Học online mùa dịch COVID-19: Xu hướng mới hay phương thức đối phó tạm thời?

HHT - Vì ảnh hưởng từ bệnh dịch, nhiều học sinh trên khắp cả nước vẫn đang trong “kỳ nghỉ” kéo dài. Thế nhưng việc học đôi khi chẳng thể đợi lâu như vậy, mà học sinh, giáo viên Việt Nam đã “lục đục”, lần đầu chạm ngõ những lớp học trực tuyến (online).

“Nhập môn” xu hướng thế giới

Trong những năm gần đây, thế giới đang dần tiếp thu việc học online như một phương pháp hỗ trợ hoặc thậm chí là thay thế việc đến trường.

Ở Phần Lan, flipped classroom (lớp học đảo ngược) đang là một mô hình rất được ưa chuộng. Giáo viên sẽ cung cấp tài liệu qua các video bài giảng. Học sinh sẽ xem các video này, cũng như đọc thêm các tài liệu giáo viên gửi kèm, sau đó trao đổi trực tuyến với bạn bè và giáo viên. Phương pháp này giúp học sinh phát huy khả năng phản biện (critical thinking), kỹ năng giải quyết vấn đề (problem solving) cũng như khả năng suy nghĩ sáng tạo (creative thinking) vì phải tự suy nghĩ về vấn đề đó trước khi trao đổi với giáo viên.

Học online mùa dịch COVID-19: Xu hướng mới hay phương thức đối phó tạm thời? ảnh 1
Hay như tại ĐH Minerva, với mô hình học tại bảy đất nước khác nhau, trường cũng sử dụng triệt để mô hình dạy-học online này nhằm giảm bớt chi phí vật chất hạ tầng, đầu tư hoàn toàn vào chất lượng giáo dục.

Vào lớp online hết mình, lớp online “quật” hết hồn

Đối với rất nhiều học sinh và kể cả giáo viên, lần học online mùa dịch COVID-19 này chính là trải nghiệm cộp mác “lần đầu”, hoặc nếu trường nào vốn đã kết hợp dạy online với truyền thống, thì đây lại là một thử thách mới để chuyển toàn bộ nội dung học lên mạng. Và cũng vì vậy nên hàng loạt “sự cố” dở khóc dở cười đã diễn ra cho những “lần đầu” bất ngờ này.

Trên Facebook lan truyền một đoạn clip giáo viên giảng cứ giảng, học sinh rời nhóm... cứ rời, đến khi cô giáo quay lại thấy chẳng còn ai mà chẳng biết phải làm thế nào. Giáo viên hoang mang vậy mà học sinh khắp nơi lại thi nhau thả haha vì thấy đúng quá đúng!

Bạn Nhi Lê (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể: “Lớp mình đang học online, thì có mẹ của một bạn bước vào bảo là “Giờ này rồi mà còn chưa ngủ, đùa mẹ à?”, làm cả lớp dù đang tắt tiếng nhưng ai cũng cười nghiêng ngả. Rồi vì chưa quen ứng dụng online nên thường xuyên xảy ra trường hợp quên tắt tiếng hoặc quên bật tiếng. Vậy là lâu lâu một tiếng cằn nhằn cảm thán vu vơ lại vang lên, hoặc thậm chí một bạn im lặng thật lâu chỉ để nhận ra rằng mình đã phát biểu liên tục 10 phút mà chưa bật mic…”.

Học online mùa dịch COVID-19: Xu hướng mới hay phương thức đối phó tạm thời? ảnh 2
Bạn Diệu Linh (18 tuổi, Q.2, TP.HCM) chia sẻ: “Khi lớp mình chuyển sang học online, thầy dạy thì khá là đẹp nhưng mọi người chỉ chăm chăm chụp màn hình làm... meme. Xong các bạn còn bảo thầy là phải có lời chào mặn mà mới thu hút được học sinh”.

Và còn muôn vàn câu chuyện như đi chợ, ăn sáng... lúc thầy giáo đang dạy vì không cần phải bật camera, hay là đang giờ học mà các bạn vẫn nhắn tin cho nhau rần rần trên mạng xã hội, phần để cập nhật lớp học, phần chỉ để bàn tán về lớp cho vui.

Bước “nhảy gấp” vắng bóng hành trang

Bởi lẽ bản chất của lần thử nghiệm này chỉ mang tính chất đối phó với dịch, chúng ta chẳng hề làm quen với công cụ này cùng sự chuẩn bị chu đáo hay mang tâm thế thực sự muốn khám phá một nền tảng mới, thế nên những trải nghiệm trong đợt học online này đã không hề diễn ra trong tâm thế sẵn sàng.

Số lượng lý tưởng cho lớp học online

Dù là lớp học diễn ra trên ứng dụng nào khi học online, thì việc học sinh gắn kết và chủ động tham gia vào bài học vẫn là yếu tố rất quan trọng để níu chân các bạn khi không thể thấy các bạn trong cùng căn phòng. Và vì đa số các phần mềm gọi thấy mặt chỉ có thể hiện được một số lượng người nhất định, nên đa số các lớp chỉ nên được giới hạn trong khoảng 18-25 người, bằng kích cỡ một lớp trong các trường đại học khai phóng (liberal arts). Điều này chính là nền tảng tiên quyết ở các trường như Minerva hay Fulbright University Vietnam để có thể đảm bảo tương tác hiệu quả.

Học online mùa dịch COVID-19: Xu hướng mới hay phương thức đối phó tạm thời? ảnh 3
Bảo vệ wifi khỏi... cá mập

Bình thường wifi mạnh đã không nhiều, vào mùa đứt cáp quang để sửa mạng wifi lại càng chập chờn hơn. Dù rất muốn bật video để mọi người có thể nhìn thấy và tương tác với nhau, nhưng đây là điều dường như không thể nếu muốn bảo đảm đường truyền ổn định. Vậy nên cách các bạn giảm tải sức nặng cho Internet chính là đành phải tắt camera và chỉ bật tiếng thôi đấy.

Thiết kế ứng dụng lý tưởng

Việc lựa chọn công cụ, ứng dụng gọi online là điều hết sức quan trọng khi chuyển sang nền tảng học tập mới. Mức độ tương tác thấp nhất là livestream hoặc học qua truyền hình, sẽ ứng dụng được nếu các bạn học sinh chỉ cần nghe, giảng, chép bài, nhưng khó thể nào hiệu quả trong việc giữ mức độ tập trung của học sinh. Tiếp theo là Skype, Teams, hay Messenger có thể nghe, gọi, thấy mặt nhau và chia sẻ màn hình. Trong đó, Zoom lại có những chức năng đa dạng hơn, bao gồm panel discussion, các bạn có thể bấm nút “giơ tay” khi muốn phát biểu, trả lời “yes”/“no” để tương tác nhanh với giáo viên, ngoài ra còn có thể chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để các bạn thảo luận với nhau trước khi trình bày ý tưởng cho cả lớp.

Nền tảng Active Learning ForumMinerva đang sử dụng có lẽ là hệ thống học online vững vàng nhất hiện nay. Bên cạnh những chức năng của Zoom, giáo viên tại Minerva còn có thể “viết bảng” trực tiếp cho học sinh, hoặc theo dõi xem bạn nào đang ít phát biểu, hoặc không nhìn vào máy tính để “lôi kéo” bạn trở về lớp nữa.

Học online mùa dịch COVID-19: Xu hướng mới hay phương thức đối phó tạm thời? ảnh 4
Học online đòi hỏi tính kỷ luật, tự giác và tinh thần văn minh

Học online yêu cầu sự tự giác cao độ. Để có được điều đó, không thể đẩy học sinh vào thế học online trong tình thế bất ngờ, khi tâm lý các bạn vẫn chưa được chuẩn bị chỉn chu, sẵn sàng cho sự thay đổi mới. Dù là online hay truyền thống, kiến thức vẫn là của chúng ta tự nắm lấy, quyết định xem mình sẽ học được bao nhiêu là ở các bạn. Và quan trọng nhất, chỉ đến khi nào chúng ta không xem các lớp online chỉ là một hình thức đối phó nhất thời, học qua loa đợi ngày vào trường, mà thực sự muốn trải nghiệm một hình thức học mới, thì việc học mới có thể hiệu quả.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm