Hà Nội: Ký túc xá thiếu chỗ cho sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khi biết đã trúng tuyển, chưa nhận giấy báo nhập học, nhiều tân sinh viên đã phải lo lắng tìm cách đăng ký để mong có cơ hội được ở trong ký túc xá (KTX), giảm chi phí sinh hoạt cho gia đình khi đến Hà Nội học.

Nguyễn Văn Dũng (Thanh Hóa) vừa trúng tuyển vào một trong 8 trường đại học (ĐH) trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và có nguyện vọng được ở trong ký túc xá Mễ Trì.

Nhận được thông báo KTX mở cổng đăng ký, nhưng dù ngồi chầu chực bên máy tính, Dũng cũng không thể đăng ký được do quá ít suất mà nhu cầu lại lớn. Chính vì vậy, em lại tìm bạn học cùng quê để có thể thuê trọ cùng nhau.

Hà Nội: Ký túc xá thiếu chỗ cho sinh viên ảnh 1

Sinh viên đăng ký ở tại ký túc xá Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội Ảnh: VNU

Chị Nguyễn Bích Thủy ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ, năm nay cháu ruột ở quê trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Do sợ cháu đi lại vất vả nên chị muốn cháu ở KTX cho tiện. Dù đã đăng ký thành công nhưng chị Thủy cho rằng khả năng có được 1 suất trong KTX gần như bằng 0 vì Học viện xét theo thứ tự ưu tiên mà cháu chị không thuộc đối tượng ưu tiên nào.

TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, đầu năm, nhà trường chỉ tiếp nhận đăng ký ở KTX đối với các sinh viên khóa mới, còn không xét duyệt sinh viên khóa cũ. Không những thế, tân sinh viên cũng phải thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định mới được ở. Nguyên nhân là KTX không đủ chỗ để đáp ứng hết mọi yêu cầu của sinh viên.

Hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội có 3 KTX (Mễ Trì, ĐH Ngoại ngữ, Mỹ Đình 2) với hơn 6.000 chỗ ở. Trong đó, ưu tiên quỹ nhà dành cho sinh viên năm thứ nhất là khoảng 1.700 chỗ cho 8 trường ĐH và 4 khoa trực thuộc. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của ĐH Quốc gia là 13.150, chỗ ở KTX đáp ứng được gần 13% sinh viên năm thứ nhất. Còn xét trên quy mô toàn ĐH Quốc gia Hà Nội, KTX đáp ứng được trên 13%.

Do đó, giống như các trường ĐH khác, ĐH Quốc gia Hà Nội xét ưu tiên một số đối tượng được ở KTX như diện chính sách xã hội, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người có công; học sinh, sinh viên khuyết tật; có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; có hộ khẩu thường trú tại vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; mồ côi cả cha và mẹ; là con hộ nghèo, cận nghèo; học sinh, sinh viên thuộc nhiệm vụ đào tạo chiến lược của ĐH Quốc gia Hà Nội; đạt giải cao, điểm cao trong kỳ thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh ĐH...

Tại Hà Nội, rất hiếm trường ĐH có thể đáp ứng đủ chỗ ở KTX cho sinh viên có nhu cầu. Phần lớn các trường đều xét theo đối tượng ưu tiên từ trên xuống dưới nên sinh viên bình thường gần như không có cơ hội tiếp cận chỗ ở trong KTX.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, chỗ ở trong KTX của trường là 4.200. Đối với sinh viên năm thứ nhất, trường thường dành khoảng 1.000 chỗ, cơ bản đáp ứng hết nhu cầu ở KTX (chỉ tiêu năm nay của trường là hơn 8.000).

Bà Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Công tác chính trị và Quản lý Sinh viên, Trường ĐH Thủy lợi, cho biết tòa nhà KTX 11 tầng của trường đáp ứng được 4.000 chỗ ở cho sinh viên. Tuy vậy, nhà trường vẫn xét theo đối tượng ưu tiên, với các đối tượng khác, nhà trường cố gắng bố trí đáp ứng yêu cầu. Bà Giang chia sẻ, có lúc vẫn còn dư chỗ ở.

KTX của Trường ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội đang phục vụ hai đối tượng là học sinh Trường THPT FPT và sinh viên ĐH. Nhà trường hiện đáp ứng đủ 100% chỗ ở KTX cho học sinh phổ thông. Đối với sinh viên, mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% quy mô đào tạo, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, cho biết.

Theo TS Lê Trường Tùng, Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đào tạo giáo dục ĐH, trong đó có tiêu chí: “KTX sinh viên và các công trình phục vụ sinh hoạt của sinh viên đảm bảo theo quy định và đáp ứng điều kiện nội trú cho ít nhất 25% tổng quy mô đào tạo (hoặc tương đương 100% quy mô tuyển sinh năm thứ nhất)”.

MỚI - NÓNG