Vụ kiện “Thần đồng đất Việt”: Những điều này sẽ “cứu” bạn khỏi “hỏa mù” thông tin (KÌ 1)

Vụ kiện “Thần đồng đất Việt”: Những điều này sẽ “cứu” bạn khỏi “hỏa mù” thông tin (KÌ 1)
HHT - Bạn bị “hoa mắt” trước “biển” thông tin được báo chí và luật sư các bên đưa ra trong vụ việc “Thần đồng đất Việt”? Thực tế, chỉ có vài điều luật bạn cần nắm để không bị “lạc trôi” giữa cuộc tranh cãi bản quyền gây xôn xao này!

Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều teen Việt. Nhưng chỉ tới gần đây, những thông tin về vụ tranh chấp quyền tác giả kéo dài nhiều năm giữa họa sĩ Lê Linh - nguyên đơn và bà Phan Thị Mỹ Hạnh (công ty Phan Thị) - bị đơn mới bất ngờ được tiết lộ và ngày càng diễn biến phức tạp với những luận điểm từ cả hai phía.

Vụ kiện “Thần đồng đất Việt”: Những điều này sẽ “cứu” bạn khỏi “hỏa mù” thông tin (KÌ 1) ảnh 1

Từ những thông tin đối chiếu cả hai phía, có thể tóm tắt sự việc như sau: Họa sĩ Lê Linh từng là nhân viên của công ty Phan Thị, đã vẽ truyện Thần đồng đất Việt từ tập 1 đến tập 78. Sau đó, công ty Phan Thị tiếp tục sản xuất và phát hành truyện từ tập 79 trở đi, sử dụng các hình tượng được diễn họa bởi Lê Linh từ trước, nhưng các hình vẽ và nội dung hoàn toàn là do người khác vẽ.

Luật sư Phạm Đại Lợi bên phía bảo vệ cho nguyên đơn (tức họa sĩ Lê Linh) nêu quan điểm: Một trong những lý do họa sĩ Lê Linh muốn kiện là vì từ tập 79 trở đi không còn do mình vẽ, nhưng người đọc vẫn lầm tưởng là do họa sĩ vẽ, điều này làm ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của họa sĩ Lê Linh.

Kết quả công ty Phan Thị có được phép xuất bản tiếp dựa trên các hình tượng nhân vật đó hay không còn phải chờ tuyên án của Tòa. Tuy nhiên, trong lúc theo dõi vụ kiện, hẳn bạn có nhiều thắc mắc và có thể có một số nhầm lẫn. Hoa Học Trò sẽ giúp bạn làm mọi thứ rõ ràng hơn nhé!

Họa sĩ Lê Linh đang đòi hỏi quyền tác giả đối với cái gì?

Trong vụ việc có rất nhiều yếu tố được nhắc đến khiến chúng ta “rối não”, như là: Tiền nhuận bút mà công ty Phan Thị phải trả cho họa sĩ Lê Linh?, ai là tác giả của các tập truyện tranh Thần đồng đất Việt?,... Đây hoàn toàn là những yếu tố khiến người đọc bị xao nhãng khỏi trọng tâm của câu chuyện.

Luật sư Lợi khẳng định: Trong vụ kiện này, họa sĩ Lê Linh chỉ muốn được công nhận là tác giả duy nhất của bốn hình tượng nhân vật , Sửu, Dần, Mẹo mà thôi.

Vụ kiện “Thần đồng đất Việt”: Những điều này sẽ “cứu” bạn khỏi “hỏa mù” thông tin (KÌ 1) ảnh 2

Cụ thể, những cuốn truyện tranh Thần đồng đất Việt nhỏ nhắn bạn cầm trên tay là kết quả lao động của nhiều người. Tuy nhiên xét riêng về bốn hình tượng nhân vật , Sửu, Dần, Mẹo, họa sĩ Lê Linh muốn được công nhận là tác giả duy nhất, khẳng định là chính mình đã sáng tạo ra chúng.

“Tác giả” bỗng dưng nhiều lên đột biến?

Từ “tác giả” nghe rất rõ ràng với teen mình, ai làm ra thì người đó là tác giả thôi phải không? Nhưng trên thực tế, đã có nhiều vụ kiện tụng xung quanh cái từ nghe có vẻ rất hiển nhiên này.

Trong vụ kiện Thần đồng đất Việt, bà Mỹ Hạnh (bên bị đơn) cũng đang tranh chấp quyền tác giả với họa sĩ Linh. Phía bà Hạnh khẳng định bà Mỹ Hạnh đã góp ý cho họa sĩ Linh trong quá trình sáng tạo ra bốn nhân vật nên họa sĩ Linh không thể là tác giả duy nhất.

Đơn đề nghị quyền sở hữu truyện Thần đồng đất Việt do Công ty Phan Thị (Bà Mỹ Hạnh là giám đốc) gửi cho Cục bản quyền tác giả cũng có nội dung bà Mỹ Hạnh và họa sĩ Lê Linh được giao nhiệm vụ xây dựng hình tượng bốn nhân vật. Đây là bằng chứng mà luật sư Vân Nam bên phía bị đơn dùng để cho rằng bà Mỹ Hạnh là đồng tác giả.

Hình ảnh đơn đề nghị của Công ty Phan Thị gửi cho Cục bản quyền tác giả được công bố

Vậy theo các văn bản luật tại Việt Nam, “tác giả” được hiểu như thế nào?

Điều 1 Nghị định 76/1996 nêu rõ: Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Theo điều này có thể hiểu: ai là người trực tiếp sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật , Sửu, Dần, Mẹo là tác giả của bốn hình tượng đó.

Luật sư Lợi nêu quan điểm: “Ngay cả khi bạn chưa đăng ký bảo hộ quyền tác giả với tác phẩm bạn tự sáng tạo ra, bạn cũng đã được công nhận là tác giả đối với tác phẩm đó”.

Điều 2Nghị định này cũng quy định: Người sưu tầm những tác phẩm đã công bố của người khác để làm tuyển tập, hợp tuyển, sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có tính sáng tạo thì được công nhận là tác giả của tác phẩm tuyển tập hoặc hợp tuyển. Quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm gốc.

Nghĩa là: Là tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt không có nghĩa là tác giả của bốn hình tượng nhân vật , Sửu, Dần, Mẹo.

Trong Nghị định 76, tại Điều 5 cũng quy định: Cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

Theo Luật sư Phạm Đại Lợi, chỉ người trực tiếp cầm bút sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật đó mới được công nhận là tác giả, còn nếu chỉ góp ý, hỗ trợ trong quá trình sáng tác ra bốn hình tượng nhân vật vẫn không được công nhận là tác giả.

Theo Ảnh: Tổng hợp
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm