Học Văn “ngọt” như Hoàng Thùy Linh hát “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”

Học Văn “ngọt” như Hoàng Thùy Linh hát “Để Mị Nói Cho Mà Nghe”
HHT - “Vũ trụ” văn học đang ngày càng chứng tỏ được sức mạnh lan tỏa khi trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, sân khấu, clip hài được “chế biến” ngon lành hợp với “khẩu vị” teen.

Đâu là giới hạn khi sân khấu hóa tác phẩm văn học?

Trong vai trò diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch, họa sĩ, thiết kế… những giờ Văn đã được teen biến thành cuộc chơi nghệ thuật đầy chất trí tuệ và cảm xúc. 

Cảm nhận một tác phẩm văn học bình thường vốn đã không dễ, chuyển thể nó thành kịch bản trên sân khấu lại càng khó hơn. Không chỉ đầu tư thời gian, công sức, quá trình này đòi hỏi teen phải đào sâu vào kiến thức văn chương, tất nhiên là có sự hướng dẫn của thầy cô bộ môn để vở diễn đi đúng hướng.

Học Văn “ngọt” như Hoàng Thùy Linh hát “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” ảnh 1

"Với sự tư vấn từ giáo viên, chúng mình thường chỉ chọn lọc những chi tiết đặc sắc nhất để dựng thành kịch bản. Làm sao để khán giả vẫn nắm bắt được cốt truyện mà không cần đi sâu đến từng chi tiết nhỏ, lại không quá đặc trưng của tác phẩm" - Bạn Phương Anh (THPT Chuyên Ngoại ngữ) bật mí.

Yếu tố quan trọng nhất giúp một sản phẩm phái sinh từ tác phẩm văn học đạt tới ngưỡng nghệ thuật gói gọn trong từ “chọn lọc”. Bởi một lựa chọn sai lầm có thể tạo hiệu ứng ngược. Như trường hợp xảy ra tại trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM, thầy giáo Phạm Quốc Đ. đã bị kỷ luật khi để học sinh lớp 11 diễn cảnh nhân vật Tám Bính trong tác phẩm Bỉ vỏ bị hãm hiếp. Ở một tác phẩm khác, học sinh của lớp thầy Đ. khi sân khấu hóa tác phẩm văn học lại có trường đoạn cô TuyếtXuân Tóc Đỏ (Số đỏ của Vũ Trọng Phụng) “abc-xyz” với nhau. Theo nhà trường, đây là sự sáng tạo không phù hợp trong giảng dạy, quá táo bạo và không phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Khoác "áo mới" cho văn học bằng ca từ

Không chỉ là những câu chuyện tình lâm ly hay lãng mạn, thời gian gần đây, xu hướng của nhiều MV ca nhạc đó là lấy bối cảnh ở các làng quê mộc mạc và kịch bản được xây dựng dựa theo những tác phẩm văn học Việt Nam. Những MV đình đám như Anh ơi ở lại (Chi Pu), Để Mị nói cho mà nghe (Hoàng Thùy Linh) hay mới đây nhất là Hết thương cạn nhớ (Đức Phúc) đều lần lượt lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học Tấm Cám, Vợ chồng A PhủChí Phèo.

Học Văn “ngọt” như Hoàng Thùy Linh hát “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” ảnh 2

Trong MV Anh ơi ở lại, vẫn là hình ảnh cây cau, cá bống, chim vàng anh... nhưng nhân vật chính được tập trung khắc họa là Cám. Vai phản diện mà nhiều người ghét bỏ khi đọc truyện hay diễn kịch, trong MV này, lại được nhìn ở một khía cạnh mới, đầy đáng thương khi đơn phương theo đuổi tình yêu.

“Tớ thấy chuyện cổ tích được khắc họa trong MV theo cách cực kì mới mẻ, nhưng cũng không quá rời xa nguyên tác. Điều đó khiến người xem MV vừa được giải trí, vừa có cơ hội chiêm nghiệm tác phẩm này dưới nhiều lăng kính khác nhau!” - Bạn Kim Tuyến (Hà Nội) chia sẻ.

Văn chương "ôn cố, tri tân" trong vlog

Ôn cố, tri tân có nghĩa nhắc lại chuyện cũ để hiểu biết hơn về cái mới, đây cũng là xu hướng đang được nhiều vlogger hướng đến và nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của cộng đồng teen.

Minh chứng điển hình chính là sự thành công trên cả mong đợi của 1977 Vlog. Xây dựng kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng như Vợ chồng A Phủ, Lão Hạc, Chí Phèo…, 3 anh chàng chủ xị kênh 1977 Vlog đã “trình làng” những video clip siêu hài hước và dí dỏm, không quên cài cắm nhưng thông tin nóng sốt trong xã hội để clip mang tính thời sự hơn. Tiêu biểu như câu thoại “mảnh đất này đẹp đấy, tao sẽ về bảo bố tao quây hết chỗ này lại rồi lừa bán cho bọn dân bản” (trích video Vợ chồng A Phủ Parody - Vòng xoáy của bạc) chính là nhắc nhớ đến vụ việc công ty bất động sản Alibaba lừa đảo bán đất cho người dân đang gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Học Văn “ngọt” như Hoàng Thùy Linh hát “Để Mị Nói Cho Mà Nghe” ảnh 3

Hiện tượng 1977 Vlog khiến giới YouTuber không khỏi ngỡ ngàng và mơ ước khi chỉ với 3 clip parody tác phẩm văn học, kênh này đã nhận được nút bạc YouTube với hơn 300K lượt subcribes. Điều đó chứng tỏ sức hút của những tác phẩm văn học vốn chưa bao giờ nhạt phai, chỉ là với cách tiếp cận mới lạ và gần gũi với thời đại hơn, chúng mình sẽ có hứng thú để tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tác phẩm.

Tất nhiên, để ấp ủ ra được một vlog chất lượng từ chất liệu văn học, chúng mình không những phải hiểu sâu sắc về tác phẩm đó mà còn phải có kiến thức xã hội, biết biến hóa chi tiết thế nào cho phù hợp, hài hước mà không lố, sáng tạo mà không đi ngược với nguyên tác của nhà văn. Bạn biết không, anh chàng Nguyễn Trung Anh (1 trong 3 “chủ xị” của kênh 1977 Vlog) là biên tập viên nên nắm chắc những thông tin thời sự xã hội, từ đó chọn lọc để lồng ghép trong vlog của nhóm.  

Vậy nên, nếu teen đang nhen nhóm ý tưởng biến hóa tác phẩm văn học dưới những hình thức nghệ thuật khác, đừng quên chúng mình trước hết phải đọc hiểu tác phẩm và luôn tôn trọng bản gốc đó nha!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm