Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương:

Hai mối đe dọa thúc đẩy tác chiến điện tử

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng có hai loại mối đe dọa chính thúc đẩy tác chiến điện tử ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

“Đầu tiên là sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc, sự chuẩn bị cho "chiến tranh trí tuệ hóa" và sự quyết đoán của nước này ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, GS Carlyle Thayer nhận định. Mối đe dọa thứ hai phát sinh từ các công nghệ đột phá - mạng lưới trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự trị, điện toán lượng tử, dữ liệu lớn - vượt ra ngoài các lĩnh vực trên bộ, trên biển và trên không để bao gồm các lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng nhắm mục tiêu không chỉ vào khí tài quân sự mà còn vào nền kinh tế trong nước, dư luận và hạ tầng quan trọng của các quốc gia trong khu vực.

Hai mối đe dọa thúc đẩy tác chiến điện tử ảnh 1

Thành phần của tác chiến điện tử bao gồm trinh sát điện tử, bảo vệ điện tử và chế áp điện tử. Ảnh: Raytheon

Theo ông Thayer, hầu hết các quốc gia tiên tiến và cường quốc tầm trung trong khu vực đã thiết lập bộ tư lệnh tác chiến không gian mạng, bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Triều Tiên, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam… Các bộ tư lệnh này hiện là tuyến phòng thủ đầu tiên về thời gian cảnh báo và phản ứng nhanh.

Các quốc gia đang tạo ra “mạng lưới của các mạng lưới” hoạt động theo chiều dọc và chiều ngang. Mạng dọc hoạt động trên cơ sở ý định của vị tư lệnh và quyết định của các chỉ huy nhiệm vụ trong chuỗi chỉ huy. Mạng ngang cố gắng liên kết các binh chủng, cơ quan an ninh và dân sự có liên quan theo thời gian thực, cho phép sử dụng tác chiến điện tử cả trong phòng thủ và tấn công. Chìa khóa cho quân đội tiên tiến là phản ứng nhanh để thống trị phổ điện từ và thâm nhập, thao túng, phá vỡ và làm suy giảm chu kỳ ra quyết định và chuỗi tiêu diệt của đối thủ, GS Thayer nhận định.

Theo ông Thayer, có bốn khía cạnh ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quốc phòng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đầu tiên là sửa đổi, thay thế các nền tảng, thiết bị cũ hiện nay bằng các công nghệ mới và mới nổi. Ví dụ, máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã được nâng cấp với bộ tác chiến điện tử Viper tích hợp để tìm kiếm, chống lại, phá hủy các cảm biến và vũ khí của đối phương.

Thứ hai là sự phát triển của các nền tảng, vũ khí tấn công và phòng thủ mới, như máy bay không người lái và nền tảng tự động, không cần người vận hành và các công nghệ chống siêu vượt âm. Thứ ba là sự xuất hiện của các ngành công nghiệp quốc phòng ngách chuyên phát triển các công nghệ đặc biệt như cảm biến hoặc thúc đẩy kết nối mạng giữa các hệ thống vũ khí. Thứ tư là tăng cường hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của các quốc gia có quan hệ đồng minh chặt chẽ để tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của họ và đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy.

Vậy quân đội các nước hợp tác với nhau như thế nào để tăng cường năng lực tác chiến điện tử và giải quyết các thách thức an ninh chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Theo GS Thayer, sự hợp tác của AUKUS (Úc, Anh và Mỹ) dựa trên hai trụ cột. “Trụ cột đầu tiên là cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc. Trụ cột thứ hai là sự phát triển của các công nghệ quan trọng để chiến đấu, bao gồm không gian mạng, AI và điện toán lượng tử. Những công nghệ này tập trung vào các nền tảng không người lái và tàng hình dưới biển”, ông Thayer khẳng định. Nhóm tình báo “Ngũ Nhãn” (Úc, Canada, New Zealand, Anh và Mỹ) đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tình báo tín hiệu và an ninh mạng.

Tướng Trung Quốc kêu gọi phát triển năng lực chiến tranh lai

Kiểu chiến tranh lai nổi lên trong xung đột Nga - Ukraine, trong đó kết hợp “chiến tranh chính trị, chiến tranh tài chính, chiến tranh công nghệ, chiến tranh mạng, và chiến tranh nhận thức”, tướng Wang Haijiang, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến khu Tây Bộ thuộc quân đội Trung Quốc, viết trong bài đăng trên báo Study Times số ra ngày 15/5. Theo vị tướng này, “nhiều sự kiện "thiên nga đen" và "tê giác xám" có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là với những mối đe dọa bao vây, kiềm tỏa, phân tách, đàn áp và đe dọa quân sự từ một số nước phương Tây”.

Dù đã đổ hàng trăm tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, các lực lượng vũ trang Trung Quốc được đánh giá là chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Ông Wang cho rằng, Trung Quốc cần phát triển năng lực chiến tranh lai, cần có khả năng chiến thắng để duy trì an ninh quốc gia. Năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong chiến tranh giả định trở thành trọng tâm của nước này trong những tháng gần đây, với những đợt tập trận rầm rộ xung quanh đảo Đài Loan. Theo ông Wang, Trung Quốc sẽ tạo nên những lợi thế quân sự mới bằng cách phát triển năng lực trong các lĩnh vực mới như AI, mạng lưới thông tin, hàng không và vũ trụ.Bình Giang (theo Reuters)

MỚI - NÓNG