Đến London, người nhện mém “xa nhà”, còn tớ suýt “để quên” trái tim!

Đến London, người nhện mém “xa nhà”, còn tớ suýt “để quên” trái tim!
HHT - Mỗi khi trời mưa, tớ lại nhớ về không khí se lạnh ở London. Dù chỉ vỏn vẹn bốn ngày tại thành phố sương mù nhưng mỗi khi nhắc về London, tớ luôn có những cảm giác tích cực, và một chút gì đó như nhớ một người bạn cũ.

Bài học về thời gian

Tớ có dịp đến London để tham gia Future News Worldwide (FNW) - một chương trình quốc tế quy tụ hơn 100 nhà báo trẻ trên khắp thế giới.

Hạ cánh tại sân bay Heathrow sớm hơn hai ngày diễn ra chuỗi sự kiện của FNW nên tớ có một quỹ thời gian kha khá trước khi có buổi họp mặt đầu tiên cùng các đại biểu. Tớ đã tranh thủ đến gặp một người bạn hiện đang sinh sống tại Bristol (cách London 171 km). Tớ chọn xe coach (một kiểu xe đò tại Việt Nam) để đến Bristol và tàu lửa để trở về London. Dù tớ dậy từ lúc 4 giờ sáng, nhưng vì không tra cứu đường đi trước đó nên tớ đã đến trạm Victoria Coach Station trễ 10 phút, khi đó xe coach của tớ đã đi mất rồi. Để có thể đảm bảo đúng lịch trình, tớ phải chọn mua vé sát giờ nhất với giá 25 bảng Anh (đắt hơn vé ban đầu 9 bảng Anh, là hơn 700K). Chuyến đi đầu tiên đã dạy tớ một bài học “xương máu” về sự đúng giờ của người phương Tây, hoàn toàn khác với khi ở Việt Nam, xe đò sẽ gọi điện, đôi khi nán chờ đủ hành khách mới khởi hành. 

Đến London, người nhện mém “xa nhà”, còn tớ suýt “để quên” trái tim! ảnh 1

Nhờ rút kinh nghiệm sâu sắc từ chiếc vé coach, tớ đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho những nơi cần đến nên việc trễ giờ không còn vế “sau đó” nữa. Tớ cực kì thích đồ handmade, nên trong quá trình chuẩn bị danh sách những cửa hàng cần ghé thăm, không thể thiếu “đế chế” văn phòng phẩm Paperchase. Thương hiệu này có rất nhiều chi nhánh, tớ ghé hai chi nhánh là Paperchase ở số 3 Peninsula Square, Greenwich Peninsula khi tranh thủ đi chơi vào buổi sáng cuối cùng tại London, và ở B1 Retail Level Jubilee Place khi tranh thủ một tiếng nghỉ ngơi tại hội nghị vì ở đây “sát vách” Thomson Reuters. 

Đọc bản đồ tàu diện - Kỹ năng sinh tồn tại London 

Trước khi đi, trong thời gian tìm hiểu London, tớ choáng váng khi nhìn vào bản đồ tàu điện, không thể hình dung bắt đầu từ đâu và đi như thế nào. Khi đến nơi và tự đi, dù có định vị (tớ dùng Google Maps trong cả chuyến đi vì nó cực kì chính xác, nhưng dân bản địa thường dùng app Citymapper) nhưng lần đầu tiên tớ vẫn hơi bối rối. Ấn tượng của tớ là khi tàu từ East India chạy vào hầm và mọi người ra khỏi tàu đều đi theo lề lối, rất khẩn trương để chuyển tàu, tớ bị cuốn theo dòng người đó, với rất nhiều bỡ ngỡ, tưởng mình đang bị lạc trong thế giới Harry Potter vì cảnh tượng dưới lòng đất của những ga tàu cũ kĩ và có những mái vòm y như thế.

Đến London, người nhện mém “xa nhà”, còn tớ suýt “để quên” trái tim! ảnh 2

Tuy tớ đã đi tàu điện vào một số khung giờ cao điểm, nhưng không bao giờ có khái niệm “kẹt xe”, chen lấn. Trên tường của các cầu thang bộ trong tầng hầm luôn tấp nập người chạy cho kịp tàu, luôn có những tấm bảng Keep left hoặc Keep right (rẽ trái, rẽ phải) để những người vội hơn có một lối đi rất thoáng để "chạy marathon", và người London luôn làm theo triệt để, vì thế dù đông nhưng vẫn có thể lưu thông thoải mái.

Và sự tốt bụng của người London

Nhờ đi tàu điện và hỏi thăm đường liên miên, tớ mới biết Londoners thật lịch sự và tốt bụng. Có lần tớ đi từ Bristol về đến London, tại ga tàu lửa, một cô người Anh đứng chỉ trên tấm bản đồ tàu điện cho vài người du khách. Tớ cũng tranh thủ vào học hỏi một số “bí kíp” đi tàu. Cô í chỉ cho tớ rất nhiệt tình, và còn bảo: I know it’s crazy (Tôi biết nó thật điên loạn) với nét mặt cảm thông.

Buổi sáng cuối cùng tại London tớ đã nán lại chơi thêm chứ không đi theo xe coach của chương trình chở ra sân bay. Để đi từ The O2 (một khu trung tâm mua sắm tại Greenwich Peninsula, London) về East India, tớ chọn xe buýt màu đỏ đặc trưng của London. Khi lên xe, tớ phát hiện thẻ của tớ hết tiền nên đành đi xuống. Lúc đó mưa tầm tã, một chú người Anh hỏi sao tớ lại xuống xe, sau khi nghe tớ trả lời thì chú nói “Cứ lên xe đi”, và chú tap (đặt thẻ lên miếng cảm ứng để trừ tiền) thẻ của chú mua vé cho tớ. Tớ rất bất ngờ nhưng không quên cảm ơn chú vì sự tốt bụng, thế là tớ được đi miễn phí.

Đến London, người nhện mém “xa nhà”, còn tớ suýt “để quên” trái tim! ảnh 3

Khi thu xếp đồ đi về, hành lý của tớ nhiều hơn nên khá lỉnh kỉnh, thùng carton ở bên này cũng không dễ kiếm như ở nhà mình. Tớ khệ nệ xách đồ và kéo vali từ khách sạn Travelodge ra ga tàu East India. Vì vội nên tớ làm rơi một túi đồ, lăn đến chân một chú người bản địa đang trên đường đi làm. Chú không ngần ngại xách đồ, kéo va li hộ tớ luôn và luôn miệng bảo “Không sao” khi tớ hỏi giúp tớ có khiến chú trễ giờ làm hay không. Không những thế, chú còn hỏi thăm, kể chuyện vui, chỉ tớ cách dùng máy bán vé tàu ngày, chỉ tớ cách đi tube, cách chọn ghế trên tàu và luôn miệng dặn tớ phải đi theo hướng dẫn của chú mới có thể đến sân bay kịp thời gian. Trước khi xuống trạm để đi làm, chú còn tặng tớ một tờ bản đồ tube để tớ không lỡ chuyến tàu và dặn tớ rất cẩn thận.

Còn rất nhiều người khác mà tớ đã nhờ sự giúp đỡ khi ở đây. Tớ nhận ra một điều, nụ cười là thứ luôn đi đầu tiên khi họ được nhờ giúp, và giúp nhiệt tình nhất có thể, như thể mỗi người London là đại sứ du lịch tốt nhất cho thành phố của chính họ vậy.

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm