông. Tại các buổi kiểm tra, quận như Đống Đa, Hoàng Mai… đều kêu gặp khó vì dân số cơ học tăng nhanh, quá tải số lượng học sinh/lớp trong khi đất quy hoạch cho giáo dục thiếu nhiều.

UBND quận Đống Đa kiến nghị TP xem xét ưu tiên quỹ đất cho giáo dục để có điều kiện mở rộng và xây mới các trường công lập, tận dụng những quỹ đất còn trống chưa khai thác xây dựng trường học theo đúng quy định. Ngoài ra, quận cũng xin ý kiến về phương án nâng thêm tầng cho trường học nhằm đảm bảo nhu cầu học cho học sinh.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề xuất Bộ GD&ĐT phương án nâng thêm tầng, xây tầng hầm cho trường học ở các quận nội đô.

Không khả thi

Ông Đào Tuấn Đạt, giảng viên Vật lý đại cương tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, và là cố vấn chuyên môn của trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT phương án nâng thêm tầng, xây tầng hầm cho trường học ở các quận nội đô không nên vì có thể tăng được một phần phòng học cho học sinh nhưng lại phá vỡ quy hoạch.

Ông Đạt đề xuất, Hà Nội nên làm theo phương án của TP.HCM đã làm. Thay bằng phương án nâng tầng, nếu một trường đủ điều kiện mở được cơ sở 2,3 thì cho trường mở để tăng chỗ học cho học sinh. TP.HCM cũng “căng” về phòng học nhưng có trường được mở đến 4 cơ sở nên trong đó không quá thiếu như ở Hà Nội.

Hà Nội kiến nghị nâng tầng trường học: Học sinh tăng chóng mặt, làm sao kịp nâng tầng? ảnh 1

Ông Đào Tuấn Đạt

Hà Nội cần cho cơ chế để các trường phổ thông được thuê lại các trường trung cấp, cao đẳng có phòng để trống mà không có học viên. “Hiện nay Hà Nội có bao nhiêu trường trung cấp, cao đẳng, trường nghề mà không có học sinh, để hoang hóa ra trong khi đó bắt học sinh hệ phổ thông học chui rúc, học ca 2, ca 3 thì nhà nước có cơ chế để cho các trường thuê lại”- ông Đạt đề xuất.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nâng tầng chỉ giải quyết được một số lượng ít phòng học không thể giải quyết được sự khan hiếm của phòng học, trường học ở khu vực trong nội thành.

Mặt khác, theo dự báo, trong một vài năm tới học sinh của Hà Nội có thể tăng tăng hơn 40.000-50.000 học sinh thì làm sao xây trường kịp được.

“Con số đó chia ra thêm bao nhiêu lớp cho đủ nên việc nâng tầng ở mỗi trường chỉ 8 hay 10 phòng không thể giải quyết được nhiều. Việc xây không bao giờ kịp cho việc tăng vọt lên từng đó. Nếu trung bình mỗi trường có 50 phòng học thì phải xây đến 100 trường. Điều này khó khả thi”- ông Đạt nói.

Hà Nội kiến nghị nâng tầng trường học: Học sinh tăng chóng mặt, làm sao kịp nâng tầng? ảnh 2

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội)

Trong khi đó, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, vấn đề đặt ra không chỉ tìm giải pháp thiếu phòng học, trường học bằng cách nâng tầng là đủ.

Theo ông Lâm, muốn giải quyết việc thiếu phòng học ở các trường học nội đô, thành phố cần cho từng quận huyện một phải được quyền tự chủ đáp ứng nhu cầu dân trong khu vực mình quản lý, chỉ có như vậy họ mới chủ động được.

“Thành phố nên giao cho quận, huyện căn cứ vào số dân của mình để đưa ra phương án trước 2-3 năm xem số học sinh sẽ biến động như thế nào. Nếu không tính trước thì không bao giờ lo phòng học cho kịp được”- ông Lâm nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo ông Lâm, cần phát triển được nhiều trường công lập để thỏa mãn nhu cầu của dân có đời sống còn khó khăn.

Muốn như vậy, thành phố cần tạo điều kiện các nhà đầu tư có kinh phí được giao đất sạch để làm.

"Làm sao để thuyết phục và đủ hấp dẫn với nhà đầu tư khi tham gia thì sẽ có thêm trường và giải phóng được vấn đề lớp học còn thiếu"- ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng nhấn mạnh, trường xây thêm có mức học phí phù hợp chứ thả nổi học phí thì người dân khó cho con theo học được.

"Vấn đề ở đây là phải có cơ chế để kiểm soát học phí. Mức học phí cần ở mức phù hợp với điều kiện của người dân. Chứ các trường vẽ đủ ra nhưng đóng học phí cao thì dân làm sao cho con học được”- ông Lâm cho hay.

MỚI - NÓNG