Dance for love được tổ chức bởi Wequal - nhóm làm việc mở vì công lý giới,khởi xướng bởi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE và tổ chức Oxfam tại Việt Nam. Với những ý xã hội tích cực và tính sáng tạo trong thông điệp cũng như cách tổ chức, các sự kiện nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và khách du lịch đặc biệt là các bạn trẻ.
“Yêu đủ để buông” có nghĩa là yêu sao cho những người mình yêu có thể tự do quyết định cuộc sống và hạnh phúc của chính mình, tự do lựa chọn điều họ mong muốn, buông bỏ những kỳ vọng, chuẩn mực về giới mà xã hội hay số đông đặt ra.
"Chúng tôi là những người có tâm hồn đang chết. Chúng tôi bị siết chặt từ bên trong bởi những sợi dây định kiến này… Nếu bạn muốn chúng tôi sống lại, hãy cởi dây giải cứu chúng tôi! Nếu bạn muốn người mình yêu thương được buông bỏ khỏi những sợi dây định kiến đó..."
Thông điệp được truyền tải qua câu chuyện của một nhân vật chính với các khoảnh khắc phải đối mặt với định kiến giới như khi đi học, lúc chọn nghề nghiệp và thậm chí là khi tạo dựng gia đình của chính mình. Những khó khăn, sự vật lộn, giằng xé trước những quan điểm về giới của nhân vật được truyền tải qua các bài nhảy đầy ý nghĩa của các nhóm nhảy khiến người tham dự tự đặt ra câu hỏi: “Liệu có tốt hơn nếu chúng ta thử yêu theo một cách khác, yêu và kèm theo đó là sự quan tâm đến cách người đó muốn được yêu, yêu và song song với nó là sự trân trọng cảm nhận của đối phương, những mong muốn, lựa chọn cá nhân của họ mà đôi khi trái với kỳ vọng của chính mình.”
Anh Hoàng Giang Sơn - Cán bộ Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE, Đại diện truyền thông cho biết: “Năm đầu tiên, thông điệp "Yêu nhau cởi trói cho nhau" còn rất chung chung, năm nay chúng mình đi sâu về gia đình: nghề nghiệp, hôn nhân, những định kiến trong gia đình,… Chúng mình rất đầu tư vào các bài nhảy để truyền tải thông điệp này với các hình ảnh bạn nữ làm Grab bike, bạn nam làm dancer, làm chuyên viên trang điểm, đầu bếp,… đó là những nghề được coi là không phù hợp với giới ấy để hướng tới thông điệp - Yêu đủ để buông.”
Bài nhảy ở chặng cuối cùng với ý nghĩa gỡ bỏ mọi định kiến, sống tự do là chính mình.
Sự kiện Dance for love thể hiện ý thức mạnh mẽ về bình đẳng và công lý giới của những người trẻ. Với góc nhìn của những người trẻ tuổi họ mong đợi ở mỗi cá nhân khi yêu hãy “buông” bỏ định kiến, đặc biệt trong mối quan hệ đôi lứa, vợ chồng, cha mẹ - con cái, bạn bè. Yêu nghĩa là trao cho nhau sự tự do và tôn trọng để kể cả phụ nữ, nam giới hay bất kì ai đều được tự do phát triển bản thân và sống hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Sự kiện thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các bậc phụ huynh.
Cô Nguyễn Thu Thủy (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Thông điệp không chỉ có ý nghĩa với các bạn trẻ, mà còn với tất cả mọi người, khiến cô suy nghĩ, học cách buông khi mình yêu. Cô thấy đâu đó tiếng nói của chính các con mình nên cô luôn cố gắng để con có thể tự do trong các lựa chọn của mình: Nghề nghiệp, bạn bè, học hành,… Dù cô không thể làm một cách tuyệt đối nhưng cô nhận thức được rằng yêu để buông.”
Người tham dự cùng hòa trong bài nhảy Flashmod.
Vũ Ngọc Ly (THPT Hoài Đức A) hào hứng cho biết: “Em thấy rất thích sự kiện này, các anh chị nhảy rất vui, sôi động. Thông điệp thì rất ý nghĩa không chỉ nói về việc bình đẳng giới dù gái hay trai đều có thể làm những điều mình thích và theo đuổi đam mê của mình. Nếu bố mẹ muốn em làm gì em không đam mê em sẽ thuyết phục bố mẹ: mỗi người đều có đam mê, nhiệt huyết riêng của mình, không thể bị gò bó, dập khuôn theo một điều gì đó mà họ không thích.”
Sự kiện không chỉ mang lại niềm vui mà còn nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống, không chỉ là cô Thủy, bạn Ly mà rất nhiều người khác.
PHẠM MƠ