“Một người đàn ông đang đi bộ thì chẳng may, do mải nhìn trời nhìn đất, anh ta bị mắc kẹt một bàn chân vào đường ray tàu hỏa. Anh ta cố rút chân ra, nhưng không hiểu sao, càng cố rút thì chân càng kẹt cứng. Thế rồi anh ta nghe thấy có tiếng còi từ xa. Khi ngoái nhìn, anh ta hoảng hốt khi thấy đoàn tàu đang lao tới. Người đàn ông xui xẻo này bắt đầu thì thầm cầu xin: “Ôi Thượng Đế, xin Ngài giúp con rút được chân ra, con xin hứa sẽ bỏ rượu bia và nói bậy!”. Nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra cả… và đoàn tàu thì đang đến gần.
Anh ta vội vàng kêu to: “Ôi Thượng Đế, nếu Ngài giúp rút được chân con ra, con sẽ bỏ rượu bia, nói bậy và thuốc lá nữa”.
![]() |
Bỗng nhiên, chân anh ta bật ra khỏi đường ray và anh ta kịp nhảy sang một bên, đúng lúc đoàn tàu lao qua, vừa may thoát được tai nạn.
Anh ta đứng dậy, phủi quần áo, nhìn lên trời và nói: “Dù sao cũng cảm ơn Ngài, thưa Thượng Đế, mặc dù chính con đã tự rút được chân ra đấy nhé”.
Câu chuyện trên chỉ là một chuyện đùa, nhưng dường như nó cũng nói lên một sự thật, rằng chúng ta thường nhanh chóng quên đi những điều mình nhận được. Điều cần biết ơn, vì vậy, cũng rất mau bị lãng quên.
Để tôi kể một câu chuyện mà chính bản thân mình đã trải qua…
Ở Úc, để lái xe đi từ thành phố này sang thành phố khác có thể phải mất nhiều giờ đồng hồ, nên lái xe rất dễ mệt mỏi, mà mệt mỏi thì dễ dẫn đến tai nạn. Cho nên, vào những kỳ nghỉ, khi nhiều người lái xe qua lại giữa các thành phố thì một số trạm dừng được dựng lên dọc theo những tuyến đường cao tốc chính. Ở những trạm đó, có các tình nguyện viên phát cà-phê miễn phí cho những người ghé xe vào hoặc dừng lại nghỉ chân. Từ nhỏ đến lớn, tôi đã quen với những trạm dừng đó và rất ưa thích chúng khi phải lái xe đường dài.
![]() |
Thế rồi, có một chuyến đi, tôi chở theo em trai mình - mới từ xa đến thăm - và chúng tôi cũng ghé vào một trạm dừng để gọi cà-phê. Người phục vụ ở đó đưa cho chúng tôi hai cốc cà-phê, rồi bảo tôi trả 2 đôla. Tôi hỏi tại sao. Cô ấy chỉ tay vào một dòng chữ in trên tấm bảng nhỏ gần đó. Ở trạm dừng này, chỉ có người lái xe được mời cà-phê miễn phí; còn người đi cùng trên xe thì phải trả tiền. Rất bực mình, tôi cao giọng nói với cô ấy rằng đây đúng là trò giả dối, rồi trả 2 đôla, rồi bỏ đi.
Khi chúng tôi lên xe, em trai tôi nói rằng ở nơi em tôi sống, thì luôn phải trả tiền cà-phê ở các trạm dừng, ai cũng thế, chứ chẳng bao giờ được một cốc nào miễn phí cả; rằng một cốc cà-phê miễn phí cho tài xế thực sự là thiện chí lớn của các tình nguyện viên.
Tôi chợt nhận ra sai lầm của mình: Em tôi đã nói đúng; tôi đã biến một món quà thành một quyền lợi, một sự đòi hỏi, và trở nên vô ơn với những gì mình nhận được.
Tôi quyết định lái xe quay ngược lại trạm dừng đó, gặp cô phục vụ và xin lỗi. Một cốc cà-phê miễn phí là một món quà mà tôi không xứng đáng - lẽ ra tôi cần biết ơn vì điều đó.
Bài học này đi theo tôi mãi, nhắc tôi luôn biết ơn cuộc sống vì cả những điều nhỏ bé nhất.