Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu

Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu
HHT - Thói quen mua sắm thoải mái của thế hệ trẻ đã làm gia tăng các khoản nợ xấu hộ gia đình, ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà kinh tế phương Tây từng phân tích rằng, Trung Quốc cần một nền tảng "người tiêu dùng kiểu Mỹ" để tăng trưởng kinh tế bền vững. Và đến hiện tại, Trung Quốc đã có một thế hệ Z - những thanh thiếu niên tự tin, hào phóng.

Thói quen chi tiêu của giới trẻ

Thế hệ người tiêu dùng trước đây tại Trung Quốc rất tiết kiệm vì họ có những năm tháng lớn lên trong nền kinh tế hỗn loạn. Trong khi đó, 335 triệu người dưới độ tuổi 30 sinh ra ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2009 lại có hành vi tiêu dùng như người Mỹ.

Theo một thống kê của Công ty tư vấn chiến lược OC&C (Anh) năm 2018, thế hệ Z tại Trung Quốc tiêu xài 15% trong tổng chi tiêu của gia đình so với 4% của thế hệ Z tại Mỹ và Anh. Phần lớn thanh thiếu niên tại đất nước này chưa đi làm nhưng chi tiêu mua sắm rất nhiều.

Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu ảnh 1
Người trẻ Trung Quốc mua sắm rất nhiều mỗi tháng. Ảnh: Noah Sheldon (The Wall Street Journal).

Liu Biting, 25 tuổi, nói rằng mỗi tháng đã tiêu sạch khoản tiền lương 10.000 NDT (khoảng 1.400 USD), có được từ công việc nhân viên tiếp thị tại Thượng Hải. Trong đó, một phần ba tiền lương dùng để trả tiền nhà, phần còn lại chi tiêu cho ăn uống, mua sắm quần áo, mỹ phẩm, đi chơi và các dịch vụ giải trí. Cho đến nay, Liu chìm trong nợ nần. 

"Đối với thế hệ của cha mẹ tôi, họ chỉ cần một công việc ổn định, sau đó tiết kiệm tiền, mua nhà và nuôi dạy con cái. Chúng tôi lại quan niệm rằng tiền kiếm được là để chi tiêu. Bố mẹ liên tục hỏi tôi rằng đã tiết kiệm được bao nhiêu trong 3 năm đi làm. Tôi chẳng có khoản nào cả. Tất cả bạn bè tôi đều như thế. Chúng tôi không quan tâm đến tiền tiết kiệm", Liu nói.

Ông Daniel Zhang - Giám đốc điều hành tập đoàn thương mại điện tử Alibaba -  nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 11/2018: "Giới trẻ đã trở thành "sức mạnh tiêu thụ chính" ở Trung Quốc. Những người sinh sau năm 1990 chiếm gần một nửa số khách hàng mua sắm thường niên. Trong Ngày độc thân (Single Day, sự kiện mua sắm lớn nhất năm), doanh thu hàng hóa bán được của Alibaba là 30,8 tỷ USD trong 24 giờ".

Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu ảnh 2
So với thế hệ trước, người tiêu dùng dưới độ tuổi 30 tại Trung Quốc không có thói quen tiết kiệm. Ảnh: Noah Sheldon (The Wall Street Journal).

Theo báo cáo của tập đoàn Volkswagen Trung Quốc, gần 25% khách hàng mua xe hơi ở đất nước này ở độ tuổi dưới 30. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 60% vào năm 2025. Trong khi đó, nhu cầu ăn uống của giới trẻ cũng giúp những thương hiệu địa phương cạnh tranh được với Starbuck, Luckin Coffee. Thế hệ Z xứ Trung cũng chi nhiều cho du lịch. Một báo cáo năm 2018 của Mastercard và Ctrip.com cho biết, 1/3 khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài sinh sau 1990. Số tiền họ bỏ ra cho mỗi chuyến du lịch nhiều hơn với những du khách thuộc thế hệ 1980. 

Bên cạnh những nguyên nhân về quan điểm chi tiêu, sở dĩ thói quen mua sắm xa xỉ của giới trẻ Trung Quốc ngày càng gia tăng do ngày càng xuất hiện các gói vay tín dụng hấp dẫn của ngân hàng, công ty tài chính, các ứng dụng online. 

Các khoản vay ngắn hạn dễ dàng từ các công ty cho vay trực tuyến như Ant Financial Services Group đang giúp thúc đẩy chi tiêu của thanh thiếu niên. Ant Financial tính lãi lên tới gần 16% hàng năm, tùy thuộc vào hồ sơ tín dụng của người vay. Một cuộc khảo sát năm 2018 tại Trung Quốc cho thấy, khoảng một nửa số người từng vay tín dụng sinh sau năm 1990. Trong đó, 1/3 người vay tiền để... trả các khoản nợ khác.

Nguy cơ nợ xấu khó kiểm soát

Thói quen mua sắm của giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc đa dạng hóa nền kinh tế. Các mô hình kinh doanh như tập đoàn Alibaba, Tencent... và các công ty công nghệ khác có tốc độ tăng trưởng như "vũ bão". Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng hoang phí này có một nhược điểm. Với những người trẻ Trung Quốc vay tiền để mua sắm, dần dần họ trở thành con nợ khi những khoản nợ gia đình tăng lên nhanh chóng.

Nhiều nhà kinh tế lo ngại nợ xấu sẽ trở nên khó kiểm soát, trở thành gánh nặng quốc gia và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Trung Quốc. Các gia đình với truyền thống tiết kiệm giờ đây đang tích lũy nợ với tốc độ cao chưa từng thấy. Theo thống kê của S&P Global, năm 2017, nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng với tốc độ đáng báo động lên 49% GDP (năm 2008 chỉ 17,9%). Trong quý I/2019, con số này đã tăng lên đến 54% GDP. 

Một số chuyên gia cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, sự kết hợp giữa nợ chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ tiêu dùng tăng cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế và gây ra sự mất niềm tin ngày càng lớn ở Trung Quốc. 

Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu ảnh 3
Các ứng dụng cho vay online kích thích thói quen tiêu dùng của thế hệ trẻ.

Chính phủ Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự phát triển chóng mặt của thẻ tín dụng. Các chuyên gia cũng lo ngại rằng giới trẻ sẽ trở thành con mồi của những đối tượng cho vay với mục đích xấu. Zhou Xiaochuan - cựu quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc từng cảnh báo vào tháng 11/2018 rằng, sự gia tăng của thị trường tín dụng, cho thể thúc đẩy quá mức xu hướng "chi tiêu vượt khả năng" của giới trẻ. Sự phát triển của thương mại điện tử tạo điều kiện cho các gói vay phục vụ chi tiêu trở nên tiện lợi hơn. Nhiều dịch vụ tín dụng chấp nhận thanh toán bằng trả góp chỉ với vài thao tác trên màn hình.

Yang Huixuan, 22 tuổi, đã tốt nghiệp đại học và làm việc trong ngành truyền thông cho một câu lạc bộ bóng đá ở Nam Kinh, nói rằng đã dùng Huabei (ứng dụng thẻ tín dụng ảo của Alibaba) từ khi còn đi học trung học. Mỗi tháng, cô vay khoảng 100 USD để thanh toán hóa đơn các bữa ăn, mỹ phẩm và quần áo. Sau này, cô cũng vay tiền để mua các sản phẩm giá trị hơn như máy ảnh, smartphone. 

"Huabei thực sự gây nghiện. Nó cho tôi một ảo tưởng rằng tôi không thực sự tiêu tiền của mình", Yang nói. Cô cho biết thêm, hiện tại đã hạn chế sử dụng Huabei vì chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng và không muốn phải vay tiền bố mẹ để trả nợ tín dụng. 

Từ cuối 2017, các nhà chức trách đã tạm dừng cấp phép cho những người vay online, thắt chặt hồ sơ để đảm bảo lãi suất cho một số khoản vay giới hạn mức 36%/năm. Theo số liệu từ Oliver Wyman, một công ty tư vấn có trụ sở tại New York, chi tiêu tiêu dùng trung bình của chủ sở hữu thẻ tín dụng Trung Quốc trong độ tuổi từ 21 đến 30 trong năm 2016 là khoảng 8.820 USD, cao hơn 39% so với giới hạn tín dụng trung bình. 

Tỷ lệ giới trẻ vay nợ được cho cao hơn các số liệu chính thức bởi họ có thể vay tiền qua những dịch vụ không chính thức khác. Wang Xinyu, 24 tuổi, cho biết đang có khoản nợ 11.200 USD sau quá trình sử dụng 6 thẻ tín dụng. Đây là số tiền nợ đã bị dồn lại trong những năm học đại học, thời điểm anh cảm thấy thật dễ dàng khi quẹt thẻ thanh toán các chi phí hàng ngày. 

"Giới trẻ Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng thời đại khi họ phụ thuộc vào tín dụng để chi trả mọi thứ", Wang nói. Hậu quả, hiện anh phải dùng toàn bộ số tiền lương của mình để trả nợ.  

Giới trẻ Trung Quốc tiêu hoang như người Mỹ và nợ ngập đầu ảnh 4
Các dịch vụ tín dụng đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.

Công ty tài chính có trụ sở ở Mỹ JPMorgan Chase ước tính, tỷ lệ nợ gia đình của Trung Quốc sẽ lên tới 61% GDP vào năm 2020. Trong khi đó tại Mỹ, con số này đã giảm từ 98% vào 2006 xuống còn 76% thời điểm hiện tại, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Lei Ning - Nhà nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải phân tích, cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ hứng chịu hậu quả nếu nợ phình to đến mức khiến các hộ gia đình cạn tiền, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sụt giảm. Ngoài ra, thế hệ trẻ nước này cũng có thể bị tổn thương, khủng hoảng tinh thần vào những năm tới nếu tiếp tục chìm trong nợ nần.

Các chuyên gia còn khẳng định rằng, xu hướng cha mẹ giúp con cái mua nhà hoặc giới trẻ vay tiền mua nhà tại Trung Quốc cũng là một mối nguy hiểm tiềm ẩn. Nhiều thế hệ phụ huynh Trung Quốc vẫn giữ tư tưởng rằng, nhà là tài sản đáng giá nhất đối với mỗi người. Điều này có thể khiến thị trường bất động sản ở Trung Quốc phát triển quá nóng, dẫn tới hiện tượng "bong bóng xì hơi". 

Theo The Wall Street Journal
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?