Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng?

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng?
HHT - Họ có hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội. Họ có thu nhập khiến ai cũng mơ ước. Họ nổi tiếng và có ảnh hưởng đến nhiều người. Đó là tất cả những gì mà mọi người thưỡng nghĩ khi nói về các streamer…

Đời không như là mơ

Khi mạng xã hội lan tỏa vào mọi ngõ ngách cuộc sống, phương thức tiếp thị thông qua những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nổi lên như một kênh quảng bá hiệu quả, nhanh chóng so với các phương thức truyền thống khác. Theo một khảo sát, Việt Nam là quốc gia tương tác với mạng chia sẻ hình ảnh YouTube nhiều thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh, tính cả theo thời gian và số lần. Đó là lý do mà streamer nổi lên như một công việc thời thượng và đầy hấp dẫn.

Theo đó, streamer là những người làm công việc bình luận trò chơi qua nền tảng mạng xã hội video hoặc phát trực tiếp qua kênh cá nhân của họ. Ban đầu, streamer không được xem là một công việc nghiêm túc. Nguồn thu nhập của các streamer thường đến từ số lượt xem video của họ. Ngoài ra, họ còn có thu nhập từ quảng cáo, nhà tài trợ.

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng? ảnh 1

Mọi người thường nghỉ công việc của streamer chỉ đơn giản là ngồi trước màn hình máy tính và nói liên tục nhưng hoàn toàn sai nhé. Cô nàng hot streamer Misthy kể: “Mình bắt đầu ngày làm việc từ rất sớm. Thường vào các buổi sáng, mình sẽ đi quay nếu như có lịch quay. Sau đó, mình về studio ở công ty để stream. Thời gian mỗi ngày hiện tại của mình đều khá kín và cũng căng nữa. May mắn mình có những người bạn đồng hành trong công ty, mọi người giúp mình sắp xếp lịch trình công việc sao cho hợp lí nhất. Khi stream, mình nghĩ trước một cái sườn chung gồm những ý chính trong buổi stream cần phải có. Còn về phần ý tưởng, thông thường sẽ không đến từ một mình, mà cả team mình ở công ty sẽ ngồi họp để thảo luận và thống nhất”.

Còn với PewPew thì thế giới đang thay đổi liên tục. Phải có lý do nào đó mà thế hệ trẻ thích xem video và stream hơn. Ví dụ điển hình nhất là nhìn vào cách ngành thể thao điện tử thay đổi trong 10 năm trở lại đây. Ở Asian Games 2018 Jakarta Palembang, các quốc gia thi đấu game với nhau để giành huy chương. Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We Are Social, tổng số người dùng Internet ở Việt Nam đạt 64 triệu người tính đến đầu năm 2018.

Đó quả là một thị trường khách hàng tiềm năng và còn tiếp tục rộng mở trong tương lai. Dẫn đến việc nguồn thu của các streamer cũng hấp dẫn hơn, lên đến 7 chữ số. Nhưng theo CEO của Creatory - Jay Jin cho biết: “Hiện tại, thị trường influencer (người có sức ảnh hưởng) mới chỉ chớm nở ở Việt Nam, nên chỉ có một số nhỏ influencer/ streamer mới có thể kiếm được thu nhập tốt”.

Chỗ đứng của streamer trong thời đại 4.0

Hiện tại, ngoài Creatory là công ty quản lý của nhiều streamer nổi tiếng như PewPew, Misthy, Woossi, Vannie, Banana, Fanny. Còn có nhiều tên tuổi streamer tự thân lo từ A to Z cho công việc của mình như ViruSs, Cris. Không phải ai cũng có thể ngồi vào máy tính và trở thành một streamer.

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng? ảnh 2

Ngoài khả năng dẫn dắt câu chuyện, các streamer còn biết kỹ năng xử lý tình huống trước webcam, hiểu được thị hiếu của hàng triệu người follow, lên kế hoạch đường dài và xây dựng chuỗi show online mới. Với một streamer độc lập sẽ có nhiều khó khăn hơn nhưng được tự do quyết định công việc. Còn khi gia nhập công ty quản lý, các streamer hầu như được cung cấp số liệu nghiên cứu thị trường, được xây dựng kế hoạch đào tạo.

Một báo cáo của Google cho thấy 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Anh Sơn Lê - Influencer Marketing Manager của AnyMind Group đánh giá: “Cộng đồng streamer hiện nay rất biết nắm bắt thời cơ khi họ biết rằng Facebook, YouTube và các mạng xã hội khác đang hỗ trợ và khuyến khích rất nhiều cho các bài đăng với định dạng video nhằm níu chân người dùng, người xem. Vì vậy streamer cũng đang là một trong những mảnh đất mới để các nhãn hàng đầu tư vào đó”.

Lượng follow mà streamer có được mang đến rất nhiều lợi ích cho các hoạt động cá nhân. Tuy nhiên, nó sẽ là con dao hai lưỡi nếu streamer “bẻ hướng” khác với định vị ban đầu. PewPew nói: “Dự định ban đầu của mình là làm streamer kiếm tiền, nuôi sống bản thân, chăm sóc bố mẹ. Đến bây giờ, mình làm gì thì đó vẫn là mục đích ban đầu đấy, kể cả có làm streamer hay nghề khác, mình rất là dễ chịu trong chuyện đấy. Chuyện biết đến mình là streamer hay không thì với mình nó không quá quan trọng. Mình vẫn làm công việc của mình thôi. Khán giả yêu quý mình vì đấy là mình. Đó là góc nhìn của mỗi người, chỉ cần mọi người cảm thấy vui vẻ, tích cực khi thấy mình là được rồi”.

Hiện nay, nguồn thu từ các streamer đến từ quảng cáo. Điều này đặt ra cái khó là cân bằng sự sáng tạo của streamer và yêu cầu của khách hàng quảng cáo. Các streamer phải cân bằng 2 yếu tố đó như thế nào để không ảnh hướng đến sự sáng tạo. Misthy bày tỏ, khách hàng tìm đến streamer vì cá tính của riêng họ. Ngoài những yêu cầu về quảng cáo, thông thường khách hàng vẫn để cho các streamer thoải mái bung xõa. Riêng Misthy, cô nàng hiện vẫn cố gắng cân bằng điều này bằng cách thực hiện thật nhiều content của riêng mình mỗi ngày.

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng? ảnh 3

Rộng đường vào showbiz hay không?

Gần đây, một số streamer như MisThy, PewPew hay Fanny có những hoạt động liên quan đến showbiz Việt nhiều hơn. Các streamer đa phần chỉ nổi tiếng trong cộng đồng nhất định, gắn vào hướng đi showbiz thì tên tuổi sẽ đại chúng hơn. Cũng theo ông Jay Jin cho biết: “Thuật ngữ showbiz cần được định nghĩa lại, vì tôi tin rằng, những gì chúng tôi đang làm hiện tại cũng là hoạt động showbiz. Dự báo về mô hình truyền thông mới trong 3 năm tới, các talents đến từ showbiz online có thể sẽ nổi tiếng hơn các ngôi sao đến từ showbiz truyền thống”.

Như Pew Pew, Misthy liên tục tham gia các gameshow truyền hình, đóng MV và sắp tới rất có thể sẽ đóng phim. Còn ViruSs được biết đến là người đồng sáng tác bản hit đình đám Thằng Điên cũng bắt nguồn từ ý tưởng khi stream. Rồi streamer Fanny cũng sắp chính thức ra mắt sản phẩm âm nhạc.

Misthy nhận định: “Theo mình, những công việc liên quan đến showbiz sẽ có nhiều khó khăn hơn là làm một streamer. Vì đây cũng là lần đầu tiên mình tiếp xúc với nó. Hiện tại, mình cảm thấy công việc streamer dễ dàng hơn. Khi tham gia các hoạt động giải trí, mình vận dụng được kỹ năng giao tiếp, vì vốn dĩ mình cũng đã quen với việc trò chuyện cùng các bạn trong lúc mình stream, nên về khoản làm VJ, mình đỡ rụt rè hơn một chút. Khi ở trên stream, mình có thể thoải mái nói chuyện. Nhưng khi tham gia các hoạt động showbiz, mình cần biết tiết chế và cẩn trọng lời ăn tiếng nói của mình hơn, cũng như biết mình đang ở đâu, đang làm gì”.

Bạn đọc Phương Vi (Quận 10, TP.HCM) cho biết: “Mình thích xem các streamer vì họ đang nói chuyện đúng đề tài mình thích. Cách họ nói gần gũi và thậm chí thẳng thắn. Hiện nay, các streamer cũng tạo nhiều show online của riêng mình để người xem có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng gần đây các streamer có vẻ “thân thiện” hơn khi reaction các sản phẩm nên bớt hấp dẫn rồi”.

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng? ảnh 4

Giữ chất riêng là câu chuyện người ta hay đề cập nếu một người đã quen với một loại hình rồi lại bước sang một loại hình mới. Pew Pew lại nghĩ khác: “Thật ra, hai vai trò này rõ ràng là khác nhau rồi. Streamer là bạn làm những nội dung trực tuyến ở trên mạng trực tiếp. Còn ở trên truyền hình, đa phần gameshow đã được ghi hình trước và được cắt ghép, chỉnh sửa thành một thời lượng nhất định. Khác ngày xưa là lẽ hiển nhiên nhưng khác theo hướng tích cực, khác theo hướng trưởng thành”.

Những kênh kiếm tiền chủ yếu của những streamer

Người theo dõi trên YouTube (Subscribers)

Dễ dàng có thể thấy được streamer nào HOT, kiếm tiền càng khủng thì lượng Subscribers trên YouTube sẽ càng lớn. Nhiều subscribers đồng nghĩa với nhiều view, càng nhiều view, độ nổi tiếng của video càng tăng và tiền kiếm được theo điều khoản hợp đồng đối tác với YouTube cũng tỉ lệ thuận theo. Có một nguồn tin là PewPew có thể kiếm từ 10.000 - 20.000 USD mỗi tháng từ kênh YouTube của mình.

Quyên góp (Donation)

Sau subscribers thì donation là nguồn thu nhập lớn thứ hai của các streamers. Tùy vào độ hâm mộ và yêu thích dành cho các streamer cũng như chất lượng video của họ được đánh giá tốt và có độ hài lòng cao, người xem có thể hào phóng "donate” (quyên góp) tiền theo link đính kèm để hỗ trợ họ có thêm nguồn lực phát triển kênh hơn nữa, phục vụ cộng đồng mạng.

Thế giới đằng sau chiếc webcam của các Streamer có thực sự hào nhoáng? ảnh 5

Hợp đồng quảng cáo

Streamer là người của cộng đồng và được đông đảo người hâm mộ luôn theo dõi những video và kênh livestream của chính mình. Vì vậy không lấy làm lạ khi nhiều nhãn hàng lớn sẽ lựa chọn streamer hay các mạng xã hội của họ để quảng cáo sản phẩm. Việc liên kết với các nhãn hiệu khác, đứng tên đại diện quảng cáo giúp các hot streamer có được nguồn thu nhập đáng mơ ước không kém cạnh gì những người trong showbiz Việt.

Stream trên các mạng xã hội mới 

Ngoài Facebook và YouTube, giờ đây những streamer có thể hợp tác với những nền tảng stream mới bùng nổ ở thời điểm hiện tại để “nhận lương" từ đó. Streaming không còn là cuộc chơi của những ông lớn. Chỉ cần một chiếc webcam, laptop cấu hình tương đối và kết nối Internet là bất kỳ ai có thể trở thành một streamer tập sự qua các platform streaming nổi tiếng độc quyền khác với mức lương cao hơn rất nhiều so với stream trên YouTube.

Theo Trích HHT 1283
MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm