Hà Nội tăng giá nước: Giá phải đi đôi cùng chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều chuyên gia bày tỏ sự đồng tình với việc điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt tại Hà Nội thời gian tới, tuy nhiên cần có sự đảm bảo về chất lượng đi đôi cùng giá cả.

Chiều 29/6, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND TP về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo dự thảo Quyết định về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội, giá nước dự kiến điều chỉnh từ ngày 1/7/2023; đến ngày 1/1/2024, giá nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tăng.

Phương án giá nước cụ thể như sau:

Hà Nội tăng giá nước: Giá phải đi đôi cùng chất lượng ảnh 1

Bà Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, với mức tăng dự kiến, theo nhu cầu thực tế, trung bình mỗi hộ tại khu vực nội thành sử dụng từ 10-16m3/tháng sẽ phải chi trả thêm tiền nước sạch từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng; với các hộ ở nông thôn sử dụng từ 6-8m³/tháng, số tiền phải chi thêm là từ 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.

Phương án điều chỉnh giá nước này được đánh giá không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. Các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch ở 10m³ đầu tiên sẽ giữ nguyên, không tăng giá.

Bà Tâm khẳng định, việc tăng giá xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch. “Sau điều chỉnh giá nước ở Hà Nội vẫn mức tương đương hoặc thấp hơn các tỉnh thành”, lãnh đạo Sở chia sẻ.

Góp ý vào dự thảo quyết định điều chỉnh giá nước sạch, tất cả các ý kiến đều đồng tình.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, lý do điều chỉnh quan trọng nhất do giá nước sạch hiện nay không đủ bù đắp chi phí dẫn đến cạn dòng tiền đầu tư vào hệ thống nước. Ông Thỏa nêu dẫn chứng 10 năm qua, lạm phát tăng 30%, lương tối thiểu vùng (vùng 1) tăng từ 2,7 triệu đồng/người/tháng lên 4,68 triệu đồng/người/tháng… Tất cả đầu vào đều đã tăng cao, chưa kể các chi phí về thuế, phí cũng đã điều chỉnh do đó việc tăng giá nước là tất yếu.

Hà Nội tăng giá nước: Giá phải đi đôi cùng chất lượng ảnh 2

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Giá nước ở Hà Nội 10 năm qua không tăng, ai cũng thấy bất hợp lý, nó còn gây ra hệ quả là không tạo được động lực để ngành nước đầu tư tái sản xuất, mở rộng phạm vi bao phủ, không tạo được sức ép sử dụng nước tiết kiệm…

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: Chính giá nước sạch thấp làm méo mó các dạng hoạt động sản xuất kinh doanh sử dụng nước sạch. Bởi khi tính vào giá thành sản xuất không tính đủ giá thành nước vào.

Đồng tình phương án tăng giá nước sạch, tuy nhiên ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý cần có thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước sạch. Bởi theo phụ lục tại Quyết định có nêu giá bán buôn trung bình chỉ 3.000 đồng nhưng giá bán lẻ lên tới hàng chục nghìn. “Tất nhiên, mỗi cơ sở sản xuất công nghệ khác nhau, nhưng cũng cần minh bạch xem thất thoát khâu nào, khâu nào thất thoát nhiều, tỷ lệ thất thoát ra sao”, ông Dĩnh nói.

Hà Nội tăng giá nước: Giá phải đi đôi cùng chất lượng ảnh 3

Quang cảnh Hội nghị chiều 29/6

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị nên có kiểm tra, thanh tra toàn diện các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. “Tăng giá là hợp lý không phải vấn đề, thế nhưng giá nước phải đi kèm với chất lượng. Tiền bỏ ra nhưng có nơi mất nước liên tục, có nơi chất lượng nước không đảm bảo, phải làm rõ được vấn đề này”, một chuyên gia nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.