Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19

HHT - Ngày 13/2/2020, anh Phạm Hải Hồ lên con tàu Sapphire Princess từ Singapore để tiếp tục công việc của một nhân viên phục vụ khu casino trên tàu. Tuy nhiên con tàu đã không thể thực hiện hải trình đi qua các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như dự tính mà thay vào đó, anh Hải Hồ và các nhân viên đã phải trải qua 6 tháng sống trong hoang mang, lo lắng trên tàu.
Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 1

Tháng 8, viết cho những ngày sắp được về Việt Nam.

Mình làm cho công ty Carnival Corporation từ năm 2018, công ty sở hữu 10 thương hiệu tàu du lịch với hơn 100 con tàu du lịch lớn nhỏ khác nhau (Princess Cruises, Holland America, Seabourn Cruise Line, Costa Cruises,...).

Công việc của mình trên tàu khá thú vị, làm nhân viên trong khu vực casino, gặp gỡ và tiếp xúc với khách hàng thuộc nhiều quốc gia và độ tuổi khác nhau. Làm việc ở đây, mình được đặt chân đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, điều mình mơ ước từ khi còn là học sinh.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 2

Vì tính chất công việc nên bọn mình chỉ phải làm việc “những lúc tàu chạy”, còn những lúc tàu cập cảng cho khách lên đất liền thì tụi mình được tự do đi chơi khá nhiều. Điều tự hào nhất với một người Việt Nam như mình là có "lịch sử check-in" ở 43 quốc gia, trải dài từ Châu Á - Châu Úc - Châu Âu và Châu Mỹ. 

Như mọi năm, sau kỳ nghỉ dài một tháng tại quê nhà, mình và bạn bè lại nhận được thông báo về lịch lên tàu đi làm lại. Đầu năm 2020, mình khá là hứng khởi khi biết tàu có nhiều tour cập cảng Việt Nam, Nhật Bản, Úc và những nước khu vực Đông Nam Á.

Gần đến ngày lên tàu cũng là lúc dịch bắt đầu bùng phát mạnh, khởi điểm ở Trung Quốc. Ban đầu, mình cũng hơi hoang mang không biết chuyến đi này có thuận lợi hay không? Ngày 13/2, mình xách hành lý lên tàu Sapphire Princess ở điểm cầu Singapore với một nỗi bất an vô hình.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 3 Tàu Sapphire Princess ở cảng Singapore. Ảnh: Cruise and Travel Asia.

Sau khi lên tàu, mình được biết là tàu ngưng chạy 15 ngày vì có một số tour đi Trung Quốc buộc phải hủy. Lúc đó, mọi người trên tàu cũng tự trấn an là sẽ sớm ổn thôi, như những trận dịch khác trong quá khứ bởi khi ấy chưa có nhiều thông tin dịch bệnh bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Sau khoảng 10 ngày không đi làm, chỉ loanh quanh trên tàu thì nhân viên được thông báo là tàu ngưng hoạt động thêm 1 tháng nữa. Tiếp nối tin xấu này là chuỗi ngày dịch bệnh bùng phát mạnh trên thế giới. Hợp đồng của mình ký từ ngày lên tàu cho đến hết 10/8 nhưng công ty thông báo sẽ trì hoãn hoạt động trong 1 tháng, rồi 2 tháng, rồi thông báo đến tháng 9, sau đó là tháng 12.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 4

Lúc mới lên, mình ở phòng nhân viên như bình thường, mỗi phòng 2 người. Nguyên cả con tàu viễn dương gần 1.000 người thì chỉ có mình và bạn gái là người Việt Nam. Sau khoảng 1 tháng lên tàu, mình được chuyển lên ở phòng của khách, nơi có ban công. Lý do được đưa ra là ban lãnh đạo không muốn nhân viên ở khu vực khép kín, tránh trường hợp đã từng xảy ra cho tàu Diamond Princess ở Nhật Bản.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 5

Mỗi ngày, mặc dù tàu không ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh nhưng mọi người vẫn phải kiểm tra nhiệt độ 2 lần mỗi ngày, tuân thủ nhiều quy tắc nghiêm ngặt để phòng dịch.

Thời gian đầu, lúc tàu còn đậu ở Singapore, tụi mình được lên bờ và đi ra ngoài chơi. Sau đó, số ca ở Singapore tăng lên ngày càng nhiều nên thuyền trưởng quyết định không cho ai lên đất liền, tránh trường hợp lây nhiễm chéo, mang bệnh về tàu. Thời gian đầu, trên tàu còn đông nhân viên, mọi người hay tổ chức mini-game và các hoạt động thể dục thể thao cho khuây khỏa.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 6
Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 7
Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 8

Trong tháng đầu tiên, mình vẫn giữ được sự lạc quan vì nghĩ chắc 1-2 tháng thôi là mọi chuyện sẽ trở lại bình thường. Nhưng mỗi ngày đọc tin tức, tụi mình chỉ thấy thất vọng, chán nản vì dịch bệnh ngày càng tệ hơn.

Ngày qua ngày, tháng nối tháng, công ty cắt giảm bớt nhân viên, những ai mua được vé máy bay thì công ty sẽ tạo điều kiện cho về. Còn những ai ở các nước và vùng lãnh thổ đang giới nghiêm, phong tỏa, sân bay không mở cửa thì phải ở lại trên tàu chờ những chuyến bay nhân đạo.

Những tháng ngày đó thật sự là ám ảnh khi mỗi ngày mình phải chia tay một người đồng nghiệp. Cho đến lúc cả bộ phận chỉ còn lại đúng 2 nhân viên là mình và cô bạn gái, cũng là 2 người Việt duy nhất trên tàu.

Nhiều lần công ty cũng cố gắng đặt vé máy bay cho tụi mình về nước. Có những chuyến bay, những cơ hội, mình và bạn gái tưởng đã được về nhưng cuối cùng cũng bị hủy. Những lúc tuyệt vọng, bế tắc nhưng mình được các anh chị trong công ty động viên. Những động thái cố gắng để đưa nhân viên hồi hương của công ty cũng khiến tụi mình được an ủi phần nào.

Cuối tháng 4 - đầu tháng 5, tàu chạy qua vịnh Manila cùng hơn 20 con tàu của những hãng tàu khác để nhân viên người Philippines được về nhà (trên tàu, người Phillipines chiếm đa số). Mình nhận được thông báo là sẽ được chuyển qua 1 tàu khác để tập trung cùng những người Việt Nam khác, tìm cách về Việt Nam. Vậy là giữa tháng 5, mình tiếp tục chuyển sang sinh hoạt ở tàu Majestic Princess, con tàu dự kiến sẽ đưa mình về Việt Nam vào ngày 23/8 này.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 9
Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 10

Khoảng thời gian mình trên tàu cũng là lúc ba mình trở bệnh nặng. Mình thật sự rất lo lắng, bất an và mất ngủ. Mình muốn cảm ơn bạn gái mình, người đã luôn nắm chặt tay mình trên tàu mỗi khi mình thấy bế tắc.

Trong khoảng 4 tháng đầu, nhân viên được nhận một nửa số lương bình thường mặc dù không phải đi làm. Một số bộ phận thì tranh thủ thời gian rảnh ban đầu vệ sinh thiết bị, máy móc, kiểm kê kho. Sau đó, công ty buộc phải thanh lý hợp đồng và trả một số chi phí hỗ trợ cho nhân viên, những tháng còn lại hầu như không nhận thêm được khoản hỗ trợ nào. Dù khá buồn nhưng mình được ba mẹ động viên là hoàn cảnh của mình vẫn may mắn hơn khá nhiều người ở quê nhà, vừa thất nghiệp vừa phải lo chạy ăn từng bữa.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 11

Cuộc sống trên tàu tuy tù túng về không gian nhưng lại khá thoải mái về sinh hoạt. Nhu yếu phẩm, vật dụng cá nhân luôn được trữ dư để phục vụ khách nên bọn mình không thiếu thứ gì, đều có thể mua tại các cửa hàng trên tàu.

Đều đặn khoảng 2 tuần sẽ có nhân viên đại diện hãng tàu bên ngoài gửi đồ đạc cần thiết, thuốc men, trang thiết bị và nhu yếu phẩm bằng tàu nhỏ vào. Quy trình nhận hàng cũng khá là rắc rối vì vấn đề dịch bên. Bên ngoài họ sẽ xịt sát khuẩn, đóng gói kỹ càng lần một. Lúc đưa lên tàu cũng được khử trùng lại 1 lần nữa.

Về liên lạc, muốn sử dụng internet trên tàu thì phải mua, khá đắt đỏ. Gói 20 đôla (500K) chỉ có dung lượng 2Gb. Lúc đầu, mọi người khá bức bối vì phải hạn chế gọi về cho gia đình, sử dụng Internet. Nhưng những tháng gần đây thì internet trên tàu được cấp miễn phí cho những nhân viên không đi làm, đang chờ ngày về như tụi mình. Khi sử dụng mạng thoải mái hơn, mình và bạn gái có thời gian lên YouTube giải trí cũng như trang bị thêm kiến thức nông nghiệp cho kế hoạch tương lai sau này.

Vì không đi làm, thời gian rảnh nhiều nên mình tiết chế việc ăn uống. Một ngày chỉ ăn 2 bữa sáng và tối. Buổi chiều trước khi đi ăn, mình lên phòng gym tập, có khi thì xuống phòng sinh hoạt chung của nhân viên. Ở đây có bàn bi-da, bóng bàn để giải trí.

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 12

Bạn bè mình có hỏi rằng sau khi được về nước, liệu sau này còn "dám" bước lên tàu lại không. Câu trả lời của mình vẫn sẽ là "có".

Với mình, đây là một công việc vô cùng thú vị cho những bạn trẻ yêu dịch chuyển và có chút máu phiêu lưu, gan dạ. Bạn sẽ được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều nên văn hóa, nghe được trăm thứ ngôn ngữ, khám phá và học hỏi được rất nhiều thứ. Trong khi thông thường, mỗi lần lên kế hoạch đi nước ngoài rất tốn kém và nhiêu khê: Phải xin nghỉ phép, xin visa thông hành, tìm phương tiện,...

Hải trình sóng gió của chàng trai Việt mắc kẹt đã 6 tháng trên tàu viễn dương vì COVID-19 ảnh 13

May mắn nhất của mình trong quá trình làm việc là chuyến đi vào năm 2019. Mình lên con tàu Sea Princess ở Sydney (Úc), thực hiện chuyến hải trình 106 ngày vòng quanh thế giới, đi qua 5 châu lục, 32 quốc gia và 38 cảng biển. Đó là trải nghiệm thật sư tuyệt vời. Có những hôm tàu chạy 6 ngày liên tục trên biển để đến 1 điểm, lúc đó vô cùng háo hức chờ đợi để được đi ra ngoài.

Khoảnh khắc mình nhớ mãi khi làm công việc này là tận mắt thấy kênh đào Panama. Những bài học Địa lý như mở ra trước mắt mình khi được xem cách đưa con tàu khổng lồ qua kênh như thế nào.

Nhiều lần mình muốn nghỉ hẳn ở nhà, tìm một công việc gì đó ổn định hơn, an toàn hơn, được ở gần ba mẹ hơn, nhưng có lẽ cái duyên nợ với đại dương vẫn chưa hết. Mình còn nhiều nơi muốn khám phá.

Chỉ 3 ngày nữa thôi mình sẽ về lại Việt Nam. Hy vọng sau đại dịch này, mọi thứ trở lại bình thưởng để mình có thể viết tiếp những chuyến hải trình trong mơ.