Tác giả Charles Allen từng kể một câu chuyện về người đàn ông, vào một ngày lạnh lẽo, lên đường đi tới phiên tòa xử án giao thông ở Wichita, bang Kansas, mà không biết rằng phiên tòa đã bị hủy do một trận bão tuyết. Vài ngày sau, ông viết lá thư như thế này:
“Theo đúng lịch, tôi phải có mặt ở phiên tòa vào ngày 23/2, lúc 12h15’, liên quan đến một vé phạt giao thông. Tôi đã đến đó như kế hoạch, và thật ngạc nhiên, tôi là người duy nhất có mặt. Không một ai gọi điện để bảo tôi rằng phiên tòa bị hoãn, cho nên tôi quyết định cứ tham dự đúng như dự định. Như thế có nghĩa là tôi đành phải làm nguyên đơn, bị đơn và cả quan tòa. Lời buộc tội là tôi đã đi xe với tốc độ 46 dặm/giờ ở khu vực giới hạn 35 dặm/giờ. Tôi có bộ phận cảnh báo tốc độ trên xe, đặt giới hạn là 44 dặm/giờ.
Với tư cách là nguyên đơn, tôi cảm thấy rằng tôi đã đi vượt mức 35 dặm/giờ; nhưng với tư cách là bị cáo, tôi biết rằng tôi không thể nào đi đến 46 dặm/giờ được, vì bộ phận cảnh báo trên xe đã không hề báo gì hết. Với tư cách là quan toà, và với tư cách là một công dân hiểu biết, tôi quyết định hủy cáo buộc lần này, nhưng nhắc nhở rằng lần sau nên cẩn thận hơn”.
Người đàn ông này đã có một cơ hội hiếm hoi để chính thức “phán xét” bản thân. Nhưng chẳng phải tất cả chúng ta đều tự phán xét mình suốt ngày sao? Chúng ta tự phán xét rằng mình quá mập hoặc quá gầy, quá xinh hoặc quá xấu, quá già dặn hoặc quá non nớt, quá quan trọng hoặc ít giá trị, quá dễ thương hoặc khó ưa, hoặc không đủ khả năng, hoặc không xứng đáng được nhiều gì đó… Bạn hiểu rồi chứ? Và bạn có thường xuyên phản ứng tiêu cực hơn trước những sai lầm của chính mình, so với cách bạn phản ứng trước những sai lầm hoặc khuyết điểm của người khác?
Một câu chuyện khác kể rằng một nhà diễn thuyết bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng cách lấy trong ví ra một tờ tiền và giơ lên cao.
- Ai muốn lấy tờ 20 đôla này? – Ông hỏi.
Rất nhiều cánh tay khán giả giơ lên.
Ông tiếp tục: “Tôi sẽ đưa tờ 20 đôla này cho một trong số các bạn, nhưng trước hết, hãy để tôi làm việc này đã”. Ông vò tờ tiền lại, rồi nói: “Bây giờ nó bị nhàu và nhăn rồi, nào, ai còn muốn lấy nữa?” Hầu hết khán giả lại giơ cao tay.
Nhà diễn thuyết nói tiếp: “Nếu tôi làm thế này thì sao?”. Ông thả tờ tiền xuống bàn, bôi mực vào nó, vò nhàu nó thêm lần nữa, rồi giơ tờ tiền lúc này đã rất nhăn và dính mực lên. “Bây giờ ai muốn lấy nó nữa?”. Những cánh tay vẫn giơ lên.
“Các bạn của tôi, đây là bài học cho chúng ta” – Nhà diễn thuyết nói – “Dù tôi làm gì với tờ tiền này, các bạn vẫn muốn lấy nó vì nó không bị giảm giá trị. Nó vẫn là 20 đôla”. Thế rồi ông đưa tờ tiền cho một trong số các khán giả, và nói tiếp: “Chúng ta có thường xuyên bị dính bẩn và bị tấn công bởi những chuyện khó khăn, không may trong cuộc sống không? Đôi khi chúng ta bị đối xử không ra gì. Thậm chí, cũng có khi chúng ta cảm thấy mình như rơi xuống bùn đen bởi những quyết định mà chính mình đưa ra; hoặc trong những hoàn cảnh bất ngờ. Chúng ta có thể cảm thấy như thể mình chẳng có giá trị gì cả. Nhưng cho dù chuyện gì đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra, thì nếu chúng ta giữ vững được những giá trị bên trong, thì chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Dù bị nhăn nhúm hay bị bẩn, dù phải chịu bao nhiêu khó khăn, giá trị của con người chúng ta vẫn như vậy, không thay đổi”.
Chúng ta vẫn “phán xét” bản thân mình mỗi ngày. Nhưng lần sau, khi bạn làm như vậy, đừng quên những giá trị bên trong của mình. Chỉ cần bạn xây dựng và giữ được giá trị của một con người tốt, thì dù gặp khó khăn nào, dù mắc sai lầm hay gặp thất bại ra sao, bạn vẫn còn nguyên vẹn giá trị như vậy.