Hệ quả sau vụ bể show nhạc bán vé giá 15 triệu ở sân Mỹ Đình

TPO - Thiệt hại sau vụ hủy show gây tổn thất về kinh tế và nhiều thứ không để đo đếm. Sau một năm liên tục đón nhiều sự kiện âm nhạc của nghệ sĩ quốc tế, vụ bể show ở Mỹ Đình khiến các đơn vị tổ chức show ở Việt Nam mất điểm.

Sau tin hủy show K-Pop Open Air #2 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), BOM Entertaiment – đơn vị tổ chức – đưa ra thông báo sẽ hoàn tiền vé. Ngày 23/12, ban tổ chức gửi văn bản tới các đơn vị bán vé liên quan, đề nghị phối hợp hoàn tiền cho khán giả mua vé đại nhạc hội đêm Giáng sinh.

Trong năm 2023, Việt Nam trở thành điểm dừng chân của nhiều nghệ sĩ quốc tế. Những concert, buổi diễn lớn nhỏ được tổ chức, quy tụ lượng lớn khán giả, điển hình có thể gọi tên concert Born Pink của BlackPink, concert của Super Junior, Westlife, Charlie Puth, Maroon 5… mới nhất là ca sĩ Katy Perry. Vụ bể show âm nhạc tại Mỹ Đình khiến cho những thành công này không mỹ mãn, thậm chí còn gây ảnh hưởng đến tiềm năng thị trường show tại Việt Nam.

“Sự cố hủy show khó có thể chấp nhận"

Nhận định với Tiền Phong về thiệt hại sau hai đêm nhạc Kpop phải hủy giờ chót ở Mỹ Đình, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh chỉ ra: "Thiệt hại về kinh tế là điều tất cả mọi người đều nhìn thấy. Khi công ty tổ chức sự kiện vì lý do nào đó, chủ quan hay khách quan, sự kiện đó không diễn ra, tất cả các bên đều bị thiệt hại bao gồm nhà tổ chức, đầu tư, sản xuất, nghệ sĩ, khán giả.

Tôi biết rất nhiều khán giả Việt Nam đã bỏ chi phí vé máy bay, khách sạn cả chục triệu thậm chí còn nhiều hơn tiền vé xem show. Một số khán giả mua vé cả hai đêm nhạc, trong đó không ít khán giả quốc tế. Điều đó quá tồi tệ đối với họ.

Còn sau đó là thiệt hại về uy tín của đơn vị tổ chức và uy tín của thị trường Việt Nam đối với đối tác quốc tế. Đặc biệt là với một đối tác lớn và quan trọng như Hàn Quốc. Là một người làm truyền thông, trong đó có không ít sự kiện quốc tế, tôi thấy điều này là khó chấp nhận dù với lý do chủ quan hay khách quan. Điều này rất hiếm khi xảy ra ở các nước khu vực".

Hệ quả sau vụ bể show nhạc bán vé giá 15 triệu ở sân Mỹ Đình ảnh 1
Nhóm Highlight xin lỗi fan Việt trên livestream sau khi show bị hủy.

Ông Hoàng Lê - CEO của TechBeat Records – cho rằng sự cố hủy show lần này sẽ ảnh hưởng lớn đến các đơn vị tổ chức show tại Việt Nam: "Sau này, nếu các đơn vị muốn tổ chức show có nghệ sĩ quốc tế, các nghệ sĩ sẽ cân nhắc, kiểm tra gắt gao hơn. Về phía nghệ sĩ, cả nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế sẽ bị ảnh hưởng lịch trình, kế hoạch, nhất là ở giai đoạn cao điểm cuối năm".

Đằng sau việc bể show là sự tức giận, tiếc nuối của người hâm mộ. Mọi kế hoạch của fan đặt ra đều dang dở. Kim Jae Joong buồn khi không thể đến Việt Nam dịp này. Anh chia sẻ những dự án fan Việt làm trên trang cá nhân và nói: “Chắc tôi sẽ đi ăn đồ Việt. Xin lỗi các bạn fan Việt Nam nhiều”. Nam ca sĩ cho biết anh sẽ cố gắng quay trở lại. Số tiền hội fan của Kim Jae Joong chi ra để đón thần tượng đã lên tới con số hơn 160 triệu đồng, nhưng những công sức ấy đều “đổ sông đổ biển”.

Trên livestream, nhóm nhạc Highlight gửi lời xin lỗi đến fan Việt và nói đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tập nhảy nhạc trào lưu tặng khán giả nhưng kế hoạch đổ bể trong phút chốc. Thành viên Yang Yoseb đã háo hức sắp sẵn vali chuẩn bị bay đến Hà Nội, nhưng sáng ngủ dậy phải nhận tin hủy show.

Theo các chuyên gia, khán giả là những người thiệt thòi nhất. Họ đã mong chờ sự xuất hiện của thần tượng và chuẩn bị cho đêm hôm đó. Những khán giả ở xa còn vất vả hơn, khi phải sắp xếp lịch trình từ trước, đặt vé máy bay, khách sạn. Ban tổ chức có thể hoàn vé cho khán giả, nhưng một loạt chi phí khác của các khán giả ở xa sẽ không thể kiểm soát được. Sau cùng, sẽ có nhiều khán giả nhận phần thiệt về mình.

"Đến hiện tại không có nhiều thông tin từ ban tổ chức về tiến trình hoàn trả tiền vé hay giải quyết các tổn hại. Như tôi nói ở trên, đó là tổn hại về mặt uy tín của thị trường, với đối tác và khán giả quốc tế, đó là điều xây dựng thì khó và mất thời gian, nhưng phá thì rất dễ và nhanh" - chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho biết.

Khó khăn khi tổ chức sự kiện âm nhạc tầm cỡ mời sao quốc tế

Ở Việt Nam từng xảy ra trường hợp hủy show mới nghệ sĩ quốc tế, nguyên nhân đến từ ban tổ chức lẫn nghệ sĩ.

Năm 2019, đại nhạc hội Kpop Concert Daebak do Công ty Dược Sao Nam và GN Entertainment đồng tổ chức ở Hà Nội, mời Ji Chang Wook, Momoland, Bolbbalgan4, Golden Chill… bất ngờ thông báo hủy ngay trước thềm sự kiện diễn ra với lý do điều kiện thời tiết không phù hợp để tổ chức chương trình.

Show Super X Festival năm 2015 có sự góp mặt của giọng ca Gangnam Style PSY bị hủy vì lượng vé bán ra không được như kỳ vọng. Một số show của nghệ sĩ Hàn Quốc khác như Bi Rain, T-ara, Lee Min Ho, JYJ buộc phải hủy vì ế vé.

Hệ quả sau vụ bể show nhạc bán vé giá 15 triệu ở sân Mỹ Đình ảnh 2

Ariana Grande hủy show ở Việt Nam trước giờ diễn 5 tiếng vì nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe.

Gây sốc với nhiều khán giả Việt có lẽ là trường hợp của Ariana Grande khi hủy show trước giờ diễn 5 tiếng vì nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe. Người hâm mộ Việt khi đó thất vọng, hụt hẫng, cho rằng nữ ca sĩ vô trách nhiệm khi thông báo “bùng” show qua chức năng story của mạng xã hội Instagram. Hủy diễn ở Việt Nam nhưng ca sĩ này vẫn diễn show ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ba ngày sau đó. Vì thế, lý do sức khỏe Ariana Grande đưa ra làm fan Việt không thấy thuyết phục.

Để tổ chức sự kiện âm nhạc tầm cỡ có sao quốc tế ở Việt Nam, ngay chính đơn vị sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn.

“Khó khăn lớn nhất là ở chi phí, bên cạnh cát-xê cao để trả cho sao quốc tế, phải chuẩn bị mọi thứ ở tiêu chuẩn tốt như sân khấu, âm thanh ánh sáng. Về mặt logistics (hậu cần), ban tổ chức phải làm theo yêu cầu của nghệ sĩ quốc tế, từ khách sạn, phương tiện di chuyển, thậm chí là đồ ăn nước uống thế nào. Gộp tất cả chi phí lại sẽ độn lên rất cao.

Các nghệ sĩ nước ngoài thường yêu cầu thời gian tập luyện, tổng duyệt rất dài, khiến ban tổ chức tốn kém hơn. Ngoài ra, đơn vị tổ chức phải đáp ứng một số điều kiện khác như xin giấy phép từ chính quyền địa phương” - ông Hoàng Lê cho hay.

Trước khi show Kpop đêm Giáng sinh ở Mỹ Đình được tổ chức, đã có không ít show diễn của các nghệ sĩ quốc tế tên tuổi hơn diễn ra, vì vậy ông Hồng Quang Minh cho rằng câu chuyện ở đây không phải là thù lao hay khó khăn về mặt giấy tờ.

"Điều khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại là cách họ lên kế hoạch cho chương trình, bao gồm mọi yếu tố tổng hợp theo một kế hoạch được diễn ra chuyên nghiệp và chỉn chu. Tất nhiên về mặt hạ tầng, thủ tục của chúng ta còn nhiều vấn đề, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực, nhưng đó không phải lý do chính" - chuyên gia truyền thông nói.

Tin liên quan