Thương hiệu xa xỉ hàng đầu của Pháp là Hermès đã đóng cửa 42/52 cơ sở sản xuất tại Pháp, dự kiến cho đến ngày 30/3. Đa số đây là các nhà máy này sản xuất đồ da, đồ may mặc và các loại đồ trang trí. Riêng nhà máy nước hoa của Hermès vẫn hoạt động, nhưng thay vì sản xuất nước hoa, các nhà máy này sẽ chuyển sang sản xuất nước rửa tay, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Hãng thời trang lừng danh Chanel cũng mới tuyên bố ngừng sản xuất, đóng cửa các nhà máy ở Pháp, Thụy Sỹ và Italy trong hai tuần. Đây là động thái tiếp theo sau khi nhà mốt hàng đầu này ngừng hoạt động toàn bộ cửa hàng ở Mỹ.
Các công ty chuyên bán lẻ cũng phải đóng cửa hàng loạt các cửa hàng độc lập và các cửa hàng trong các trung tâm thương mại. Đáng kể nhất là Nordstrom - trung tâm thương mại chuyên bán các mặt hàng thời trang cao cấp nổi tiếng hàng đầu tại Mỹ - và hàng loạt các thương hiệu bán lẻ đình đám khác như Sephora, Ralph Lauren, Apple, J.Crew, Nike, Reformation, Glossier... góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các thương hiệu bình dân cũng đã có hành động tương tự. Công ty Inditex - chủ sở hữu hàng loạt thương hiệu thời trang như Zara, Pull&Bear, Bershka... vừa tạm thời đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại 39 quốc gia, đặc biệt tại Tây Ban Nha và Ý từ 18/3.
Hiện tại, Zara đã đóng cửa hơn 3.700 cửa hàng trên khắp thế giới. Thương hiệu Thụy Điển H&M cũng vừa đưa ra thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ cửa hàng tại Mỹ và Canada cho tới ngày 2/4. Nike đã thực hiện quyết định đóng hàng loạt cửa hàng tại Mỹ trong vòng 12 ngày (16/3 - 27/3). Ngoài Mỹ, Nike còn tạm dừng hoạt động một số cửa hàng tại Canada, New Zealand, Australia và Tây Âu.
Nhãn hàng bán lẻ Urban Outfitters tuyên bố đóng toàn bộ cửa hàng từ ngày 15/3. Tất cả các nhân viên thuộc hơn 200 cửa hàng tại Mỹ, Canada và châu Âu vẫn sẽ được trả lương trong thời gian nghỉ việc. Supreme cũng thông báo đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng tại New York, Los Angeles, San Francisco, London và Paris.