“Mục sở thị” đại thảo nguyên Mông Cổ chỉ thấy qua phim tài liệu
Theo đuổi đam mê du lịch đã nhiều năm, anh Dương Quốc Thắng (sinh năm 1987) được nhiều người có cùng sở thích “xê dịch” biết đến bởi những chuyến đi phiêu lưu nước ngoài đáng ngưỡng mộ.
Anh đã thành lập một công ty chuyên tổ chức các chuyến đi du lịch theo xu hướng “độc và lạ” mà chưa nhà tour nào ở Việt Nam từng làm. Mới đây, anh lại tiếp tục làm nhiều người nể phục khi thực hiện chuyến hành trình 30 ngày sống cùng đại bàng, tuần lộc ở Mông Cổ.
Sau khi xem các series phim tài liệu của BBC Human Planet cách đây hơn 2 năm, anh Thắng đã rất hứng thú khi biết đến những bộ lạc du mục người Kazakh sống về phía Tây xa xôi của Mông Cổ, di cư nay đây mai đó trên đại thảo nguyên.
Anh Thắng "check-in" cùng... đại bàng.
Với những người ưa thích mạo hiểm và khám phá những “góc lãng quên” của thế giới thì những đồng cỏ xanh ngắt hay những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng ít dấu chân người ở Mông Cổ và hành trình di cư mùa Đông của bộ lạc du mục này có sức hấp dẫn rất lớn với anh.
Sau 5 tháng chuẩn bị, Quốc Thắng đã bắt đầu chuyến hành trình của mình cùng 18 người đam mê du lịch khác, trở thành những người Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến đi đầy thú vị này.
18 thành viên người Việt Nam tham gia chuyến “phiêu lưu mùa Đông” đến từ khắp mọi miền đất nước.
Chuyến phiêu lưu mùa Đông của nhóm gồm 2 phần đi về 2 hướng khác nhau: Tham gia hành trình di cư của các bộ lạc Kazakh sống cùng đại bàng ở cực Tây và lên rừng Taiga đi tìm các bộ lạc Tsataan sống cùng tuần lộc ở cực Bắc vùng giáp biên giới Nga.
Chặng 1: Vượt dãy Altai tháp tùng các bộ lạc người Kazakh sống cùng đại bàng ở phía Tây Mông Cổ.
Chặng 2: Lên rừng Taiga phía Bắc tìm các bộ lạc Tsataan sống cùng tuần lộc.
Suốt chuyến đi, Quốc Thắng và các bạn đồng hành Việt Nam đã đi bộ cạnh các gia đình người Kazakh này cùng đàn gia súc ngựa, cừu, dê, bò, lạc đà, đại bàng… hàng ngàn con, cùng bầy chó săn. Phải mất vài ngày thì cả đoàn mới làm quen được với đám chó săn thông minh nhưng hung dữ này và được chúng cho phép đi bộ vào gần bầy gia súc.
Anh Thắng chia sẻ: “Nhóm mình đã được mục sở thị cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục cực kỳ xuất sắc, chúng mình đã vô cùng phấn khích khi được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh, vật mà bình thường chỉ được xem trên phim tài liệu của BBC”.
Mỗi người phải tự trang bị quần áo dày đến 3 - 4 lớp để chống lại cái lạnh -40 độ.
Những hình ảnh anh Thắng thu lại được vào ống kính và trí nhớ là những trải nghiệm đáng quý đánh đổi bằng cả 30 ngày “hành xác” thử thách sức khỏe và tinh thần.
Một tháng “hành xác” để đổi lấy những trải nghiệm để đời
Quốc Thắng và các thành viên trong đoàn đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn khi theo đuổi hành trình này. Chuyện thật chứ chẳng phải đùa khi việc vệ sinh cá nhân trong những ngày dài bụi bặm trên thảo nguyên cũng là một vấn đề khiến không ít người bối rối. Với cả đoàn, tắm là một việc xa xỉ vì không có nước.
“Thường thì lúc đang trong hành trình, cứ mỗi cuối ngày đến điểm hạ trại thì nhóm sẽ đào 1 hố nhỏ cách xa khu lều trại khoảng 100m rồi dựng lên 1 chiếc lều di động, bên trong để chiếc ghế nhỏ làm bệ xí. Đôi khi thời tiết quá lạnh, đất trở nên cực kỳ cứng khiến cho việc đào hố cũng trở nên rất khó khăn, lúc đó phải dùng đèn khò đốt cho băng tan đất mềm ra thì mới đào được” - anh Thắng kể lại.
Rồi đến việc ăn uống, khác với cách ăn của người Việt, người Mông Cổ ăn uống rất đơn giản, chủ yếu là các loại thịt, hiếm có rau củ quả, gia vị đơn sơ chứ không nấu nướng cầu kỳ nên đoàn vẫn phải mang theo thức ăn dự phòng, bột nêm cùng vô số mì gói đề phòng. Dù sữa chua lên men để khô là thức uống rất nhiều năng lượng và dinh dưỡng nhưng vì mùi vị khó ăn, đa số thành viên trong đoàn đều không thể thưởng thức đặc sản này.
Khi cả nhóm nghỉ chân dọc đường, họ thường lấy tuyết đun thành nước nấu súp nóng ăn trưa.
Không chỉ vấn đề sinh hoạt, ăn uống, việc giữ ấm cho các lều trong lúc ngủ luôn khiến trưởng đoàn như anh Quốc Thắng đau đầu.
Trong điều kiện thời tiết đặc thù khắc nghiệt, nhiệt độ trung bình ban ngày -15 độ, đêm xuống -30 đến -40 độ, ngủ trong nhiệt độ rất thấp, thời tiết thay đổi cực nhanh và bất thường nên cả nhóm phải đốt than liên tục, sử dụng nhiều miếng dán giữ nhiệt cá nhân để giữ ấm lúc ngủ.
Ngay đêm đầu tiên hạ trại trên đại thảo nguyên, Thắng cũng đã được phen “hú hồn” khi chứng kiến cảnh bão cát đánh sập hoàn toàn một lều và làm gẫy các lều còn lại của đoàn.
Dù khó khăn chồng chất nhau, không ít người cho rằng đây là một trải nghiệm “điên rồ” khi bỏ ra gần 4000 USD (khoảng gần 90 triệu đồng) để tự “hành xác”, nhưng chỉ có những người thực sự đam mê và đã trải qua 30 ngày đáng nhớ ấy mới hiểu giá trị của chuyến đi.
Anh Quốc Thắng chia sẻ: “Mỗi người sẽ trải nghiệm theo một cách rất khác nhau nên mình sẽ không thể biết được cụ thể, có điều có thể thấy rất rõ là ai cũng thỏa mãn với những trải nghiệm của mình và cảm thấy xứng đáng với tất cả những khó khăn mà đoàn đã trải qua”.
Dương Quốc Thắng bên cạnh gia đình người bộ lạc Kazakh trong chuyến đi săn cùng đại bàng.
Có những điều đáng quý không thể dùng tiền bạc và sự gian khó để làm thước đo, bởi những gì nhận được sau “cuộc phiêu lưu mùa đông” 30 ngày tại Mông Cổ này sẽ mãi là trải nghiệm tuyệt vời của Quốc Thắng cũng như những người trong đoàn sẽ ghi nhớ mãi.
TRÀ LINH - Ảnh: NVCC