Hành trình chống lại đại dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong đại dịch COVID-19, không chỉ các bác sĩ, y tá mà còn tài xế xe buýt, nhân viên căng-tin và công nhân nhiều ngành khác… đã làm việc bất chấp rủi ro. Giờ đây, họ chia sẻ câu chuyện của họ về hành trình chống lại đại địch.

Ông Andre Anglin, 51 tuổi, là tài xế xe buýt ở Columbus, Ohio, Mỹ.

Hành trình chống lại đại dịch COVID-19 ảnh 1

Ông Andre Anglin

Tôi bắt đầu làm việc vào 6 giờ 45 sáng, và kết thúc vào khoảng 6 giờ 30 tối. Trước 12 giờ trưa, nơi này giống như một thành phố ma. Nhưng sau 12 giờ, mọi người bắt đầu đi ra ngoài. Tôi cố chào hầu hết mọi hành khách lên xe. Hầu hết mọi người đang đến nhà người thân để hỏi thăm tình hình. Có một vài người đang đi đến cửa hàng tạp hóa. Và một số người có công việc thiết yếu.

Tôi cảm thấy tự hào vì có thể làm được phần việc của mình, đặc biệt là cho những người phải đến bệnh viện để họ có thể đi xét nghiệm. Tôi từng ở trong quân đội, vì vậy tôi vẫn có cảm giác vinh dự đó. Tôi muốn làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng mọi người cảm thấy được quan tâm và bảo vệ. Tôi cũng đảm bảo việc rửa tay thường xuyên, nhưng vào lúc này, tôi ưu tiên giúp đỡ người khác hơn là chính mình.

Hôm qua tôi đã nói chuyện với một quý ông và ông ấy nói, “Nếu không có các bạn, thành phố này sẽ ngừng hoạt động”. Và ông ấy ước mình có thể làm một điều gì đó đặc biệt cho chúng tôi. Nhưng với tôi, chỉ việc ông ấy nói lời cảm ơn thôi đã là đủ rồi.

Ông Luigi Cavanna, 67 tuổi, là trưởng khoa ung thư tại bệnh viện Guglielmo da Saliceto ở Piacenza, Ý.

Hành trình chống lại đại dịch COVID-19 ảnh 2

Ông Luigi Cavanna

Vào đầu tháng 3 năm 2020, khi dịch bệnh hoành hành, tình hình tại khoa cấp cứu cực kỳ nghiêm trọng. Người người đến liên tục, hàng chục người trong số họ trong tình trạng nguy hiểm. Giường và cáng ở khắp mọi nơi.

Một trong những bệnh nhân của tôi, sau khi ở trong khoa cấp cứu 10 tiếng, đã ký vào một tờ giấy tuyên bố rằng cô ấy muốn được đưa về nhà. Cô ấy nói rằng cô thà chết trên giường của chính mình. Sau đó, tôi đã đến thăm cô ấy tại nhà và cho cô ấy một ít thuốc, và trong vòng vài tuần, cô ấy đã khỏe lại. Đó là lúc tôi nhận ra rằng chúng ta không nên đợi bệnh nhân COVID-19 đến bệnh viện. Chúng ta cần đến nhà của mọi người, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ và điều trị bệnh trước khi nó có thể trở nên tồi tệ hơn.

Chúng ta phải nhớ rằng COVID-19 không phải là một cơn đau tim hay đột quỵ. Nó là một quá trình, và chúng ta phải ngăn chặn hoạt động của vi-rút trước khi phổi bị tổn thương quá nghiêm trọng. Tôi bắt đầu lái xe quanh Piacenza cùng với nhân viên của mình, và ban đầu chúng tôi đến thăm khoảng 15 người mỗi ngày. Sau đó, chúng tôi dần có tổ chức hơn, và giờ chúng tôi đã có ba đội, và tôi có thể tiếp tục làm việc trong bệnh viện.

Cho đến nay chúng tôi đã thăm khám gần 300 bệnh nhân tại nhà. Tôi là một trong những bác sĩ có thể nghỉ hưu, nhưng tôi đã quyết định không làm vậy. Tất cả chúng ta cần phải làm những gì chúng ta có thể, và làm một cách tốt nhất, để đối phó với thảm kịch này.

Bà Yolanda Fisher, 48 tuổi, là nhân viên căng-tin tại trường THCS Brown ở Dallas, Texas, Mỹ.

Hành trình chống lại đại dịch COVID-19 ảnh 3

Bà Yolanda Fisher

Tôi vẫn đi làm vì bọn trẻ cần được ăn - không chỉ mỗi học sinh tại trường của tôi, mà là bất kỳ đứa trẻ nào tại Dallas cần một bữa ăn. Và nếu có gia đình nào thực sự gặp khó khăn, chúng tôi cung cấp bữa ăn cho cả các bậc cha mẹ. Tôi yêu công việc này, vì tôi nhớ khuôn mặt và sự ồn ào của bọn trẻ. Thật tốt khi biết chúng tôi đang giúp đỡ cộng đồng của mình.

Tôi rất lo lắng về việc bị nhiễm vi-rút. Tôi có hai đứa cháu ở nhà, lần lượt 4 và 9 tuổi. Tôi luôn nghĩ về khả năng tôi lỡ mang dịch bệnh về nhà, và làm hại gia đình tôi.

Con gái tôi đo nhiệt độ của tôi mỗi khi tôi về nhà. Có một hôm, con bé đã nói: “Mẹ già rồi, người già dễ bị tổn thương nhất, mẹ có thể ở nhà đi”, nhưng tôi nói không. Hầu hết mọi người coi chúng tôi như nhân viên căng-tin, tôi coi đó như một nghĩa vụ. Nếu không có đại dịch, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục công việc. Chúng tôi rất vinh dự khi được phục vụ những đứa trẻ này.

Ông Scott Gray, 49 tuổi, là giám đốc trung tâm khách hàng tại Liên minh Ngân hàng Thực phẩm St. Mary ở Phoenix, Arizona, Mỹ.

Hành trình chống lại đại dịch COVID-19 ảnh 4

Ông Scott Gray

Chúng tôi chuyển từ phục vụ 500 - 600 người, sang khoảng 1.200 người mỗi ngày trong hai tuần qua. Ngày hôm qua là 1.500 người. Chúng tôi bắt đầu mọi ngày vào 7 giờ sáng, và dòng người chờ được nhận đồ ăn đã xếp hàng xuống tận vỉa hè. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này. Suy nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là “Chúng ta có những gì? Làm thế nào để phân phát cho tất cả mọi người?”.

Hầu hết những người xuất hiện chưa bao giờ đến ngân hàng thực phẩm, và họ đều kinh ngạc khi nhận được cả một giỏ đồ ăn dành cho gia đình. Họ nhìn thấy cái giỏ và hỏi: “Có thật là tất cả dành cho tôi?”. Tôi không chỉ chu cấp cho gia đình mình bằng cách làm việc, mà những người này cũng đang chu cấp cho gia đình của họ. Đó là một cảm giác tuyệt vời.

Tôi chỉ lo lắng rằng việc phục vụ nhiều người thế này sẽ trở thành chuẩn mực. Liệu ngân hàng thực phẩm có phải đóng cửa vì giãn cách xã hội? Hay vì nó mất kiểm soát? Chúng tôi sẽ nhận được gì trong ngày mai? Khoản quyên góp đó liệu có đủ không? Nhưng hiện tại, tôi không thấy vấn đề trong mục đích và cách thức chúng tôi làm việc. Nếu tôi bị ốm, thì đó sẽ vì lý do chính đáng.

Ông Cliff Strand Jr., 50 tuổi, nhân viên của tổ chức từ thiện White Pony Express ở Pleasant Hill, California, Mỹ.

Hành trình chống lại đại dịch COVID-19 ảnh 5

Ông Cliff Strand Jr

Tôi chính là minh chứng sống của những gì White Pony Express làm cho mọi người. Khoảng sáu năm trước, một trong những giám đốc điều hành đã tìm thấy tôi dưới một cây cầu ở Richmond, California, và mang cho tôi những giỏ đồ ăn. Tôi từng là một kẻ nghiện ma túy với một tâm hồn đen tối. Ông ấy đã giúp tôi. Đây không chỉ là một công việc, đây là nhiệm vụ của tôi. Tôi vô cùng may mắn khi được làm được điều này.

Không có một lúc nào tôi nghĩ đến việc ở nhà trong thời gian bùng phát này. Chúng tôi đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Tôi thay găng tay sau mỗi địa điểm và luôn đeo khẩu trang.

Tôi đi giao thực phẩm tới khu cách ly Mái ấm Contra Costa, và có hơn 100 người ở đó. Tôi biết những người đó; họ là bạn của tôi. Giờ đây, họ phải ở sau một bức tường để ngăn vi-rút lây lan. Nó khiến tôi rơi nước mắt. Chúng tôi tạo hình trái tim bằng tay và nói “Tôi yêu bạn” qua bức tường. Tôi đã khóc, nhưng không phải vì sợ hãi. Trong lúc đó, chúng tôi chỉ có tình yêu.

MỚI - NÓNG