Tôi từng biết một phụ nữ dành cả đời mình để làm việc với trẻ em. Bà ấy đặc biệt giỏi "xử lý" những trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà chúng ta gọi là "có nguy cơ" – tức là những bạn hay có hành vi thái quá, có nền tảng gia đình khó khăn, những bạn tự xây những bức tường để cô lập mình với thế giới bên ngoài. Dần dần, theo thời gian, bà ấy luôn tìm được cách để chạm vào trái tim họ. Các bạn trẻ khi ở bên cạnh bà ấy thì hành động khác hẳn khi ở bên những người khác. Tôi thường hỏi bà về việc này, và đôi khi, bà đáp: "Trẻ em cần rất nhiều yêu thương. Bạn không thể làm hỏng một đứa trẻ bằng quá nhiều yêu thương. Củ khoai mới bị hỏng, chứ trẻ em không bị hỏng".
Bạn đừng hiểu nhầm. Bà ấy cũng có những giới hạn riêng, và khi các bạn trẻ hành động quá đáng, thì sẽ có hậu quả. Nhưng những hậu quả đó đều công bằng. Và những bạn trẻ mà bà ấy làm việc cùng rồi sẽ học được rằng, bà ấy là người đáng tin cậy, chắc chắn bà ấy sẽ luôn yêu thương và quan tâm cho dù mọi chuyện có thế nào. Và đến cuối này, dù ngày hôm đó ra sao, thì bà ấy cũng sẵn sàng giang rộng vòng tay.
Bạn có thể yêu thương ai đó quá nhiều không? Có thể bạn chưa bày tỏ yêu thương đúng cách, nhưng việc bày tỏ yêu thương không bao giờ là quá nhiều cả.
Cũng như một câu chuyện về một phụ nữ quyết định đề nghị sếp tăng lương cho mình. Cô đã lo lắng, bồn chồn suốt cả ngày. Đến cuối giờ chiều, cô mới đủ can đảm đến gặp sếp. Thật đáng mừng là sếp cô đồng ý.
Tối hôm đó, cô về nhà và thấy bàn ăn đã được trang trí rất đẹp, với những ngọn nến lung linh. Chồng cô về sớm và chuẩn bị một bữa ăn rất thịnh soạn. Cô băn khoăn tự hỏi, làm sao mà chồng cô tin rằng cô sẽ không bị sếp từ chối?
Khi ngồi vào bàn, cô còn thấy một mảnh giấy được viết cẩn thận: "Chúc mừng em yêu. Anh đã tin là em sẽ được tăng lương. Anh muốn em biết là anh yêu em nhiều đến mức nào".
Bữa tối thật hoàn hảo. Sau đó, người chồng vào bếp dọn bát đĩa. Khi anh bước đi, một mảnh giấy rơi ra từ túi áo anh. Cô vợ nhặt mảnh giấy lên, và trong đó viết: "Em đừng lo lắng về việc không được tăng lương. Anh muốn em biết là anh yêu em nhiều đến mức nào".
Ai đó đã nói rằng, thước đo của yêu thương là yêu thương không thể đo đếm. Người chồng trong câu chuyện trên đã thể hiện việc mình yêu thương vợ trong mọi hoàn cảnh. Dù cô thành công hay thất bại, thắng hay thua, anh vẫn yêu cô như thế. Đôi khi, tình yêu của anh là để chúc mừng những niềm vui của cô, và những khi khác, là để an ủi, xoa dịu nỗi buồn cho cô.
Khi nhận giải Nobel vì hòa bình, Mẹ Teresa đã nói: "Bạn có thể làm gì để thúc đẩy hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình mình".
Đúng, hãy yêu thương gia đình và bạn bè mình. Bởi với một số người, bạn bè cũng thực sự là gia đình. Hãy yêu thương những người trong cuộc sống của bạn.
Và yêu thương họ không cần đo đếm.