"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo"

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo"
HHT - Gần đây, những thông tin về việc uống 3 cốc trà sữa/ ngày gây tử vong, uống nhiều trà sữa gây vô sinh, lão hóa sớm… tràn lan khiến các tín đồ của trà sữa hoang mang tột độ. Có thật là trà sữa nguy hiểm vậy không?

“Chỉ là trà và sữa thôi mà…”

Đó là câu giải thích cửa miệng của các bạn học sinh khi bị phụ huynh “tuýt còi” vì uống quá nhiều trà sữa. Tuy nhiên, bên cạnh những bạn sẵn sàng bỏ ra 50 - 60 nghìn đồng cho một ly trà sữa chất lượng, có đầy đủ cam kết về nguồn nguyên liệu, thì vẫn còn một số đông các bạn trẻ đang “hẹn hò” với những ly trà sữa chưa rõ xuất xứ mỗi ngày. Ngoài hai thành phần là trà và sữa, một ly trà sữa còn có hàng chục nguyên liệu khác như gelatin, bột tạo béo, phụ hương thực phẩm, phẩm màu… có xuất xứ từ “xứ sở mông lung”. Những nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc là “gốc rễ” của nhiều căn bệnh chuyển hóa, thần kinh và thậm chí cả ung thư, “ẩn náu” dưới dạng những ly trà sữa “điểm 10” về hương vị.

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo" ảnh 1

Ngoài mối lo ngại về “tiểu sử” của các nguyên liệu “ẩn danh” thì kể cả những ly trà sữa “chính chuyên” chỉ có trà và sữa cũng có thể gây hại nếu không uống đúng cách. Bác sĩ Phạm Công Danh (Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) cho biết: “Trong trà có chứa chất tanin, khi uống sẽ ngăn cản sự hấp thu sắt của cơ thể. Cộng với sữa, nếu uống một ly khoảng 500ml gồm trà, sữa, đường, trân châu thì dễ gây đầy bụng, khiến bạn bỏ bữa hoặc ăn ít hơn. Chính điều này sẽ làm các chất dinh dưỡng khác bị “mất phần”, thiếu nhiều chất và đặc biệt có thể gây thiếu máu do thiếu sắt”. Tờ Guardian còn dẫn nguồn một nghiên cứu của các nhà khoa học Đức rằng, trà kết hợp với sữa sẽ tạo ra một “trận chiến” giữa catechin (từ trà) và casein (từ sữa) khiến trà mất đi hết những công dụng tốt cho sức khỏe của nó. Đúng là trà với sữa thôi nhưng khi đi cùng với nhau lại có nhiều “mâu thuẫn nội bộ” ghê gớm!

Khui bí mật của cơn nghiện trà sữa

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo" ảnh 2

Giới trẻ đã quá quen với việc khi vui sẽ khao nhau trà sữa, khi hờn dỗi, buồn rầu chỉ cần “gấu” mang đến một cốc trà sữa là “lửa giận” được dập tắt hay chỉ đơn giản là một ngày đẹp trời bỗng thèm trà sữa thì “thẳng tiến” thôi. Tuy trà sữa chẳng chứa chất gây nghiện gì, nhưng lại chứa một chất hóa học cực kì quen thuộc được chứng minh là làm con người “sung sướng” hơn bao giờ hết, đó chính là đường. Theo Bác sĩ Danh, đường là chất “giải stress” cho trí não, kích thích tiết ra dopamine - hay còn được gọi là hoóc-môn hạnh phúc khiến cơ thể bị đánh lừa rằng đây là một liệu pháp “vi diệu” để đánh bay những cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, từ sô-cô-la cho đến 1001 thứ đồ ngọt khác đều là “cứu tinh” của giới trẻ mỗi khi có “biến”. Tuy nhiên đây chỉ là một “ảo giác” giải stress tạm thời thôi chứ không có tác dụng lâu dài. Hơn nữa, đường dùng trong trà sữa sẽ tạo cho chúng ta “năng lượng rỗng”, tức là loại năng lượng sẽ đi thẳng vào… mỡ bụng làm bạn mập lên mà không bổ sung được dinh dưỡng gì. Chưa kể ngọt ngào là thế nhưng đường lại rất “thân thiết” với các tế bào ung thư.

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo" ảnh 3

Vậy thì, càng ăn đường sẽ càng làm cho chúng ta béo lên, mà béo lên thì lại stress, mà stress thì lại… tìm đường để “nạp” vào. Cứ như vậy tạo thành một vòng luẩn quẩn. Hơn nữa, thói quen dùng đường để giải stress như vậy sẽ làm giới trẻ quên đi những cách giải tỏa căng thẳng lành mạnh và thực chất như tập thể dục, đi bộ, yoga…

Bạn Thiên Nga (TP.HCM) than thở: “Dạo này nhiều quán trà sữa vừa ngon vừa rẻ mọc lên như nấm sau mưa, mình quyết định thử cho hết các quán nổi tiếng trong khu vực. Sau nhiều ngày uống trà sữa ly cỡ đại, mình bàng hoàng nhận ra đã tăng hơn một ký trong chỉ hai tuần. Chưa kể còn có vài chiếc “đèn pin” đang “ngự trị” nữa chứ!”. Công thức “béo bụng” mà bạn phải né ngay và luôn chính là ngoài thực đơn đang có hằng ngày, mỗi ngày uống 1 ly trà sữa có khoảng 500 kcal – 700 kcal (bằng một bữa chính lớn) thì trong 1 tuần bạn có thể tăng tận 0,5 - 0,7 kg.

“Con đường chính đạo” cho đội quân trà sữa

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo" ảnh 4

Bác sĩ Danh cũng cho biết, không có một con số cụ thể nào quy định lượng trà sữa “được phép” uống. Tuy nhiên, một số lưu ý sau đây sẽ “dẫn dắt” các “tín đồ trà sữa” đi theo “con đường chính đạo”:

- Không uống trà sữa gần bữa ăn để tránh bỏ bữa và ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

- Không nên uống trà sữa khi đói, để “trừ cơm” vì các hoạt chất trong trà sẽ “quậy tưng” cơ thể, làm dịch vị dạ dày tiết ra nhiều hơn, gây cảm giác cồn cào, khó chịu, buồn nôn.

- Không nên uống quá 2 - 3 ly trà sữa một tuần và chỉ nên uống tại những địa chỉ tin cậy, rõ xuất xứ.

- Nên yêu cầu giảm lượng đường trong mỗi ly “nạp” vào để vừa có thể “chiều chuộng” tinh thần bản thân nhưng không quên đối xử tốt với cơ thể mình.

-  Nên có thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày để đốt đi năng lượng dư, không bị tăng cân mà còn làm tinh thần thoải mái hơn.

"Tuýt còi" những cơn nghiện trà sữa - "Đội quân" nghiện trà sữa hãy đi "con đường chính đạo" ảnh 5

Bạn Gia Huy (lớp 12, trường PTNK) chia sẻ: “Mùa Hè mình đã tăng tới 5 cân do ăn uống thả ga và uống trà sữa như uống nước. Sau khi tập thể dục và nhịn trà sữa trong suốt một tuần, kết quả là giảm vèo 2 cân thì mình mới chấp nhận là “người bạn” trà sữa này không tốt như mình nghĩ”.

Trà sữa sẽ không đến mức gây hại người nhưng cũng không phải là một thức uống lành mạnh để giới trẻ uống thả phanh. Hãy dùng trà sữa đúng cách và điều độ, hãy vui thôi chứ đừng vui quá, để trà sữa vẫn cứ là một điều nho nhỏ ngọt ngào và dễ thương trong cuộc sống của mình, bạn nhé!

THY ANH NGUYEN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm