PGS.TS Đoàn Minh Huấn |
Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968-1010) gắn liền với 6 đời vua của 3 triều đại Đinh -Tiền Lê - Lý, giữ một vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước; tiếp tục khẳng định, củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc đã được xác lập từ họ Ngô (năm 938); xóa bỏ tình trạng cát cứ phân liệt, thực hiện thống nhất đất nước, phục hưng dân tộc, xây dựng Nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; nâng tầm vị thế quốc gia-dân tộc trong cấu trúc quyền lực khu vực Đông Á đầy biến động vào thế kỷ X, đầu thế kỷ XI; tạo nền tảng cho định đô Thăng Long-Hà Nội.
Các quốc gia thành bang hình thành và phát triển dựa trên nền tảng kinh tế thương mại không thiếu đô thị nghìn năm tuổi, điển hình là trường hợp Hy Lạp, Italia. Còn các quốc gia nông nghiệp rất hiếm đô thị nghìn năm tuổi, càng hiếm hơn đô thị đó trở thành nơi quần cư liên tục, không bị gián đoạn, kể cả những lúc dịch chuyển trung tâm quyền lực, trung tâm thương mại.
Đặc sắc của địa bàn Cố đô Hoa Lư chính là quá trình định cư, quần cư liên tục từ sau biển thoái đến ngày nay. Kể cả sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long thì vùng đất này vẫn liên tục duy trì các hình thái quần cư đa dạng, làm cho sức sống di sản được duy trì, bồi đắp trong đời sống sinh hoạt và sinh kế của cư dân Tràng An. Di sản Cố đô Hoa Lư có mặt biểu hiện trong đời sống dưới các dạng thức văn hóa vật thể hoặc phi vật thể, có mặt lan tỏa đến các địa bàn khác (địa danh, thiết chế văn hóa, kiến trúc, hội họa, âm nhạc…) hình thành nên những con đường di sản thời hiện đại. Bên cạnh đó, vẫn còn những bí ẩn nằm sâu trong lòng đất chờ đợi khám phá của giới khảo cổ học.
Điểm qua vài nét trên đây cho thấy tính khác biệt của Cố đô Hoa Lư với không ít Cố đô khác trên thế giới sau khi dịch chuyển trung tâm quyền lực thường biến thành hoang phế, rơi vào quên lãng, thậm chí bị xóa khỏi ký ức hậu thế. Những phế tích này thường được phát hiện một cách tình cờ hoặc thông qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học cũng như nỗ lực di sản hóa phế tích của các thể chế Nhà nước và cộng đồng khoa học.
Cách nói đó đúng nhưng chưa đủ, bởi cùng với tựa vào núi đá bao quanh che chắn "dễ thủ, khó công", còn có các đoạn tường thành được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo; mạng lưới sông suối dày đặc bao quanh vừa bảo đảm khả năng phòng thủ khi gặp nguy cơ tấn công từ bên ngoài, vừa là con đường giao thông kết nối kinh thành Hoa Lư với biển cả và thông thương khắp mọi vùng miền. Hang động được khai thác, sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau, nhất là cất giấu vũ khí và các mặt hàng chiến lược của Nhà nước quân chủ lúc bấy giờ.
Hoa Lư xưa là kinh đô hướng biển, tọa lạc khá gần các cửa biển quan trọng. Bến cảng trên các sông Hoàng Long, sông Sào Khê, sông Đáy… kết nối với các cửa biển cách đó không xa tạo lợi thế về giao thông đường thủy, thuận lợi xuất-thu quân trong các cuộc chiến tranh, xuất nhập hàng hóa trong giao thương. Tổ chức mạng lưới sông ngòi dày đặc kết nối với cửa biển trong tổ chức quy hoạch xây dựng kinh thành Hoa Lư là một hình mẫu di sản đô thị "thuận thiên", thích ứng với môi trường tự nhiên, vừa thực hiện chức năng điều tiết thủy văn, vừa nâng cao năng lực bảo vệ, phòng thủ kinh thành, vừa bảo đảm giao thông vận tải sông-biển. Đi sâu vào khía cạnh tổ chức chức năng đô thị cho thấy, kinh đô Hoa Lư không chỉ có quân thành mà còn cả thị thành gắn với phố xá, hoạt động giao thương.
Dấu tích này còn lưu lại trên nhiều địa danh, thư tịch cổ và kết quả khảo cổ học. Điều đó minh chứng Đại Cồ Việt ngay từ giai đoạn đầu là một quốc gia biển, phát triển dựa vào biển, bảo vệ quốc gia-dân tộc từ hướng biển có tầm quan trọng sống còn. Nhiều thế kỷ sau, phù sa dần bồi lắng đẩy cửa biển ra xa, Hoa Lư không còn lợi thế tiếp cận biển so với một số vùng khác.
Như một lẽ tự nhiên, dời đô bao giờ cũng kéo theo dịch chuyển một bộ phận dân cư từ cố đô đến kinh đô mới, không chỉ có tầng lớp quan lại thượng lưu mà cả thương nhân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ. Bộ phận cư dân còn bám trụ trên vùng đất Hoa Lư phải thích ứng với biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội, nhất là chính sách "trọng nông" của các thể chế nhà nước và tình trạng bồi tụ phù sa đẩy cửa biển ngày càng lùi xa Tràng An. Gọi là thích ứng, vì phẩm cách người Tràng An không hòa tan vào xã hội nông thôn, mà vẫn tiềm ẩn một thứ "gien lặn" thường trỗi dậy mạnh mẽ trong điều kiện xã hội "trọng thương", hoặc chí ít khi quan hệ trao đổi hàng hóa được các thể chế nhà nước khuyến khích.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước gần đây là cơ hội để tổ chức lại xã hội nông thôn và đô thị, nhất là tìm lại vị thế, giá trị di sản Cố đô Hoa Lư trong xã hội hiện đại.
Đó chính là xây dựng đô thị Hoa Lư-Ninh Bình với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Đô thị di sản thiên niên kỷ hàm nghĩa trên cả bình diện lịch sử đô thị hàng nghìn năm và tầm nhìn về một hình mẫu đô thị thích ứng với biến đổi môi trường, hài hòa giữa không gian nhân tạo với không gian thiên tạo, phát triển dựa trên khả năng tối đa hóa tính độc đáo, giá trị văn hóa, bản sắc địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa phục dựng, bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Bất kể loại hình đô thị nào, dù là đô thị di sản, cũng đều mang những đặc điểm chung của lãnh thổ nhân tạo, thể hiện sâu đậm óc kiến tạo và bàn tay thêu dệt của con người, được hằn sâu lên bố cục không gian ba chiều, đường nét kiến trúc phản ánh nghệ thuật mỹ cảm và triết lý nhân sinh.
Đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, dịch vụ hóa thời hiện đại dường như đẩy nhân tạo hóa lãnh thổ với tốc độ nhanh hơn, mức độ lớn hơn, hình thành phổ biến mô thức "đô thị nén", "đô thị bê tông hóa", ken dày kết cấu hạ tầng kỹ thuật và mật độ dân số tập trung, đe dọa sức chịu tải của môi trường tự nhiên và xã hội. Không ít nơi nhân tạo hóa lãnh thổ đến mức bất chấp quy luật tự nhiên, tuyệt đối hóa cái hiện đại mà chối bỏ cái truyền thống, đánh đổi hy sinh môi trường tự nhiên cho "bê tông hóa", làm cho đô thị thôn tính, xô đẩy nông thôn, biến nông thôn chỉ còn là tàng viện, định hình nên một mô típ đô thị xơ cứng quay lưng với cảnh quan thiên nhiên.
Điều đó khiến môi trường bị xâm hại, giá trị lịch sử bị lãng quên, bản sắc địa phương bị xem nhẹ. Còn nhìn từ bình diện tổ chức không gian lãnh thổ thì đất nước thiếu hẳn các đô thị chức năng bổ sung lợi thế cho nhau, bù đắp thiếu hụt lẫn nhau, gắn với phân công và hợp tác lãnh thổ. Hệ lụy của các mô típ "đô thị nén" khiến con người phản tỉnh và chấp nhận các hình thái đô thị đa dạng, trong đó có đô thị di sản. Tư duy quy hoạch và quản lý đô thị hiện đại ngày nay phần nào đã nhận thức rõ hơn vai trò của môi trường tự nhiên, di sản văn hóa với quản lý phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của con người và kiến tạo bản sắc đô thị.
Định hướng xây dựng đô thị di sản trước hết cần đến năng lực kế thừa các giá trị di sản thiên nhiên trong quy hoạch, phát triển và tổ chức đời sống đô thị. Môi trường tự nhiên hình thành trước khi con người xuất hiện, nhưng một khi cảnh quan môi trường đưa vào ý tưởng chung về quy hoạch bố cục đô thị, được tận dụng, phát huy, sử dụng phục vụ cho con người, làm nên bản sắc đô thị, thì nó cũng trở thành một phần của di sản đô thị. Di sản văn hóa là nhân tố cốt lõi trong kế thừa, phát huy, xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ. Di sản văn hóa chứa đựng cả trong loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, cả chính thức và phi chính thức (dân gian), cả những mặt còn được bảo tồn và những mặt bị mai một cần phải phục hồi, cả văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn.
Quy hoạch không gian đô thị di sản phải bao hàm ý tưởng bảo đảm tính thống nhất giữa kiến trúc nhân tạo với cảnh quan thiên nhiên, định hình nên hình thái đô thị lưỡng phân "phố trong rừng", "rừng trong phố". Kiến trúc đô thị di sản phù hợp với từng phân khu chức năng, nhất là các không gian bảo tồn, phục hồi di sản, cổ trang hóa. Phát triển kinh tế di sản quy định yêu cầu kế thừa, phát huy các giá trị di sản, được chuyển hóa vào từng sản phẩm du lịch, sản phẩm công nghiệp văn hóa. Cao hơn nữa là lấy giá trị di sản văn hóa làm tiền đề cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kiến tạo những ngành kinh tế sáng tạo phù hợp định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững...
Con người là trung tâm của quản lý phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ, tập trung ở cốt cách văn hóa, lối sống thị dân. Cần một chiến lược xây dựng hệ giá trị văn hóa, phẩm cách con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, làm cho "gien văn hóa" Tràng An còn ở dạng tiềm ẩn được khơi dậy, phát huy, phục vụ hiệu quả cho thực hiện khát vọng phát triển. Rà soát, đánh giá một cách kỹ lưỡng những giá trị còn nguyên vẹn, đang vận hành trong đời sống hàng ngày của người dân Cố đô Hoa Lư tiếp tục được phát huy; những giá trị tiềm ẩn cần những cơ chế, chính sách phù hợp kích hoạt, chuyển hóa thành động năng cho phát triển; những giá trị tốt đẹp đã bị mai một cần hồi sinh; những thay đổi tất yếu nhằm thích ứng với bối cảnh mới cần định hướng thúc đẩy phù hợp.
Theo thời gian hàng nghìn năm lịch sử, trên vùng đất Cố đô Hoa Lư ken dày nhiều lớp di sản văn hóa chồng xếp hoặc đan xen nhau, từ lớp tiền sử-sơ sử, lớp tiền Hoa Lư, lớp kinh đô Hoa Lư, lớp hậu kinh đô Hoa Lư-thời kỳ trung đại, lớp thời kỳ cận đại, rồi lớp thời kỳ hiện đại.
Các lớp di sản văn hóa cần được sắp xếp hợp lý trong bố cục tổng thể và chi tiết của Đô thị di sản thiên niên kỷ, bảo đảm tính thống nhất giữa tổ chức không gian bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội, làm cho cái truyền thống hòa quyện với cái hiện đại, cùng cộng hưởng thúc đẩy giá trị gia tăng vùng đất Cố đô, làm cho bảo tồn mang chức năng phát triển, làm cho phát triển tăng thêm năng lực bảo tồn, giải quyết căn cơ mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu như trong các mô hình đô thị phổ biến thì di sản nhiều khi chỉ để chiêm bái, lưu giữ ký ức lịch sử, bổ sung thêm đường nét cổ kính của xã hội hiện đại, thì giờ đây di sản tham dự sâu vào mọi mặt đời sống hiện tại và góp phần định hình tương lai.
Triết lý phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ phải lấy di sản cấu tạo nên bản sắc đô thị, với cấu phần lõi được thể hiện ở các giá trị đặc trưng và cấu phần bề mặt được nhận diện bằng cảm quan nghệ thuật thị giác. Pha loãng hoặc đánh mất các giá trị cốt lõi sẽ không còn phẩm cách Đô thị di sản thiên niên kỷ.Giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên quy định phương thức phát triển đô thị một cách minh triết. Di sản được nguồn lực hóa phục vụ trực tiếp xây dựng nền kinh tế vị nhân sinh; thông tin di sản được giải mã, trao truyền sẽ tham dự vào giải phóng nguồn năng lượng tích cực tiềm ẩn trong mỗi người dân vùng đất Cố đô Hoa Lư. Khi trở thành động lực tăng trưởng, cần có quan điểm khai thác di sản đúng đắn, nhất là tính toán sức chịu tải của di sản trước mỗi chính sách phát triển kinh tế.
Tầm nhìn Đô thị di sản thiên niên kỷ phải dung nạp được những giá trị tốt đẹp, khát vọng nhân sinh, khước từ những mô hình đô thị hóa thiếu lương tâm, không bền vững. Triết lý phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ lấy con người làm trung tâm, vì xã hội phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc; lấy văn minh sinh thái làm giá đỡ, khiến môi trường tự nhiên được bảo vệ, chăm sóc và phụng dưỡng chu toàn, thẩm thấu trong mọi lĩnh vực, mọi chính sách, mọi nơi, mọi lúc; lấy bản sắc văn hóa địa phương làm sức mạnh nội sinh, lợi thế cạnh tranh, không chỉ khẳng định bản ngã mà còn trở thành nguồn lực cho phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản; lấy hội nhập vào mạng lưới đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, các trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản trên thế giới làm hướng ưu tiên.