Hà Nội nới hoạt động quảng cáo cho khu phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo quy chế mới ban hành của UBND thành phố Hà Nội, khu vực phố cổ được thực hiện quảng cáo của cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thay thế cho biển hiệu, dù theo quy chế cũ, khu vực này thuộc nhóm "không quảng cáo".

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố.

Theo Quy chế, khu vực không quảng cáo trên địa bàn thành phố gồm: trụ sở của cơ quan đảng, nhà nước các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, doanh trại quân đội, trụ sở cơ quan công an, đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế; di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; các di tích có trong danh mục kiểm kê của thành phố; di tích cách mạng kháng chiến; khuôn viên nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm và cơ sở tôn giáo.

Khu vực Quảng trường Ba Đình được giới hạn bằng các tuyến đường phố tiếp giáp nhau bao quanh quảng trường, gồm: Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ (từ ngã ba Nguyễn Tri Phương đến đường Độc Lập, đường Hùng Vương cũng là khu vực không quảng cáo.

Hà Nội nới hoạt động quảng cáo cho khu phố cổ ảnh 1

Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: PV.

Ngoài ra, thành phố cũng không cho quảng cáo tại các tầng là nhà ở thuộc công trình cao tầng, nhà chung cư, khu tập thể cũ; khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt, hành lang an toàn bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa, hành lang bảo vệ đê điều, hành lang an toàn lưới điện cao áp; khu vực đất của đường bộ ngoài đô thị.

Thành phố cũng quy định các khu vực hạn chế quảng cáo, gồm nhiều tuyến phố cổ Hà Nội, một số quảng trường, trên thân cột đèn chiếu sáng đô thị, trên mặt các hồ nước của thành phố…

“Khu vực phố cổ, gồm các tuyến phố tiếp giáp với khu vực hồ Hoàn Kiếm: Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay; Hàng Trống, Hàng Hành, Bảo Khánh, Lương Văn Can, Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàn Kiếm, Lò Sũ, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ; các tuyến phố: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Đậu, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Phùng Hưng, Điện Biên Phủ (từ Hàng Bông đến Nguyễn Tri Phương), được thực hiện quảng cáo của cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thay thế cho biển hiệu”, văn bản nêu.

Khu vực phố cổ, theo UBND thành phố Hà Nội, được đối chiếu theo Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT ngày 5/4/2004 của Bộ VHTT về việc xếp hạng di tích quốc gia khu phố cổ Hà Nội. Đáng chú ý, trước đây, trong Quyết định 01/2016 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, khu vực phố cổ theo Quyết định số 14 nói trên thuộc khu vực không quảng cáo.

Về loại hình quảng cáo tại công trình, nhà ở, UBND thành phố Hà Nội quy định không quảng cáo trên nóc nhà hoặc che lấp nóc nhà, mái nhà, trừ bảng quảng cáo dạng chữ, hình, biểu tượng. Tổng chiều cao các chữ, hình, biểu tượng tối đa 2m; chiều ngang các chữ, hình, biểu tượng không vượt quá giới hạn kết cấu tường có thể gắn chữ, hình, biểu tượng. Công trình, nhà ở cao tầng, nhà chung cư cao tầng được quảng cáo tại tầng dịch vụ, kỹ thuật.

“Bảng quảng cáo, hộp đèn gắn, ốp cố định vào mặt ngoài các công trình nhà ở phải đảm bảo các quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn, cứu hộ cứu nạn; không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, kết cấu của công trình; phải liên kết cố định, chắc chắn với công trình, đảm bảo mỹ quan và phù hợp với kiến trúc công trình”, UBND thành phố quy định, đồng thời yêu cầu, bảng có diện tích một mặt trên 20m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình, nhà ở phải có giấy phép xây dựng theo quy định.

Quy chế của UBND thành phố Hà Nội cũng quy định về quảng cáo tại cầu vượt sông; cầu vượt đường bộ; cầu vượt dành cho người đi bộ; đường hầm dành cho người đi bộ. Theo quy định, chiều cao bảng quảng cáo không được vượt quá chiều cao lan can, thành cầu… Đối với hầm dành cho người đi bộ, được đặt màn hình chuyên quảng cáo, diện tích bảng tối đa không quá 20m2, không được dùng âm thanh.

Hà Nội nới hoạt động quảng cáo cho khu phố cổ ảnh 2

Báo Tiền Phong từng có loạt bài phản ánh nhiều vi phạm liên quan hoạt động quảng cáo trên cầu vượt dành cho người đi bộ. Ảnh: A.Trọng.

Về quảng cáo trên phương tiện giao thông, thành phố yêu cầu không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông…

MỚI - NÓNG