Sự việc đau lòng này đã làm dấy lên những lo ngại về lịch sử hàng không của Indonesia khi có không ít thảm họa xảy ra trong những năm gần đây. Đặc biệt, hãng hàng không Lion Air cũng chính là hãng hàng không có chiếc máy bay gặp nạn trong sáng 29/10 đã ghi nhận ít nhất 14 sự cố trong khoảng thời gian từ khi thành lập (10/1999) đến năm 2002. Ngoài ra, các hành khách đã nhiều lần phải di tản khẩn cấp.

Mới đây nhất, ngày 29/4/2018, chiếc máy bay của Lion Air đã trượt ra khỏi đường băng do hỏng 1 động cơ tại sân bay Djalaluddin của tỉnh Gorontalo. Khi đó trên chuyến bay có 174 hành khách và 7 phi hành đoàn những rất may không xảy ra thiệt hại về người. Sau đó, sân bay đã phải đóng cửa 16 tiếng để giải quyết sự cố.

Tháng 4/2013, máy bay Boeing 737-800 chở 108 người của hãng đã rơi ở đảo Bali sau khi nỗ lực hạ cánh trong mưa. Tất cả hành khách rất may đều sống sót. Tháng 3/2006, chuyến Lion Air 8987 đâm xuống sân bay quốc tế Juanda do một lỗi về động cơ khiến máy bay chệch phải bên phải, không thể đáp chính xác xuống đường băng. May mắn không có ai tử vong nhưng máy bay bị tàn phá nghiêm trọng.
Đặc biệt, tháng 11/2004, chuyến bay Lion Air 538 chở 153 hành khách đã gặp nạn do xử lý hướng gió không chính xác. Sự việc khiến 25 người thiệt mạng.



Không những vậy, hãng hàng không Lion Air từng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm bay vào không phận của các nước thành viên do lo ngại về vấn đề an toàn năm 2006. Đến năm 2016 quyết định này mới được EU gỡ bỏ.
Tuy theo đánh giá của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, mức độ an toàn bay của Lion Air đã được cải thiện đáng kể nhưng sự cố lần này của hãng lại khiến dư luận cảm thấy lo lắng và hoang mang.