Nguyễn Anh Khôi – Từ “game thủ” đến đại kiện tướng cờ vua Sea Games

Nguyễn Anh Khôi – Từ “game thủ” đến đại kiện tướng cờ vua Sea Games
HHT - Nguyễn Anh Khôi - chàng trai 17 tuổi đúng chuẩn “con nhà người ta” cũng là chủ nhân tấm huy chương Đồng môn Cờ vua tại SEA Games 30.

Trở lại với cuộc sống học đường tại trường Phổ thông năng khiếu, Khôi chia sẻ những trải nghiệm thú vị trên đấu trường 64 ô đen trắng.

Hồ sơ nhân vật:

- Sinh năm 2002, học sinh trường Phổ thông năng khiếu - Đại học quốc gia TP.HCM.

- Vô địch thế giới cờ tiêu chuẩn cấp độ U10 (2012) và U12 (2014).

- Được phong tặng danh hiệu Đại kiện tướng cờ vua vào năm 17 tuổi.

- Đạt Huy chương Đồng nội dung cờ nhanh môn cờ vua SEA Games 30.

Nguyễn Anh Khôi – Từ “game thủ” đến đại kiện tướng cờ vua Sea Games ảnh 1

Niềm hạnh phúc khoác lên mình màu cờ sắc áo Việt Nam

Năm 2019, Anh Khôi như một “quân mã” của làng cờ vua Việt Nam khi liên tục chinh phục những mục tiêu trải rộng khắp các đấu trường trên thế giới. Kỳ thủ trẻ ghi dấu ấn tuổi 17 bằng danh hiệu “Đại kiện tướng” do Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) trao tặng và đặc biệt là kết thúc năm bằng tấm huy chương đồng đầy ngọt ngào đại diện cho Việt Nam ở sân đấu cờ nhanh cấp khu vực.

 “Khi nghe tên mình cùng hai tiếng Việt Nam được xướng lên bục nhận huy chương, tớ cảm thấy tự hào vô cùng vì đã góp công nho nhỏ vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam.

Đối với tớ, huy chương đồng ở kỳ SEA Games 30 vừa qua có ý nghĩa rất lớn. Dù đã đạt được nhiều huy chương trong các giải đấu quốc tế nhưng đây là lần đầu tiên tớ giành được huy chương trong một kỳ đại hội thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, tấm huy chương này khiến tớ tự tin hơn nhiều vì các đối thủ trong giải là các kỳ thủ mạnh, luyện tập chuyên nghiệp, trong khi đó tớ phải vừa luyện tập cờ vừa học văn hóa, trước khi đánh giải còn bị bệnh nặng nên phải uống thuốc nhiều, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thi đấu và quá trình tập luyện. Việc tớ vượt qua nhiều kì thủ và giành huy chương đồng chứng tỏ tớ vẫn giữ phong độ tốt dù điều kiện không thuận lợi”.

Từ “Gamer” đến “Grandmaster*”

“Tớ bắt đầu chơi cờ vua lúc 6 tuổi. Lý do là vì gia đình thấy tớ... ghiền chơi điện tử quá nên đâm lo, cho tớ học thêm cờ vua để tách tớ khỏi màn hình máy tính. Ban đầu thì cả nhà chỉ xác định là tớ chơi cờ vua chỉ thuần túy giải trí cho vui. Khi học ở câu lạc bộ được ít lâu thì gia đình quyết định cho tớ thử sức ở các giải đấu nhỏ. Thi đấu thành công nên tớ được thử sức ở các đấu trường lớn hơn, tới tầm quốc gia và sau đó tới quốc tế. Tớ tiếp tục tập luyện và thi đấu để đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Thực ra tớ không coi mình là vận động viên chuyên nghiệp. Vận động viên chuyên nghiệp theo tớ là dồn hết sức cho môn cờ, tớ vẫn coi việc học là chính còn cờ vua chỉ là phụ, nên vẫn chưa hẳn là kỳ thủ chuyên nghiệp.”

Nguyễn Anh Khôi – Từ “game thủ” đến đại kiện tướng cờ vua Sea Games ảnh 2

Lớn lên từ những áp lực

“Tớ phải chơi tốt, vì nếu chơi tệ thì ai cũng biết”

“Hồi mới vào cờ, tớ nghĩ cờ vua chỉ là trò chơi của con người. Tham gia thi đấu quốc tế rồi, tớ mới biết là máy tính cũng biết chơi cờ nữa, và đánh mạnh hơn người rất nhiều. Bên cạnh đó, người xem có thể lên mạng coi trực tiếp diễn biến của ván cờ và có luôn cả máy tính phân tích nước đi của kỳ thủ là tốt hay không. Ở một số giải quốc tế lớn, tớ còn thấy có các bàn cờ điện tử.

Biết được việc truyền trực tiếp và có máy tính phân tích, tớ cảm thấy áp lực phải chơi tốt, vì nếu chơi tệ thì ai cũng biết, kể cả người mới biết chơi cờ.

Cũng từ đó, tớ biết là con người thì ai cũng có lúc mắc sai lầm nên tớ học cách kiềm chế áp lực sinh ra từ chính mình”.

Không bao giờ từ bỏ, tất cả chỉ là thử thách

“Chắc chắn là bên cạnh những lần thi đấu xuất sắc, đạt thành tích cao thì cũng có lúc tớ thi đấu không tốt, có thể là chỉ trong một ván cờ hay cả một giải đấu. Những lúc thi đấu kém, không đạt được kết quả tốt trong một ván cờ hay thành tích mong đợi, tớ đều cảm thấy buồn nhưng luôn tự nhủ phải cố gắng rút kinh nghiệm và thi đấu tốt ở ván đấu hoặc giải đấu sau.

Thật sự có những giai đoạn tớ thi đấu không thành công, không gặt hái được gì nhiều đã có lần tớ tính đến việc bỏ môn cờ để tập trung học hành. Thế nhưng có ba mẹ luôn nhắc nhở tớ rằng từ đầu tớ đến với cờ vua là một môn thể thao lành mạnh, để cải thiện khả năng tư duy của bản thân chứ không phải chuyện thắng thua thi đua giải thưởng. Vậy nên tớ vẫn duy trì chơi cờ bên cạnh chuyện học văn hóa ở trường, chỉ cần bản thân giữ vững cách tư duy, suy nghĩ của mình, thì mọi thử thách cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Nguyễn Anh Khôi – Từ “game thủ” đến đại kiện tướng cờ vua Sea Games ảnh 3

“Bỏ túi” bí kíp chuẩn “con nhà người ta”

Mặc dù luôn bận rộn với việc luyện tập cờ vua song Anh Khôi vẫn duy trì được thành tích học tập rất tốt ở trường. Bí kíp được bạn chia sẻ không ở đâu xa mà chính là khả năng “tận dụng” thời gian rảnh để học bài trên trường và luyện tập bộ môn thi đấu. Đối với Khôi, từ khóa nằm ở việc quản lý thời gian hiệu quả, sử dụng tối đa quỹ thời gian của mình. Việc thường xuyên ra nước ngoài thi đấu cũng được bạn “tận dụng” để mang theo sách vở học bài, quyết tâm chinh phục cánh cổng đại học và ước mơ bác sĩ tương lai.

*Grandmaster: Đại kiện tướng

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG
Học sinh trường Tiểu học Tràng An tham gia màn đồng diễn xác lập kỷ lục Việt Nam
Học sinh trường Tiểu học Tràng An tham gia màn đồng diễn xác lập kỷ lục Việt Nam
HHT - Ngày 18/3, trường Tiểu học Chất lượng cao Tràng An (Hà Nội) tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên - Xác lập kỷ lục Việt Nam” chào mừng kỷ niệm niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024); 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Có thể bạn quan tâm