Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học

Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học
HHT - Sau khi những khoảnh khắc “tay đôi” của cô giáo K.T bị đưa lên mạng và nhiều người phản đối, cô vẫn không “chịu thua” và liên tục có những buổi livestream để khẳng định rằng “Một khi học sinh không hãi thì chúng nó sẽ không học”.

Clip lời qua tiếng lại giữa cô giáo K.T của trung tâm Anh ngữ MST và học sinh đã nhận nhiều sự quan tâm từ người dùng mạng. Không chỉ là một phút giây mất kiểm soát trong ngôn từ, cô K.T đã khẳng định tôn chỉ giáo dục của mình là “phải làm cho học sinh sợ” thì các bạn í mới chịu “dùi mài kinh sử”.

Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học ảnh 1

Dán 100K lên trán để... học tốt hơn?!?

Nếu như các bạn thường bắt gặp hình ảnh giáo viên khẽ tay hay mắng nhiếc khi không làm đủ bài tập về nhà như một hình thức răn đe, trách phạt, thì ở Trung tâm Anh ngữ MST (Hà Nội), học viên phải đóng 300K “chăm chỉ phí”. Nếu mỗi lần không làm bài tập về nhà, không đi các lớp ngoại khoá hoặc không viết bài báo cáo… là coi như mất 100K.

Sau khi những khoảnh khắc “tay đôi” của cô giáo K.T bị đưa lên mạng và nhiều người phản đối, cô vẫn không “chịu thua” và liên tục có những buổi livestream để khẳng định rằng “Một khi học sinh không hãi thì chúng nó sẽ không học”.

K.T còn cho biết thêm: “Đây là tiền để cam kết thái độ học. Nếu sợ mất tiền thì dán 100K lên trán để mà học! Nghĩ đến nó thì làm bài đi”. Sau lời giải thích đó, thậm chí, còn có nhiều người cho rằng cô rất tâm huyết với học trò, phải cứng rắn như vậy thì học sinh mới tốt hơn được.

Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học ảnh 2

Phương pháp dạy học từ sự răn đe vốn tồn lại lâu nay, lại còn nhận được sự ủng hộ của không ít thầy cô, phụ huynh. Một cô giáo một trường chuyên tại TP.HCM từng nổi tiếng khắp mạng xã hội với câu nói: “Giáo viên càng nhân nhượng, học sinh càng lấn tới!”. Không phản đối nhận định trên, cô Nghiêm Lê (Quận 2, TP.HCM) cũng bỏ phiếu đồng ý cho hội “thương cho roi cho vọt”: “Có những đứa trẻ mà càng nói ngon nói ngọt, chúng nó càng lộng hành như… giặc! Không hù không đánh thì càng ông tướng bà hoàng càng hư thôi!”.

Bạn Nho Khoa (TP.HCM) kể: “Khi còn học mẫu giáo, tớ bị cô giáo bắt mặc váy, sợ đến nỗi không dám tới trường. Vào tiểu học thì tớ thấy cảnh các bạn nếu không làm bài tập về nhà sẽ phải nằm lên bàn và nhận liên tục 5 cây roi gỗ vào mông, có khi gãy cả cây và mông chảy máu. Lên cấp Hai, cấp Ba thì hình phạt là những điểm trừ tạo áp lực, bị phụ huynh mắng chửi… Thành ra tụi mình phải lao vào học, học, học trong những nỗi sợ hãi. Nhiều bạn quay cóp, gian lận khi làm bài thi cũng là do sợ”. Vô hình trung, chúng ta học là vì sợ hãi, chứ không phải học là cho bản thân mình.

Đi tìm nỗi sợ thực sự

Teen mình đang sống trong một môi trường học tập ngập tràn sự lo lắng và sợ hãi: Sợ bị ăn đòn, sợ bị đuổi ra khỏi nhà, sợ bị bố mẹ tước đi những đồ vật yêu quý và cấm cửa, sợ thua kém bạn bè… Nhưng có một điều quan trọng là, chúng ta không được dạy phải sợ những điều thực sự ảnh hưởng tới mình.

Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học ảnh 3

Một học sinh nếu bị phạt 100K sẽ chỉ sợ mất tiền mà làm bài tập, nhưng điều cần sợ là việc học dở sẽ ảnh hưởng như thế nào tới bản thân. Nếu bạn học không giỏi tiếng Anh, bạn nên sợ mình sẽ không giao tiếp được với người bản xứ, dẫn đến việc thất nghiệp hay đánh mất cơ hội của mình, chứ không phải sợ con điểm trên giấy sẽ khiến bố mẹ “xử đẹp” mình.

Nhiều bạn sẽ nói rằng “đôi khi sợ hãi cũng là một động lực”. Nhưng nếu tiếp tục học cùng nỗi sợ hãi, bạn sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường. Theo trang Everyday Health, mỗi khi bạn sợ vì bị mắng, cơ thể sẽ tiết ra chất cortisone. Chất này sẽ khiến bạn mắc hàng loạt các bệnh như béo phì, tiểu đường, bệnh thận, lao phổi... Bên cạnh đó, theo trang Livestrong, nếu học trong sợ hãi, bạn cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiêu hóa. Đó là lý do mà mỗi khi trả bài, bạn đều thấy chột dạ và tim đập nhanh.

Nguy hiểm hơn là học trong nỗi sợ sẽ khiến bạn mất định hướng. Bạn chỉ học vì sợ những deadlines dí sát đít và nếu không có một ai đó hối thúc, đe nạt, bạn sẽ chẳng làm được gì. Kết quả là cuộc đời bạn bị phụ thuộc vào những người đề ra hạn chót để bạn học tập.

Theo trang Taking Charge, việc học trong nỗi sợ sẽ không chỉ làm bạn giảm trí nhớ, học mãi không biết nhiều hơn mà còn làm bạn tự ti hơn, lâu ngày dẫn đến trầm cảm.

Trường học thân thiện: Cùng thế hệ Z tháo gỡ “quả bom sợ hãi” trong lớp học ảnh 4

Nói không với việc nuôi dưỡng nỗi sợ

Bạn có đang bức xúc rằng mình không còn cách nào khác, vì nền giáo dục này đã là như vậy rồi? Thực ra, người quyết định phương pháp dạy học bằng nỗi sợ có được tiếp tục áp dụng hay không không phải do thầy cô hay phụ huynh, mà chính là từ bạn.

Nếu không đồng lòng với cách dạy của cô giáo K.T, bạn có thể chọn một trung tâm khác. Tại sao biết cô sử dụng những phương pháp gây ra căng thẳng mà chúng ta vẫn tin tưởng và đăng ký. Thay vào đó, nếu bạn không đồng tình và thể hiện quan điểm bản thân bằng cách lên tiếng đấu tranh tới cùng, không ai có thể hù dọa bạn nữa!

Trên trang Youaremom.com có một xu hướng dạy con được ưa chuộng là “Không dạy con nghe lời”. Các bà mẹ trong cộng đồng này cho rằng việc vâng lời bắt nguồn từ sự sợ hãi phải chịu những hậu quả khôn lường, chứ không từ sự tôn trọng hay hiểu chuyện. Vậy nên thay vì dạy con vâng lời, một hội nhóm đông những phụ huynh đang dạy con cách lên tiếng phản bác và nói lên chính kiến.

Bạn T.D (cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Cô giáo tớ từng khẻ tay và xé tập học sinh mỗi khi bọn tớ không làm bài tập đủ. Một số bạn sợ hãi sẽ nghe lời cô. Nhưng tớ lại suy nghĩ theo một góc nhìn khác, và luôn tìm cách để loại bỏ sự sợ hãi trong lớp học. Vì thế nên tớ đã viết thư gửi lên thùng góp ý trên phòng hiệu trưởng và đọc thêm nội quy nhà trường về các luật quản lý học sinh. Sau đó sự việc này đã không còn bị cô lặp lại nữa”.

Thế hệ Z của chúng ta được gọi là “thế hệ không sợ hãi”. Thật phi lý khi cứ phải run lẩy bẩy với những điều sai?

Theo Trích HHT 1260
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm