Hãy tìm giải pháp, đừng nói “giá như”!

Hãy tìm giải pháp, đừng nói “giá như”!
HHT - Dù trong tình huống nào, thì tìm giải pháp và hành động chắc chắn cũng tốt hơn là chỉ ngồi yên và nói “giá như…”.

Bạn đã từng đọc câu chuyện “Ông già làm gì cũng đúng” của tác giả Andersen chưa? Có thể những câu chuyện cổ tích kiểu này không còn hấp dẫn trong thời đại của mạng xã hội nữa, nhưng một số năm về trước, đây từng là câu chuyện mà nhiều người thuộc lòng. Một số người coi nó là chuyện vui, một số coi nó là một bài học cuộc sống, và tất nhiên, một số thì gọi nó là “chuyện cổ tích”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tóm lại là nó thế này: có hai vợ chồng già nọ nuôi một con ngựa, tuy nhiên, họ quyết định bán con ngựa đi, hoặc ít nhất là đổi lấy thứ gì khác có ích hơn. Vậy là ông già dắt con ngựa tới chợ phiên. Trên đường đi, ông đã lần lượt đổi con ngựa lấy con bò, rồi bò lấy cừu, rồi cừu lấy ngỗng, ngỗng lấy gà, và cuối cùng là đổi gà lấy một bịch táo héo. Có vài người giàu chứng kiến chuyện này, tin rằng ông già thế nào cũng bị vợ mắng, nhưng ông già thì khẳng định rằng thế nào vợ ông cũng hài lòng, bởi vợ ông luôn nói ông là “ông già làm gì cũng đúng”. Mấy người giàu kia liền đi theo ông về nhà. Và đúng thật, nghe chồng nói đến đâu, bà vợ reo mừng đến đó: Đổi ngựa lấy bò ư, tuyệt, chúng ta sẽ có bơ sữa và phô-mai, rồi lại đổi lấy cừu ư, càng tuyệt, chúng ta sẽ có áo và tất len lông cừu, ông đổi lấy ngỗng sao, hay quá, chúng ta sẽ có món ngỗng rán vào cuối năm, rồi ông đổi lấy con gà à, càng tốt, gà sẽ đẻ trứng và ấp ra một đàn gà con, nhưng ông lại đổi lấy bịch táo khô ư, sao mà chí lý thế, chúng ta sẽ cười vào mũi bà hàng xóm keo kiệt kêu rằng bà ta không có lấy một quả táo khô…

Hình minh họa cho những lần đổi chác của

Cho dù bạn nghĩ câu chuyện trên thuộc thể loại gì, thì nó thực sự cũng rất thú vị. Nó mang nhiều ý nghĩa, và nó khiến chúng ta phần nào cũng ước giá như mình làm gì cũng được coi là đúng như vậy. Mặc dù, trong cuộc sống thực, thì có rất nhiều việc xảy ra khiến chúng ta đặt câu hỏi và phải nói “giá như…”.

Chẳng hạn như sự việc có liên quan đến chính gia đình chúng tôi, hồi tôi còn nhỏ.

Hôm đó, cả nhà chúng tôi đi siêu thị. Khi mua sắm xong và lên xe ô tô, bố tôi cho xe đi chậm lại để nhường đường cho một cô gái đi xe đạp. Khi cô gái có vẻ băn khoăn, bố tôi gật đầu ra hiệu rằng cô ấy có thể đi trước. Cô ấy mỉm cười, vẫy tay cảm ơn, rồi đạp xe đi tiếp. Thật bất ngờ, chỉ chút xíu sau đó, ngay khi cô gái đạp xe băng qua, thì tài xế trong một chiếc xe ô tô đang đỗ lại mở bật cửa, đập vào cô gái, khiến cô ngã văng xuống vỉa hè. Cái xe đạp lăn lóc, còn cô gái thì ôm đôi chân đang chảy máu và ngồi khóc.

Trời đất ơi, cả gia đình tôi ngồi trong xe đều há miệng hốt hoảng. Bố mẹ tôi còn quay sang trách móc nhau, chuyện này nối sang chuyện khác: Giá như bố tôi không đi chậm lại mà nhường cô ấy đi trước thì có hơn không… Giá như mẹ tôi mua đồ nhanh hơn một chút thì chuyện đã khác… Giá như cho lũ trẻ con (tức là mấy chị em tôi) ở nhà thì việc đi siêu thị đã không tốn thời gian đến thế… Tự nhiên, dường như cả nhà chúng tôi đều… sai!

Trong khi chúng tôi còn lúng túng, thì một vài người đi ngang đã tấp vào giúp đỡ cô gái. Có người mang theo dụng cụ sơ cứu nên đã rửa vết thương và băng bó cho cô ấy. Có người đưa cho cô ấy chai nước uống để bình tĩnh lại. Một người khác thì dựng chiếc xe của cô lên và cho vào thùng xe ô tô của họ, có lẽ để chở nó về nhà giúp…

Thật không may, cô gái bị ngã xe ngay sau khi gia đình chúng tôi để cô ấy vượt lên trước.

Cuộc sống thực tế là như thế: Đôi khi, những khó khăn cứ đến như một vòng xoáy khiến chúng ta nghi ngờ bản thân mình. Giá như mình đã biết rằng người bạn đó không tốt… Giá như mình đã dành nhiều thời gian hơn để ở bên cạnh bà mình…

Khi những vấn đề đến bất ngờ, chúng ta thường tự hỏi, trách móc, thậm chí là đổ lỗi… Có khi chúng ta thấy tuyệt vọng. Thật vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu tại sao những chuyện không tốt lại xảy ra với mình. Nhưng trong khi chúng ta ngồi một chỗ và đặt những câu hỏi luẩn quẩn đó, thì người khác có thể đã hành động và đã tìm được đường bước ra khỏi những khó khăn đó rồi.

Cho nên, điều quan trọng trong cách sống tích cực không phải là tìm cách làm mọi điều đều đúng (vì đó là việc không thể!), mà là giữ lòng tin và cố gắng tìm ra giải pháp, bắt tay vào hành động, thay vì chỉ ngồi yên một chỗ mà nói câu “giá như…” vô ích.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.