Chúng mình cũng cần “Bộ trưởng cô đơn” để được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần

Chúng mình cũng cần “Bộ trưởng cô đơn” để được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần
HHT - Gần đây, Thủ tướng Anh chính thức thông báo Bộ trưởng Bộ Y tế Jacqueline Doyle-Price sẽ tiếp nhận chức Bộ trưởng Chống tự tử tại Anh. Tiếp nối sự kiện Bộ trưởng Cô đơn (do bà Tracey Crouch nhậm chức vào tháng 1/2018).

Đây là một tin đáng mừng cho dân Anh nhưng đồng thời cũng là tuyên bố cho thế hệ mới: Chúng ta cần được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần.

Chiến dịch chống cô đơn ở Anh và câu chuyện “bộ trưởng tinh thần” cho người trẻ

Chúng mình cũng cần “Bộ trưởng cô đơn” để được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần ảnh 1

Bộ trưởng Cô đơn của Anh - Bà Tracey Crouch

Theo thống kê năm 2017, tại Anh có gần 9 triệu người luôn cảm thấy cô đơn và không có người để lắng nghe. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, sức khỏe người dân, thậm chí, đây là một trong những lý do chính dẫn đến trầm cảm. Phần lớn những người trên 75 tuổi ở Anh đều sống một mình và hơn 200.000 người trong số họ trung bình không hề trò chuyện với người thân trong một tháng. Nghiên cứu khác ở Phần Lan cho thấy, 80% người sống một mình dễ mắc các căn bệnh liên quan đến tinh thần, trong khi chỉ có 16% người sống bên cạnh bạn bè, người thân mắc các căn bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết: Năm 2020, trầm cảm sẽ là căn bệnh đứng thứ hai thế giới (sau tim mạch) ảnh hưởng tới cuộc sống con người.

Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng cô đơn và tự tử là “dịch bệnh” ẩn nấp, khó phát hiện. Vì vậy, bà đã quyết định bổ nhiệm những chức vụ trên để chăm lo sức khỏe tinh thần cho người dân, “lãnh đạo” chiến dịch chống cô đơn.

Tuy nhiên ở một quốc gia đang phát triển ở Việt Nam, chuyện chăm sóc sức khỏe tinh thần chưa thực sự được coi trọng. Ở tháp nhu cầu của Maslow, người dân nước ta vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vật chất. Thế nên, khi “cái ăn, cái mặc” chưa đủ thì nhu cầu chăm sóc những yếu tố tinh thần vẫn chưa được chú trọng.

Bạn Hami (TP.HCM) chia sẻ: “Mình cũng muốn Việt Nam học tập những nước phát triển về cách họ chăm sóc tinh thần của người dân. Không cần sao chép, chúng mình chỉ cần được sự quan tâm hơn nữa thôi”.

Chúng mình cũng cần “Bộ trưởng cô đơn” để được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần ảnh 2

Không còn là thế hệ “chăm chỉ”, chúng mình phải là thế hệ “cân bằng”

Theo Japan Times, nhiều trường học, công ty ở Nhật đã khuyến khích học sinh và nhân viên của mình tham gia “Lớp học khóc” (hay còn gọi là Rui-katsu - “Tìm kiếm nước mắt”) để giảm thiểu căng thẳng. Nghe thì buồn cười nhưng đó hoàn toàn là chuyện có thật. Theo văn hóa Nhật, việc khóc ở nơi công cộng bị xem thường và chế giễu. Từ khi còn nhỏ, người Nhật đã được dạy là phải luôn lạc quan, vui vẻ trước tất cả mọi người. Những cảm xúc tiêu cực phải luôn giấu kín, họ không được tỏ ra yếu đuối mà phải trách nhiệm.

Và thế là những thế hệ liên tục bị đè nén, những người trẻ “cô đơn” luôn tỏ vẻ mình ổn đã ra đời. Điều này khiến giới trẻ Nhật không còn tự tin với chính cảm xúc của mình nữa. Không riêng gì Nhật, nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng cảm thấy “chênh vênh” và cô đơn. Với phương pháp giáo dục châu Á nặng tính áp đặt, giờ đây khi trưởng thành, người trẻ lại đứng trước quá nhiều lựa chọn. Kết quả là họ dễ cảm thấy “quá tải” và trở nên lẻ loi trên con đường trưởng thành.

Thế hệ Z chúng mình được sinh ra với những khái niệm xã hội hoàn toàn mới (xu hướng tính dục, vấn đề môi trường, công nghệ AI…). Tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, thế hệ Z đã và đang vươn mình trở thành những “công dân toàn cầu” tài giỏi. Thế nhưng, tài năng và suy nghĩ vượt xa dễ cuốn chúng mình khỏi trạng thái cân bằng.

Việc “chạy quá nhanh” đã dẫn đến một hệ lụy: Cô đơn. Trong những nhu cầu tối thiểu của con người, quan trọng nhất là sự quan tâm. Thế nhưng, chúng mình thường bỏ quên điều đó. Nghĩa là chúng mình đang đòi sự quan tâm của mọi người để không cô độc nhưng lại không trao đi sự quan tâm cho người khác.

Chúng mình cũng cần “Bộ trưởng cô đơn” để được quan tâm và chăm sóc về sức khỏe tinh thần ảnh 3

Ngoài ra, trạng thái mất cân bằng trong cuộc sống cũng là hệ lụy khách quan. Một thế giới xoay tròn mà từng phút đều cấp bách. Chúng ta chỉ có 60 giây bắt gặp rồi đi ngang đời nhau. Từng ấy thời gian không đủ cho sự quan tâm hay xoa dịu nỗi cô độc.

Shark Thái Vân Linh của Thương vụ bạc tỷ từng nói: “Nhiều bạn trẻ hay hỏi chị về vấn đề work-life balance (cân đối giữa công việc và cuộc sống hàng ngày) thế nào. Nhưng chị thắc mắc sao mới ngoài 20 các bạn đã nghĩ về work-life balance? Hai mấy tuổi không nên nghĩ về work-life balance. Hai mấy tuổi nên nghĩ về công việc”.

Không! Đó là lời tuyên bố của thế hệ Z. Rằng, chúng mình không còn là thế hệ của  những người vặn ốc chăm chỉ nữa. Ở thế hệ Shark Linh, chăm chỉ là yếu tố thành công nhưng ở thế hệ Z, khi trí thông minh nhân tạo AI lên ngôi thì chúng ta buộc thay đổi cách làm việc: work smart - not hard (làm việc thông minh chứ không phải chăm chỉ).

Trong bài diễn thuyết của Randi Zuckerberg - giám đốc tiếp thị của Facebook và cũng là chị gái của Mark Zuckerberg - từng đề cập: “Công việc, giấc ngủ, gia đình, sức khỏe hoặc bạn bè. Hãy chọn ba cái. Bạn có thể có tất cả nhưng không thể có mỗi ngày”.

Vậy, lựa chọn hôm nay của bạn là gì để mình không còn “cô đơn”?

Theo Hoa Học Trò số 1282
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?