Hải quân Việt Nam làm 'điểm tựa' cho ngư dân vươn khơi, bám biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Quân chủng Hải quân đã hỗ trợ tích cực cho ngư dân tham gia đánh bắt cá trên biển và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.

Tích cực tuyên truyền chủ quyền biển đảo

Sáng 23/9, tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân - TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” giai đoạn 2019 - 2022. Hội nghị tập trung vào đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp đã được ký kết giữa Quân chủng Hải quân với 28 địa phương ven biển.

Hải quân Việt Nam làm 'điểm tựa' cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Hải quân chủ trì hội nghị. Ảnh C.H

Sau 3 năm triển khai, chương trình đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, góp phần củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị trong Quân chủng phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, cơ quan Quân sự các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, các chủ tàu cá và ngư dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đánh bắt thủy hải sản.

Hải quân Việt Nam làm 'điểm tựa' cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 2

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân trao thưởng cho tập thể, cá nhân các địa phương có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình. Ảnh: C.H

Bên cạnh đó, Cục Chính trị Hải quân và các cơ quan đã chủ động biên soạn hơn 40 bộ tài liệu phục vụ tuyên truyền cho ngư dân như: Tình hình trên các vùng biển đảo; Những điều cần biết dành cho ngư dân khi đi biển; Những điều cần biết về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam (DK1); Sổ tay cấp cứu cho người đi biển... Các đơn vị trong Quân chủng chủ động xây dựng đề cương, cử hơn 500 lượt báo cáo viên có kinh nghiệm trực tiếp đến các cảng cá, âu tàu, khu neo đậu để thông tin, tuyên truyền cho trên 94.000 lượt chủ tàu và ngư dân. Các tổ, đội lưu động tại các đơn vị làm nhiệm vụ trên biển sử dụng gần 1.000 lần phát loa tuyên truyền cho hơn 3.500 lượt tàu thuyền ngư dân hoạt động trên các vùng biển xa bờ, trong đó có cả tàu thuyền nước ngoài.

Hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Tư lệnh Hải quân cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức 567 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt chiếc máy bay, 58 lượt xuồng, 50 lượt xe ô tô cùng 12.538 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai… Vì thế, các đơn vị của Quân chủng đã kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu vớt được 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo; giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền trên biển được 1.415 ngày công.

Hải quân Việt Nam làm 'điểm tựa' cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 3

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân chữa trị cho ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: Công Hoan

Bộ Tư lệnh Hải quân cũng đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên biển, các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1 thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, kể cả ngư dân nước ngoài. Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đã hỗ trợ ngư dân 25.240 m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá trong đất liền.Hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám chữa bệnh…

Hải quân Việt Nam làm 'điểm tựa' cho ngư dân vươn khơi, bám biển ảnh 4

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên hỗ trợ lai dắt tàu ngư dân gặp nạn. Ảnh: Công Hoan

Ngoài ra, Quân chủng còn phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp huấn luyện bồi dưỡng kiến thức cơ bản các chuyên ngành hàng hải. Thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, các đơn vị trong Quân chủng đã lựa chọn những bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao để thành lập các tổ quân y đến từng địa phương tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 11.000 lượt ngư dân với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng; triển khai có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ nhân dân phòng, chống dịch COVID-19. Với phương châm “lo cho dân như người thân của mình”, “giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hình ảnh những con tàu, chiến sĩ Hải quân Việt Nam không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, hy sinh, dầm mình trong mưa bão, vượt qua sóng giữ cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển đã để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp.

Trước những diễn biến phức tạp trên một số vùng biển giáp ranh, Quân chủng Hải quân đã phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá ngư dân đánh bắt trái phép trên vùng biển của nước khác, không đăng ký, không khai báo. Thường xuyên duy trì các tàu trực giám sát nghề cá trên các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực (như: Trung Quốc, Indonexia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Philippine…) để hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời quan sát, phát hiện lực lượng chức năng một số nước bắt giữ trái phép tàu cá Việt Nam trên vùng biển giáp ranh, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao đấu tranh, trao đổi, đàm phán để bảo vệ ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ.
MỚI - NÓNG