"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"?

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"?
HHT - 11/11 chỉ vừa mới đi qua và để lại chiếc ví tiền chưa kịp hồi sức, Thứ Sáu đen tối đã hứa hẹn ngay một trận “càn quét” khuyến mại với quy mô lớn hơn từ các nhãn hàng, cửa hiệu. Làm sao để sống sót qua tháng đây?

Đại hội “thả thính” mà không ai muốn dính

Đúng với tên gọi “Thứ Sáu đen tối”, thứ Sáu cuối cùng của tháng 11 là ngày mà hội “viêm màng túi” nỗ lực lảng tránh Facebook, Instagram, các trang mua sắm điện tử hay trung tâm thương mại. Lý do siêu đơn giản, dù tín đồ mua sắm có đang trong tình trạng chỉ đủ tài chính cho khoản chi tiêu cần thiết nhất cũng sẽ khó cưỡng lại sức hút của những tấm poster “Sale off up to 50%”, “All-to 30%”... Nhân dịp sự kiện mua sắm lớn nhất năm, các thương hiệu nhanh chóng “thả thính” bằng mức giá hấp dẫn nhất hoặc khởi động chế độ “”Mua 1 Tặng 1, tặng sản phẩm cho hóa đơn giá trị cao.

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"? ảnh 1

Dù vậy, Black Friday không phải là ngày mà chúng mình nên tạm biệt thế giới mua sắm sôi động, vì đây vẫn là một dịp lý tưởng để rinh về những món đồ ao ước với mức giá hời. Theo khảo sát của trang Black Friday Global, trung bình người Việt Nam đã tiết kiệm được 3 triệu đồng cho việc mua sắm online và tại cửa hàng. Vậy nên thay vì né tránh, bạn hoàn toàn có thể tỉnh táo giữa cơn bão shopping và phân biệt “thính” hay “bả”.

- Vẽ bản đồ Black Friday: Nếu không chỉ mua đồ ở một cửa hàng, hãy lên kế hoạch dịch chuyển theo dòng ưu đãi. Việc tổng hợp tất tật các chương trình ưu đãi của cửa hàng từ trước ngày Black Friday sẽ giúp chúng mình không rơi vào tình trạng lạc lối giữa bạt ngàn poster giảm giá và nắm rõ chương trình ưu đãi của shop để cân nhắc chi tiêu hợp lý. 

- “Bắt sóng” xu hướng giá cả: Một bước quan trọng để bạn dễ nhận ra đâu là 50% thật và đâu là 50% giả nè! Không thiếu những trường hợp teen dở khóc dở cười khi giá sau giảm lại ngang bằng hoặc thậm chí là đắt đỏ hơn cả giá trước khi giảm.

Giá rẻ là mua lẹ?

Không hề đúng chút nào! Món đồ trong giỏ chỉ thật sự rẻ khi bạn cần đến nó, vì nếu không thì bạn đang bỏ tiền cho một thứ “chắc ngày nào đó sẽ dùng”. Chúng mình vẫn thường mắc phải thói quen xấu là choáng ngợp trước hàng loạt item hấp dẫn, cảm thấy muốn có chúng ngay lập tức và sẵn sàng thả vào giỏ. Chính điều này đã biến mục đích mua sắm tiết kiệm của ngày Black Friday trở thành mua sắm lãng phí. 

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"? ảnh 2

Bỏ giỏ hàng không ngừng nghỉ sẽ trở thành một vấn đề siêu đau đầu khi teen mình vẫn chỉ có nguồn tài chính hạn hẹp. Bạn Thu Hiền (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tớ đã tự nhắc nhở bản thân là chỉ mua những thứ cần thiết, chẳng hạn như đồ ăn và một ít quần áo thôi. Nhưng riêng chuyện ăn uống thì cũng có rất nhiều sản phẩm, mình cứ nghĩ rằng kiểu gì cũng sẽ ăn nên nhanh chóng nhấn mua, kết quả là đi tong khoản tiền tiêu vặt của tháng”. Vậy nên nếu không thay đổi, ngày hội mua sắm sẽ khiến “quỹ riêng” của hội teen thâm hụt đấy!

- Lên danh sách những thứ cần mua: Một việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng. Danh sách sẽ giúp bạn có đủ những vật dụng cần thiết lại kiểm soát được loạt đồ dùng mình đã mua. 

- Chia các khoản tiền với mục đích chi tiêu rõ ràng: Bỏ riêng một khoản để “càn quét” ngày hội mua sắm, những khoản tiền còn lại sẽ “thức tỉnh” teen mình khi được đính kèm mục đích sử dụng.

- Giữ lại hóa đơn mua sắm: Một mũi tên trúng hai đích, bạn vừa quản lý được chi tiêu của mình, vừa giữ lại cơ hội khi có nhu cầu đổi, trả sản phẩm. Đọc điều khoản đổi trả để nắm rõ cách hoàn lại sản phẩm trong trường hợp sản phẩm bị lỗi nhé, vì thường khi nhanh tay gom đồ thì sẽ không để ý chất lượng mấy đâu!

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"? ảnh 3

Cuộc chiến thể lực phía sau đại hội giảm giá

Các trung tâm thương mại lớm của Hà Nội và TP. HCM “thất thủ” sau mùa Black Friday năm 2018, khu xung quanh nhiều trung tâm thương mại chất kín người và xe. Có người còn phải luồn lách qua khe hành lang, vách ngăn các cửa hàng để thoát khỏi “mê cung” mua sắm. Nhiều nơi bắt đầu xếp hàng từ 7 giờ sáng, trong khi 9 giờ TTTM mới mở cửa. Một số trường hợp cực đoan còn xảy ra xô xát, va chạm trong quá trình xếp hàng hay lựa chọn đồ thanh toán. 

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"? ảnh 4

Số lượng sản phẩm khuyến mãi có hạn, số lượng sản phẩm khuyến mãi đẹp lại càng nhỏ nhoi hơn. Mua sắm trực tiếp mất công xếp hàng, trong khi mua sắm online lại cần sự nhanh tay và may mắn để rinh sản phẩm về giỏ hàng trước giờ sold-out. Vậy nên nếu không chuẩn bị trước đó, bạn có thể phải ra về tay trắng vì không giành được sản phẩm ưng ý.

- Xếp hàng văn minh - lịch sự: Đừng vì một, hai sản phẩm mà gây ra sự chen lấn, xô đẩy và thậm chí là va chạm với người khác nhé! Chúng mình nên xếp hàng sớm để có nhiều lựa chọn mua sắm hơn.

- Tổng hợp khung giờ mua sắm online: Không giống mua sắm trực tiếp, các trang thương mại điện tử thường có từng đợt khuyến mãi chung và bạn phải nhanh tay thanh toán trúng đợt khuyến mãi đó. Một số trang web online của các thương hiệu cũng ghi thời gian áp dụng ưu đãi. 

Bạn Trịnh Dung (Ninh Bình) chia sẻ: “Không chỉ nhanh tay thôi đâu, vẫn phải bình tĩnh để chọn đúng đồ, và đặc biệt không được bỏ quên các mã giảm giá đấy nhé! Mình đã từng lãng phí gần 1 triệu đồng chỉ vì không điền mã giảm giá”.

"Hướng dẫn sử dụng" Black Friday: Làm sao thoát hố "đâm đầu vào sale"? ảnh 5

- Sắp xếp thứ tự mua sắm hợp lý: Ưu tiên các cửa hàng đông khách, sản phẩm nhanh hết như trang phục, thực phẩm cần được đặt lên đầu danh sách mua sắm. Tiếp sau đó là các cửa hàng ít “cạnh tranh” như điện tử, máy móc, vật dụng gia đình... Điều này sẽ giúp chúng mình mua được sản phẩm cần thiết một cách dễ dàng hơn đó!

Chúc teen một mùa Black Friday bội thu!

Theo HOA HỌC TRÒ 1323
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm