Không có giấy khen không có nghĩa là thất bại, nhưng nỗ lực học tập không phải là vô nghĩa

HHT - Đừng biến những lời động viên thiện chí thành mũi dao găm, gây nên tổn thương tới sự nỗ lực không ngừng của những học sinh tự hào với tấm giấy khen của mình.

ĐỘNG VIÊN MỘT HỌC-SINH-KHÔNG-GIỎI
KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ HẠ THẤP TẤT CẢ NHỮNG BẠN CÒN LẠI XUỐNG

Hình ảnh một (vài) cậu bé lạc lõng giữa rừng bạn bè trong lớp ai cũng cầm một tấm giấy khen có lẽ là nội dung "gây bão" nhất nhì những ngày qua.
Không có giấy khen không có nghĩa là thất bại, nhưng nỗ lực học tập không phải là vô nghĩa ảnh 1 Cộng đồng mạng xôn xao vì chỉ có duy nhất một cậu bé không nhận được giấy khen như bạn bè. Ảnh: Internet.
Theo lẽ dĩ nhiên, người ta sẽ bênh vực phe yếu thế giống như việc một số tài khoản mạng xã hội/ trang thông tin khi đăng tấm hình này đã làm mờ mặt bé không có bằng khen và giữ nguyên khuôn mặt các bé còn lại. Bên cạnh những bình luận động viên cậu bé, rằng không có giấy khen cũng không sao, tương lai vẫn còn phía trước thì đâu đó cũng có nhiều người bắt đầu chế giễu "Học giỏi thì chưa chắc sẽ giàu", "Bằng khen cho lắm sau này cũng làm thuê cho đứa không có bằng".
Không có giấy khen không có nghĩa là thất bại, nhưng nỗ lực học tập không phải là vô nghĩa ảnh 2Bình luận so sánh như thế này lại được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Ảnh: Internet
Tấm giấy khen quả thực không phải là "bảo chứng" thành công cho tương lai, việc sau này liệu ai hơn ai cũng chẳng thể kết luận ngay lúc này. Thế nhưng, những bình luận mà người viết nghĩ rằng "hài hước" như thế chẳng khác gì những mũi dao găm thẳng vào tim những học sinh còn lại.
Những lời đao kiếm như ngầm nói với những đứa trẻ rằng, nỗ lực của các em hôm nay, thành tích mà các em đang rất đỗi tự hào thật ra chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời này cả. Nếu bạn là một trong những đứa trẻ đó, thấy hành trình nỗ lực học tập của mình bị phủ nhận, thậm chí bị chế giễu, bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Điểm số chắc chắn không phải là tất cả và động viên những cô bé cậu bé với những phẩm chất cá nhân không thể đánh giá được bằng con điểm ở trường là đúng, là một điều cần làm. Nhưng có lẽ, mọi người đã hơi vô tâm với cảm xúc của những học sinh còn lại.
Giống như trong bộ phim Điên Thì Có Sao (It's Okay To Not Be Okay) đang được quan tâm gần đây, người mẹ có vẻ thiên vị người anh thiểu năng hơn vì anh ở phe "yếu thế", nhưng lại quên mất đứa con trai út - lành lặn, tốt đẹp, luôn bảo vệ và không bao giờ bỏ rơi anh trai mình, cũng khao khát nhận được tình thương. Mọi đứa trẻ đều cần được quan tâm và thấu hiểu, đứa trẻ đạt thành tích tốt hơn hơn không có nghĩa là nó không cần được yêu thương, động viên như đứa trẻ "thiệt thòi". 
Không có giấy khen không có nghĩa là thất bại, nhưng nỗ lực học tập không phải là vô nghĩa ảnh 3
NHỮNG NỖ LỰC PHI THƯỜNG LẠI HAY BỊ NGHI NGỜ, SOI MÓI
Khi điều gì đó trông có vẻ quá hoàn hảo (ví dụ như bảng điểm toàn 9, 10 của một học sinh trường chuyên), nhiều người thường sẽ bắt đầu nghi ngờ về tính chân thực và cố đưa ra những suy diễn tiêu cực về nó. Như là lập luận học sinh trường chuyên là phải học ngày học đêm, phải đánh đổi những năm tháng tuổi trẻ của mình để lấy những tấm bằng, thành tích. Nhưng sự thật có phải là như vậy không?
Bạn Hoàng Linh (cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: "Mình luôn cảm thấy hạnh phúc vì lấp đầy thanh xuân của mình bởi kiến thức và những tấm bằng khen. Dù mình cũng không tài giỏi gì nhưng những thứ đó là minh chứng cho nỗ lực của bản thân mình và mình tự hào vì điều đó. Bênh vực kẻ yếu là tốt nhưng làm ơn đừng giẫm đạp lên niềm vui và sự cố gắng của người khác".
Bạn G.B (Q. Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: "Lúc trước mình cũng dành rất nhiều thời gian để học đội tuyển nhưng mình cảm thấy những gì đạt được là xứng đáng. Mình chẳng phải đánh đổi niềm vui hay "tuổi trẻ" gì cả, vẫn có thời gian tham gia câu lạc bộ và nuôi dưỡng những tình bạn tuyệt vời đến tận bây giờ".
Bởi vậy, xin đừng ai nghĩ rằng để đạt được thành tích như vậy, tất cả mọi người đều phải từ bỏ hạnh phúc, tự do của mình. Đúng là có những đứa trẻ bị ép phải trở nên giỏi giang nhưng cũng có những đứa trẻ tự mình cố gắng vì đam mê, nỗ lực để đạt được thành tích.
VỚI NHIỀU NGƯỜI, PHÁ VỠ NHỮNG GIỚI HẠN HỌC THUẬT
MỚI CHÍNH LÀ "TRÒ CHƠI" THÚ VỊ NHẤT!
Hạnh phúc với một số người là được thoải mái, không gò bó trong khuôn khổ trường học và những con điểm. Nhưng hạnh phúc với một số người khác lại là cố gắng hết mình và được công nhận bởi tấm giấy khen, những phần thưởng, là niềm tự hào không phải ai cũng có được.
Xin đừng ai nghĩ rằng tuổi trẻ chỉ đẹp khi có nhiều thời gian chơi bởi với nhiều người, chinh phục kiến thức mới, phá vỡ những giới hạn học thuật chính là "trò chơi" thú vị nhất. 
Tuổi trẻ, như người ta vẫn nói, là một cơn mưa rào. Cơn mưa khiến bạn ướt, bạn cảm lạnh với áp lực bài vở đến đau đầu, với những lời rầy la của bố mẹ và cả những tình cảm dở dang, thế nhưng đó vẫn là cơn mưa đầu mùa thật đáng quý và đáng nhớ.
Không có giấy khen không có nghĩa là thất bại, nhưng nỗ lực học tập không phải là vô nghĩa ảnh 4 Tuổi trẻ vẫn thật đáng nhớ với hết thảy mọi buồn, vui, giận hờn, áp lực... Ảnh: Phim When we were young
Kết lại, để động viên một học sinh chưa đạt được những điều lớn lao, xin đừng khẳng định rằng "thành tích chẳng là cái đinh gì trong tương lai cả". Đừng biến hành trình nỗ lực của một ai đó thành hạt cát trong đại dương. Đừng so sánh, đừng áp đặt, đừng lấy ví dụ về kẻ làm thuê hay giám đốc.
Hãy thật lòng lắng nghe những khó khăn mà bạn ấy gặp phải, hãy cho bạn ấy động lực để cố gắng hết lòng, không cần lấy tấm giấy khen làm vạch đích, mà chỉ để nhận ra nếu không giỏi ở lĩnh vực này, bạn sẽ luôn còn một con đường khác để thử sức. Sau này nhớ lại, bạn sẽ thấy thanh xuân mình rất tuyệt, sẽ không phải hối tiếc vì mình chưa từng làm điều gì bằng cả khối óc và trái tim.
Còn những bạn học sinh giỏi ơi, các bạn đã vất vả rồi! Thanh xuân đổ mồ hôi, rơi nước mắt của bạn luôn là thanh xuân đẹp đẽ nhất trong trái tim bạn và sẽ không có gì đổi thay hay thay thế được điều đó. Hãy tin rằng bạn xứng đáng và chắc chắn sẽ được đền đáp trong tương lai. Bạn sẽ hạnh phúc - theo định nghĩa của chính mình!
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?