Bằng tốt nghiệp đại học mới: Sẽ không còn ghi tại chức hay chính quy, giỏi hay trung bình

Bằng tốt nghiệp đại học mới: Sẽ không còn ghi tại chức hay chính quy, giỏi hay trung bình
HHT - Bộ GD- ĐT vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý về Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự.
Bằng tốt nghiệp đại học mới: Sẽ không còn ghi tại chức hay chính quy, giỏi hay trung bình ảnh 1

Theo dự thảo, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm:

1. Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM;

2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ);

3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng;

4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng;

5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng;

6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng;

7. Ngành đào tạo;

8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng;

9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định;

10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Đặc biệt, có điểm đáng chú ý, Dự thảo cho phép, cơ sở giáo dục đại học được bổ sung các nội dung khác ghi trên văn bằng giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.

Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mẫu bằng thạc sĩ, Thông tư số 24/2009/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mẫu bằng tiến sĩ; Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mẫu bằng tốt nghiệp đại học; Thông tư số 20/2011/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mẫu bằng tiến sĩ danh dự.

Bằng tốt nghiệp đại học mới: Sẽ không còn ghi tại chức hay chính quy, giỏi hay trung bình ảnh 2
Bằng đại học theo quy định hiện hành có ghi rõ xếp loại, hình thức đào tạo. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi không còn quy định này.

Theo như quy định hiện hành thì văn bằng đại học có ghi xếp loại tốt nghiệp: Xuất sắc, Giỏi, Khá, Trung bình khá hoặc Trung bình;

Hình thức đào tạo ghi: "Chính quy" hoặc "vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”.

Đối với ngành kỹ thuật ghi "Bằng kỹ sư"; ngành kiến trúc ghi "Bằng kiến trúc sư"; ngành Y ghi "Bằng Bác sĩ" hoặc "Bằng cử nhân"; ngành Dược ghi "Bằng dược sĩ" hoặc "Bằng cử nhân"; ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế ghi "Bằng cử nhân".

Trước đó, ngày 19/11/2018, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6, với 84,12% tổng số đại biểu quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Do đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019.

Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.

Như vậy, văn bằng hệ đào tạo ĐH chính quy so với các hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa... có giá trị như nhau.

Mặc dù Quốc hội đã thông qua quy định như trên nhưng trên thực tế xã hội vẫn còn những lo lắng, hoài nghi về việc tuyển sinh, đào tạo và chuẩn “đầu ra” giữa những người học ở các loại hình đào tạo văn bằng.

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục ĐH được xây dựng dựa trên nền tảng phát triển giáo dục của các nước trên thế giới nhưng cần xét theo yếu tố, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam bởi vì việc đào tạo ĐH chính quy và các hệ đào tạo khác chưa có sự đồng nhất về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên...

Chất lượng tuyển sinh “đầu vào”, đào tạo giữa các hệ đào tạo ĐH đang có sự khác nhau rõ nét. Nhiều sinh viên học hệ đào tạo tại chức, từ xa, liên thông có ý thức học tập kém hơn so với sinh viên hệ ĐH chính quy.

Luật Giáo dục ĐH quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật. Điều quan trọng là các trường ĐH phải có trách nhiệm hơn, không đào tạo dàn trải; không nên tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự chọn lọc.

Trong quá trình đào tạo, các trường cần có sự đánh giá nghiêm túc nguồn tuyển sinh “đầu vào” và “đầu ra” để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm