Án kỉ luật và những lời công kích tiêu cực
Thông tin về án phạt của CLB HAGL với cầu thủ Tăng Tiến, được đưa ra ngay sau trận đấu. Theo đó “CLB sẽ thi hành kỷ luật ngay lập tức không đăng ký Tăng Tiến thi đấu hết giai đoạn 1 V.League 2018. Giao Ban lãnh đạo, BHL CLB giáo dục cầu thủ Tăng Tiến và toàn đội nhận thức hành vi bạo lực và tôn trọng đối thủ.”
Mặc dù có rất nhiều các bình luận trong thông báo chính thức của CLB HAGL ủng hộ quyết định này của Chủ tịch CLB là ông Đoàn Nguyên Đức và khẳng định luôn dành tình cảm cho CLB. Nhưng cũng có không ít các ý kiến tỏ ra không hài lòng, thậm chí công kích CLB, bầu Đức một cách gay gắt, thô tục và cho rằng án phạt đó là quá nặng. Thậm chí có CĐV còn cho rằng CLB HAGL đang làm truyền thông, làm đẹp hình ảnh cho CLB hơn là quan tâm đến sự nghiệp của cầu thủ.
Thông báo chính thức về án kỉ luật dành cho Tăng Tiến trên fanpage của CLB Hoàng Anh Gia Lai.
Một CĐV bình luận: “Vớ vẩn thật. Kể cả đó là ác ý đi nữa thì đã có ban kỷ luật VFF. Bác lại can thiệp quá sâu rồi. Lúc nào cũng mong đá đẹp. Đá đã không đẹp, rồi cũng chẳng hiệu quả. HAGL thật sự lạc hậu rồi. Barca, Arsenal nó cũng chẳng đá như thế đâu. Cần thay đổi tư duy…”.
Facebook-er T.T.L phản ứng: “Tôi tin trên thế giới này có hàng nghìn CLB bóng đá chuyên nghiệp nhưng chỉ HAGL mới nghĩ ra được cái hình phạt *** này.”
Rất nhiều bình luận gay gắt của các CĐV hướng tới CLB HAGL và ông bầu Đoàn Nguyên Đức.
Án phạt quá mức, hay cần thiết vì tương lai cầu thủ?
Cầu thủ Anh Khoa (CLB SHB Đà Nẵng) từng phải từ giã vĩnh viễn sự nghiệp thi đấu ở tuổi 25 sau cú phạm lỗi ác ý của Quế Ngọc Hải (CLB SLNA). Anh Khoa từng ngậm ngùi trả lời phỏng vấn báo chí: “Giá như Hải chỉ đạp vào cổ chân tôi, thì tôi chỉ bị… bay lên và chấn thương có thể chỉ ở phần mềm hoặc nhẹ nhẹ thôi. Nhưng Hải lại đạp vào ống đồng của tôi.”
Sau pha phạm lỗi ấy, dù Quế Ngọc Hải có xin lỗi Anh Khoa và cho rằng mình không cố ý, nhưng cú vào bóng ấy vẫn cướp đi vĩnh viễn sự nghiệp thi đấu của Anh Khoa. Quế Ngọc Hải thì phải nhận án kỉ luật treo giò 6 tháng, phải chi trả hơn 800 triệu đồng chi phí phẫu thuật, điều trị của Anh Khoa và mang theo một “vết nhơ” trong đời cầu thủ.
Các bạn chắc cũng không quên biệt danh “Võ League” mà giới hâm mộ bóng đá đặt cho giải V-League vì quá nhiều các pha phạm lỗi ác ý của các cầu thủ của giải đấu. Những cái tên như Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức, Chí Công… và những án phạt từ các pha chơi xấu ác ý làm “dậy sóng” làng bóng đá. Báo chí Thái Lan từng mỉa mai về V-League rằng: “… thật may mắn là Kiatisuk, Thonglao (những cầu thủ nổi tiếng của Thái Lan từng thi đấu tại Việt Nam - PV)… đã trở về từ V-League mà còn lành lặn…”.
Là một người hâm mộ bóng đá chân chính, liệu các bạn có muốn tiếp tục chứng kiến những cầu thủ tài năng phải rời cáng trong đau đớn và vĩnh viễn rời xa sân cỏ.
Án phạt nghỉ thi đấu hết lượt đi của CLB với Tăng Tiến có thể là nặng, nhưng nếu CLB không phạt, liệu Ban kỉ luật của giải có bỏ qua cho Tăng Tiến? Nếu Tiến chỉ bị treo giò “nhẹ nhàng”, liệu Tiến có được một bài học “để đời” và tránh được những lần phạm lỗi thô bạo, những án kỉ luật khác? Tiến có thể phạm lỗi thô bạo với Duy Mạnh thì chẳng có cớ gì các cầu thủ khác không thể vào bóng ác ý với Tiến để Tiến chấn thương? Và biết đâu, khi đang bị chấn thương hay lĩnh án treo giò, Tiến sẽ mất đi cơ hội được toả sáng, mất đi vị trí vào một cầu thủ khác rồi dần dần chìm vào quên lãng. Liệu bạn có muốn thế?
Là một fan bóng đá, chắc hẳn bạn sẽ luôn thấy lá cờ “fair-play” luôn xuất hiện trên sân cùng các cầu thủ trong nghi thức chào cờ đầu trận đấu?”. “Fair-play” nghĩa là chơi đẹp, nó thể hiện tinh thần cao thượng, tôn trọng trọng tài, cầu thủ, CĐV và các luật lệ trong bóng đá. Đó là điều mà mọi đội bóng, mọi nền bóng đá muốn hướng tới, trong đó có bóng đá Việt Nam.
Lá cờ "fair-play" luôn xuất hiện trong các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp để thể hiện tinh thần bóng đá cao thượng.
Chúng ta từng xuýt xoa về lối đá đẹp, cống hiến, hầu như không có những phản ứng tiêu cực với cầu thủ đội bạn hay với trọng tài, dù không ít lần bị phạm lỗi thô bạo hay xử ép của các cầu thủ U23 Việt Nam. Vậy tại sao, khi họ trở về với giải quốc nội, chúng ta không ủng hộ tinh thần ấy của họ và lên án cái xấu.
Đội tuyển U23 Việt Nam từng được trao giải "fair-play" tại giải U23 Châu Á vừa qua.
Một quyết định kỷ luật nghiêm khắc ở cấp độ CLB có thể lại giúp ích cho cả sự nghiệp dài của một cầu thủ cũng như giúp nhiều cầu thủ khác nhìn nhận lại ý nghĩa đích thực của môn thể thao vua, đóng góp cho một nền bóng đá Việt Nam phát triển văn minh, đẹp mắt.