Sai phạm điểm thi ở Sơn La: Hệ lụy sau lời kết tội vội vàng của những “tòa án ảo”

Sai phạm điểm thi ở Sơn La: Hệ lụy sau lời kết tội vội vàng của những “tòa án ảo”
HHT - Không thể bao biện cho những sai phạm điểm thi nghiêm trọng ở Sơn La, nhưng thật không công bằng khi “con sâu làm rầu nổi canh” mà nhiều người “vơ đũa cả nắm”, chẳng cần biết điểm thật hay mua, cứ mang mác Sơn La là auto “ném đá”…

Những ngày qua là thời điểm không hề “dễ thở” với các bạn học sinh, phụ huynh và những người làm trong ngành giáo dục nước nhà. Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia liên tiếp bị phơi bày. Chỉ cần gõ vài từ khóa liên quan trên Google như “gian lận thi cử”, “nghi vấn điểm thi”,… sẽ có hàng trăm tin tức, bài báo phản ánh hiện ra. Riêng với vụ sai phạm điểm thi ở Sơn La, kết quả rà soát điểm thi cho thấy có 12 bài thi Văn được nâng từ 1 đến 4,5 điểm, hàng chục phiếu trắc nghiệm có dấu hiệu tẩy xóa.

Nhưng có công bằng không, nếu chỉ vì phát hiện một số bài thi có sự tác động để thay đổi kết quả ở Sơn La, mà chúng ta quy chụp rằng tất cả những bạn đạt điểm thi cao của tỉnh này, đều là do “mua bán”, “đổi trắng thay đen” mà có?! Câu chuyện về Lò Mạnh - một thí sinh Sơn La đạt 27 điểm thi THPT Quốc gia - người cũng đang nằm trong “cơn bão” auto chửi của cộng đồng mạng những ngày qua sẽ đưa đến một góc nhìn khác, nhân văn hơn, để chúng ta thấy rằng đừng vội “vơ đũa cả nắm” hay phán xét ai chỉ vì hùa theo phong trào trên mạng xã hội. Câu chuyện này được đăng tải trên Facebook Tô Lan Hương và hiện đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ dân mạng:

“Tối nay, khi tôi gọi điện trò chuyện với Lò Mạnh, một thí sinh điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ở Sơn La, Mạnh không nghe máy. Em nhắn: “Chị nhắn tin đi. Vì em đang ở công trường, ở đây ồn lắm, không nghe điện thoại được”.

Lúc đó, Mạnh đang ăn tối cùng với các chú bác ở công trường sau một ngày lao động mệt nhọc.

Trong cơn bão gian lận điểm thi ở Sơn La, Mạnh không có thời gian lo lắng. Em đi làm phụ hồ để kiếm thêm tiền, chờ giấy báo nhập học của trường Đại học Luật - Khoa Luật Kinh tế mà em đăng ký NV1. 

Mạnh là người dân tộc Thái ở Thuận Châu - một huyện nghèo ở Sơn La. Bố mẹ làm nông dân. Nhà rất nghèo vì không có ruộng đất. Bố em đi làm thuê mỗi ngày để kiếm tiền mua gạo. Nhưng Mạnh khao khát học đại học. Bố em cũng hứa nếu em đỗ đại học thì sẽ tìm mọi cách cho em đi học. 

Mấy tháng trước ngày thi tốt nghiệp, Mạnh treo avatar “Đỗ Đại Học” để thể hiện quyết tâm của mình. Kết quả tốt nghiệp của Mạnh khá cao. Địa 9, Sử 8.25, Văn 7. Cả điểm ưu tiên các loại, em được 27 điểm.

Sau khi vụ bê bối thi cử nổ ra ở Sơn La, Mạnh vẫn rất hồn nhiên viết đôi lời tâm sự lên một diễn đàn. Em hỏi: “Nên học gì để sau này dễ xin việc ạ? Điểm của em là 27 điểm (đã tính cả điểm ưu tiên) . Nhưng nhà em nghèo lắm, không có tiền xin việc”.

Kết quả thi của Mạnh bị chỉ trích và mỉa mai chỉ vì người ta thấy em là học sinh tỉnh Sơn La.

Và lập tức có một cơn bão những lời thoá mạ rơi vào đầu em, chỉ vì họ thấy mục thông tin cá nhân trên Facebook, Mạnh ghi rõ em là người Sơn La. Họ nói điểm cao thế này chắc chắn chạy điểm. Và họ chửi bới, và họ cười chê, và họ... Bạn bè Mạnh vào thanh minh cho Mạnh, bảo đừng hiểu sai Mạnh. Nhưng họ vẫn chửi.

Họ không biết rằng mấy tháng trước khi thi tốt nghiệp, cậu bé người Thái này đến tiền photo tài liệu ôn thi cũng không có, phải ra quán photo khất nợ và hẹn “cuối năm lấy tiền học sinh giỏi tỉnh sẽ trả”. Và giờ Mạnh đang đi làm thuê miệt mài, để tích lũy từng đồng, vừa trả nợ tiền photo, vừa dành tiền vào đại học.

Tôi hỏi: “Em có sợ kết quả chấm thẩm định sẽ hạ điểm bài của em không?”. Em bảo em không sợ. Vì hôm đi thi em cẩn thận ghi lại hết đáp án các môn thi trắc nghiệm em làm, và điểm hoàn toàn trùng khớp. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người bất chấp, chỉ càn thấy em điểm cao, thấy em là thí sinh ở Sơn La là chửi.

Không như mọi người, Mạnh không để tâm nhiều đến kết quả chấm thẩm định sắp tới. Em lo việc khác hơn: lo kiếm càng nhiều tiền càng tốt để có tiền đi học đại học; lo nỗi lo liệu gia đình em sẽ trụ được bao lâu, nếu em học đại học? 

Thế nên dù đã nói, tôi vẫn muốn nói lại một điều: Mong các bạn, khi đấu tranh cho sự công bằng hãy tỉnh táo và lý trí. Không phải đứa trẻ nào điểm cao cũng là chạy điểm, không phải đứa trẻ nào cũng là con ông cháu cha, ko phải đứa trẻ nào cũng là con nhà giàu. Tụi nhỏ không có lý do gì bị đối xử như đang bị đối xử!”.

Khi dân mạng auto chửi mà không cần biết thực hư câu chuyện, cũng chẳng quan tâm lời nói của mình có thể làm tổn thương người khác.

Ngay dưới bài chia sẻ cũng có rất nhiều bình luận bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc này. “Xã hội mình mắc bệnh lên đồng tập thể mà, người ta trốn sau bàn phím mồm mép thoá mạ người khác ra bộ ảnh hùng. Mong là các cháu vững tâm, "những gì ko giết đc mình thì sẽ làm mình trưởng thành hơn", cố gắng lên!” - FB N.H.L viết.

“Xã hội bây giờ nhiều anh hùng bàn phím và cách viết được nhiều người khuyến khích là khích bác, làm tổn thương người khác một cách dễ dàng. Mong các con ở Sơn La vượt qua khó khăn như các con đã cố gắng bao năm nay! Thương các con vô cùng!” - FB T.H chia sẻ.

“Hậu bối Luật Kinh tế cố lên em! Bây giờ tất cả các em học sinh ở phố núi auto bị gắn mác chạy điểm, trg khi đó chỉ là một nhóm, từ trước Sơn La cũng có người học giỏi nổi tiếng đi thi cả trong và ngoài nước, giờ bị mang tiếng hết rồi. Có trách, trách người lớn tự hại các em thôi” - FB Đ.C bình luận.

Khi mạng xã hội bùng nổ, ngày càng nhiều người tự cho mình cái quyền lập “tòa án ảo” để phán xét người khác, thì mỗi chúng ta, khi nhận sự việc nào cũng cần có thái độ khách quan, tránh cực đoan mà “vơ đũa cả nắm”. Chuyện gian lận thi cử ở Sơn La cũng vậy, đâu thể chỉ vì những trường hợp cá biệt nào đó, mà ta mất niềm tin vào những bạn học sinh trung thực và luôn nỗ lực hết mình, đúng không?

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm