Cơm cháy
Nếu như cơm cháy Ninh Bình bản nhỏ và thường được phủ cả mỡ hành lên trên thì cơm cháy Sài Gòn lại làm bản to, giòn rụm, ăn kèm với rất nhiều chà bông (ruốc) đã tẩm ướp có vị mặn và cay. Gọi là cơm cháy nhưng thực ra đó là cơm nguội được nướng hoặc sấy, sau đó chiên ngập dầu cho đến khi vàng sẫm cả hai mặt, nhưng lại không hề bị cháy hay thậm chí là xém một tí nào!
Ngoài loại cơm cháy ăn liền thì cũng có kiểu cơm cháy đáy nồi giống như cơm nấu bằng nồi gang. Loại cơm cháy này được được ăn với kho quẹt và được coi là đặc sản của miền Tây. Cơm vàng giòn một mặt, mặt kia vẫn là cơm mềm. Nồi kho quẹt thơm mùi mắm cùng với ruốc khô, hành, tỏi, ớt cho vị đậm đà. Món này thì cơm cháy không quá giòn, cũng không lo bị mặn bởi chấm bao nhiêu kho quẹt là tùy bạn. Thế nhưng thịt ba chỉ béo, tép tỏi thơm quyện vào cơm cháy sẽ khiến bạn muốn ăn mãi không thôi.
Heo khô cháy tỏi
Dù là món ăn vặt "sinh sau đẻ muộn" nhưng heo khô giờ đây cũng đã rất được yêu thích, không hề kém cạnh người anh em là bò khô, gà khô đình đám trong giới ăn vặt. Một trong những lý do heo khô được yêu thích đó chính là cháy tỏi. Không chỉ mang đến mùi thơm đặc trưng, cháy tỏi giòn rụm cũng đầy hấp dẫn và mang đến một cảm giác "nồng cháy" như thổi bùng vị giác vậy.
Thường một gói heo khô sẽ được kèm với một gói tỏi phi để riêng, khi ăn mới trộn chung ăn, có như thế, tỏi mới giòn. Heo khô cháy tỏi có vị đậm đà, thêm một chút cay, một chút ngọt của gia vị và không có cảm giác bị khô. Điều đặc biệt của heo khô cháy tỏi là hương vị không thua kém bò khô là mấy, nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều.
Ngan nướng cháy tỏi
Đi qua nhiều tuyến phố ở Hà Nội vào buổi tối, bạn sẽ thấy nhiều hàng quán chật kín người thưởng thức ngan cháy tỏi. Ngan nướng thơm phức khiến bao người đi qua đi lại bị hớp hồn, lại còn thêm cả tỏi cháy càng làm cho món ăn thêm dậy mùi.
Ngan sẽ được tẩm ướp rồi nướng sau đó xóc cùng tỏi chiên giòn. Gắp một miếng ngan rồi thưởng thức, vị ngọt dai của thịt ngan quyện cùng hương thơm của tỏi, chút cay cay tê tê từ gia vị khiến miệng không thể thôi thổn thức vì ngon. Trời lành lạnh, ngan cháy tỏi ăn lại càng bắt miệng.
Kem cháy
Kem cháy hay còn gọi là Bruleé có xuất xứ tại Pháp từ cuối những năm 1600 và yêu thích cho tới tận ngày nay. Đúng như tên gọi của nó, kem được nướng chín bằng cách rắc đường thẳng lên mặt bánh rồi dùng dụng cụ khò lửa khò cho lớp đường chảy ra và cứng lại. Sau khi khò, lớp đường sẽ cháy xém và có màu nâu cánh gián đẹp mắt. Khi ăn, vị giác của bạn sẽ bị kích thích bởi sự thú vị khi nghe âm thanh của tiếng đường bị vỡ theo từng nhịp gõ của mình.
Gần đây, kem cháy còn được kết hợp với trà sữa - đồ uống quốc dân tạo nên một thức uống béo ngậy. Vẫn là trà sữa trân châu hoặc trà sữa trân châu đường đen, nhưng được đặt thêm một lớp kem, lớp này giống với phần kem trong Bruleé, cuối cùng phủ đường lên và dùng đèn khò để "nướng" và tạo nên lớp caramel dậy vị.
Cả trà sữa và Bruleé đều giữ được hương vị gần như là nguyên bản trong lần kết hợp này, mà hương vị lại có nhiều sự tương đồng, khi đường trong trân châu và đường trong Bruleé đều được chín tới và có mùi caramel thơm lừng. Đầu tiên, bạn gõ nhẹ vào lớp đường cháy trên bề mặt, mùi và vị của caramel sẽ được lan tỏa trong ly trà sữa, rồi cứ thế bạn thưởng thức kem, trà, sữa rồi trân châu đường đen. Tất cả tan chảy trong miệng, hòa quyện và ngon mê ly.
Cá cháy
Cá cháy cùng họ với cá trích nhưng có hình dáng lớn hơn và xuất hiện rất nhiều ở Trà Ôn - Vĩnh Long. Tên gọi là cháy thôi nhưng thịt cá rất ngon, có thể chế biến được nhiều món ngon như kho rim, nấu canh, nướng, chiên… món nào cũng có mùi vị độc đáo, ít loại cá nước lợ nào có được. Cá cháy kho rim cho mùi vị đậm đà, tuy đơn giản mà lại đưa cơm vô cùng, ngon nhất là kho chung với mía.
Thịt cá cháy ngon ngọt, đượm mùi sông nước đặc trưng của một loài cá thiên nhiên. Hiện nay cá cháy khá hiếm nhưng nếu có dịp đến Vĩnh Long, bạn hãy tìm và thử thưởng thức món cá cháy này một lần nhé!