"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt
HHT - Không ít lần, những câu chuyện cảm động trong "Hát mãi ước mơ" khiến các nghệ sĩ lẫn khán giả trường quay đều nghẹn ngào. Cùng điểm lại 5 câu chuyện cảm động nhất trong chương trình đầy tính nhân văn này.

Lên sóng tập đầu tiên vào 26/4/2017, có thể nói Hát Mãi Ước Mơ là một trong những gameshow nhận được sự quan tâm nhiều nhất của khán giả truyền hình bởi tính đời thường và giàu nhân văn của chương trình. Cứ vào mỗi thứ Tư hằng tuần, khán giả lại được chứng kiến những câu chuyện vô cùng xúc động của các thí sinh đến từ mọi miền đất nước. Mỗi câu chuyện đều mang đến cho khán giả những bài học sâu sắc về sự tương thân tương ái, về tình người trong xã hội, mà dù thời gian có qua đi, những câu chuyện đó vẫn sẽ còn đọng lại trong ký ức khán giả.

Câu chuyện thứ nhất: Người bảo vệ già thi hát để chữa bệnh cho bạn, chưa kịp thi thì bạn mất

Mỗi khi nhắc đến Hát Mãi Ước Mơ, khán giả lại nghĩ ngay đến câu chuyện về người đàn ông đi thi hát để chữa bệnh cho bạn, chưa kịp thi thì bạn mất, đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Chú Lý Văn Phước là bảo vệ cho một trung tâm Anh ngữ. Dù cuộc sống chẳng mấy dư dả nhưng chú đi thi không phải cho mình mà vì muốn giúp đỡ người bạn thân lâu năm đang bệnh tật, nằm liệt giường. Nhưng ước mơ giản đơn đó đã không kịp thực hiện khi buổi sáng ê-kíp chương trình đến quay thì chập tối, bạn chú qua đời.

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt ảnh 1

Dù là như thế, chú vẫn quyết định hát cho cô Lý Thị Thu Vân - vợ của người bạn đã mất, tiếp thêm nghị lực để cô sống tiếp.

Mỗi ngày cô Vân rửa chén, dọn nhà cho người ta chỉ được vài chục nghìn. Khi chú mất, cô không có tiền lo hậu sự phải nhờ hàng xóm cho mượn tiền lo đám tang cho chồng. Đến bây giờ số nợ vẫn còn đó, đè nặng lên vai cô. Người phụ nữ lớn tuổi kể lại trong nước mắt: “Hồi chú còn sống, chú vẫn hay nói rằng chỉ có tôi lo cho bà thôi, đến khi tôi mất bà khổ lắm không có ai lo hết”. Cô mơ ước tìm được việc làm kiếm tiền lo cơm nước, cúng kiếng cho chồng. Lời chia sẻ của cô Vân đã khiến Ban giám khảo cũng như khán giả ở đều nghẹn ngào.

Câu chuyện thứ hai: Anh trai 67 tuổi chở hàng thuê thu nhập 50 nghìn đồng/ ngày với ước mơ chữa bệnh tim cho em gái.

Chú Dương Văn Gấm, năm nay 67 tuổi đến từ Vĩnh Long. Ngày xưa, chú cũng có gia đình nhưng vợ chú bỏ đi rồi có chồng khác, người con trai đã hi sinh khi đi bộ đội. Người đàn ông cô độc phiêu bạt lên Sài Gòn nhiều năm nay, hàng ngày làm công quả ở chùa Từ Hạnh kiếm bữa cơm chay qua ngày.

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt ảnh 2

Chú còn nhận chở hàng thuê với mức lương ít ỏi 50 nghìn đồng/ ngày với mong muốn tích góp đưa em gái mắc bệnh tim ở quê đi chữa bệnh.

Em gái của chú là cô Dương Thị Ngọc Phương, ngày ngày đẩy chiếc xe cũ xập xệ đi bán xôi, vất vả là thế nhưng khi chiếc xe hư hỏng nặng cô cũng chẳng có tiền sửa. Tối đến, cô đi phụ rửa tô chén, đắp đổi qua ngày. Hoàn cảnh khốn khó là thế, nhưng trên sân khấu, chú Gấm vẫn chỉ chia sẻ một cách rất nhẹ nhàng, từ tốn khiến bất cứ ai nghe thấy cũng cảm thấy nhói lòng. Tuy là thí sinh phải ra về đầu tiên nhưng chú Gấm đã được giám khảo Trấn Thành gởi tặng 14,2 triệu đồng để cô chú sắm xe mới. “Con tặng chú được chiếc xe thì con cũng tặng được cô chiếc xe” - câu nói của Trấn Thành khiến cả khán phòng cảm thấy ấm lòng.

Câu chuyện thứ ba: Người mẹ mù lòa, ngồi xe lăn thi hát để có tiền làm của hồi môn cho con gái

Một câu chuyện khác cũng đã đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Mẫn - một người mẹ gần 70 tuổi bị khiếm thị, ngồi xe lăn thi hát với mong muốn kiếm tiền làm của hồi môn cho con gái. Bị mất thị lực sau cơn bạo bệnh từ năm 3, 4 tuổi. Tuy mù lòa nhưng cô vẫn không ngại khó một thân một mình lên thành phố kiếm tiền gửi về quê nuôi con. Thế nhưng ông trời dường như quá bất công với người phụ nữ bất hạnh khi cách đây vài năm, một bên chân của cô Mẫn bị đau đã lâu ngày nhưng tiếc tiền không chữa và bị hoại tử, phải cưa bỏ. Trong quá trình chữa trị, cô phải vay mượn khắp nơi rồi trả nợ mãi không hết. 

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt ảnh 3

Tuy nhiên, cô đến với Hát Mãi Ước Mơ chẳng phải hát cho bản thân mình mà hát cho cô con gái thân yêu. 

Kể từ lúc mẹ bị cưa một bên chân, chị Bé Em – một người con gái của cô Mẫn luôn túc trực ở bên chăm sóc mẹ từng chút một. Hoàn cảnh gia đình khiến cô chẳng dám gặp gỡ ai nhưng lý do chính là vì sợ không ai lo cho mẹ. Tuy nhiên cô Mẫn vẫn luôn động viên con gái lập gia đình và thi hát để có tiền làm của hồi môn cho con gái. Tình cảm hai mẹ con khiến mọi người ở trường quay rơi nước mắt. Giám khảo Cát Phượng không ngăn được xúc động và quyết định tặng thêm 14,4 triệu đồng để làm tròn giải thưởng thành 30 triệu đồng khi cô Mẫn dừng chân ở vòng 2 trong sự luyến tiếc của mọi người.

Câu chuyện thứ tư: Người phụ nữ nghèo hát cho ba đứa trẻ mồ côi

Xuất hiện ở tập 9 Hát Mãi Ước Mơ, đây là câu chuyện đầy xúc động về tinh thần tương thân tương ái, hết lòng vì người khác của chị Lê Thị Hà - người phụ nữ có cuộc sống cơ cực nhưng vẫn thi hát để giúp đỡ cho ba đứa trẻ mồ côi, đã rung động trái tim khán giả. Chị đã chia tay chồng 25 năm và ở vậy nuôi con đến giờ. Hàng ngày chị phụ quán phở kiếm sống, sức khỏe ngày càng suy giảm, tay bị viêm cơ và bác sĩ khuyên chị phải phẫu thuật. Thế nhưng chị cho rằng: “Số tiền mổ đó đề dành giúp những người nghèo khác còn hay hơn” và quyết định thi hát cho bà Lê Thị Đào và ba đứa cháu mồ côi cha mẹ. Bà Đào có một người con gái góa chồng qua đời vì căn bệnh ung thư nên giờ đây việc chăm lo cho ba đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn đè nặng lên vai bà ngoại. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Đào bán cà phê ở con hẻm nhỏ sống qua ngày. Không đủ tiền nuôi cháu, bà Đào đành để cho hai đứa cháu lớn đi bán vé số, còn đứa nhỏ thì ở nhà phụ bán quán nước. Nỗi trăn trở của bà Đào: “Tội nghiệp tụi nó không có tình thương của cha lẫn mẹ. Lỡ bà ngoại qua đời tụi nó biết sống với ai?”, cùng lời bộc bạch nhớ mẹ của những đứa trẻ khiến cho cả trường quay xót xa rơi nước mắt.

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt ảnh 4

Sau khi kết thúc phần thi, khi được hỏi về thu nhập, chị nghẹn ngào cho biết mỗi ngày mình kiếm được 50 nghìn đồng và dành dụm từ 10 đến 20 nghìn đồng để góp vào quỹ của một nhóm từ thiện, giúp cho những hoàn cảnh đáng thương ở các bệnh viện. Lời chia sẻ chân thành chủa chị Hà khiến Ban giám khảo đều xúc động. Ngay khi có kết quả chị Hà phải dừng chân ở vòng 2, giám khảo Trấn Thành đã ngỏ lời tặng riêng cho chị 2 tháng lương tương đương 5 triệu đồng. Giám khảo khách mời là ca sĩ Trịnh Thăng Bình cũng gửi tặng chị thêm 3 triệu để chị dùng cho các công việc thiện nguyện trong sự ủng hộ nhiệt liệt của mọi người.

Câu chuyện thứ năm: Cậu bé nghèo với ước mơ làm nghề sửa xe, nuôi bà cố

Là nhân vật được giúp đỡ xuất hiện trong tập 13 của Hát Mãi Ước Mơ, hoàn cảnh éo le của cụ bà 86 tuổi Nguyễn Thị Hai và đứa chắt Phạm Văn Thiện đã đã kéo người xem đến tận cùng của sự xúc động. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Hai sống trong một căn nhà nhỏ xập xệ, dựa khoản tiền trợ cấp và sự giúp đỡ từ hàng xóm.

"Hát mãi ước mơ": 5 câu chuyện cảm động khiến khán giả rơi nước mắt ảnh 5

Còn bé Thiện tuy nhỏ tuổi nhưng đã sớm phải nghỉ học. Từng đi bán vé số rồi bị giựt, kể từ đó, Thiện chỉ ở nhà, ai trong xóm “sai gì làm nấy” để kiếm tiền phụ giúp bà. Tuy còn nhỏ nhưng Thiện bị ám ảnh về chuyện mưu sinh đến mức chia sẻ không muốn đi học mà chỉ muốn làm nghề sửa xe, kiếm tiền lo cho cố khiến Ban giám khảo và khán giả có mặt ở trường quay đều nghẹn ngào. Khi được hỏi lí do tại sao chỉ muốn theo nghề sửa xe mà không phải là một nghề nào khác, câu trả lời ngây ngô “để người ta được về nhà sớm” của Thiện cũng làm những người lớn cảm thấy nhói lòng.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm