Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix
HHT - Phim tương tác (interactive film) có gì đặc biệt mà đang khiến người trẻ khắp thế giới đổ xô vào xem?

Phim tương tác là gì?

Ngày 28/12/2018, Netflix phát hành Black Mirror: Bandersnatch - một tựa phim tương tác cho phép bạn điểu khiển cuộc phiêu lưu của riêng mình. Hiểu đơn giản, bạn phải đưa ra những lựa chọn kiểu như “Đồng ý”/ “Từ chối” ngay khi phim đang diễn ra. Tương ứng với mỗi lựa chọn của bạn sẽ đưa bộ phim đến một diễn biến tiếp theo khác nhau. Vì thế, thời lượng bộ phim sẽ tùy thuộc vào những quyết định của bạn, trong khi tổng thời lượng phim cho tất cả lựa chọn lên đến 5 giờ 12 phút.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 1

Rất nhanh chóng, Black Mirror: Bandersnatch trở thành hiện tượng toàn cầu. Các bộ phim đạt hiệu ứng viral “khủng” đã không còn là chuyện lạ với Netflix, nhưng đây là thắng lợi đầu tiên của Netflix với định dạng độc đáo này. Và chiến thắng này có khi còn ý nghĩa hơn cả thành công của Stranger Things hay Bird Box. Nó mở ra một hướng đi hoàn toàn mới, có thể giúp Netflix tiếp tục tăng trưởng bất chấp việc “đại gia” Disney đã gia nhập cuộc chơi streaming.

Phép màu mang tên “Big data”

Định dạng phim tương tác trao cho Netflix rất nhiều lợi thế. Phim sẽ ít bị xem bất hợp pháp hơn, vì các trang phim không có bản quyền chỉ có thể đăng tải phim như một cách bình thường, trong khi sự lựa chọn mới là mấu chốt thành công của định dạng này.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 2

Khán giả sẽ buộc phải đăng ký tài khoản Netflix để trải nghiệm trọn vẹn tác phẩm. Nhưng lợi ích lớn nhất nằm ở việc Netflix sẽ thu được một nguồn dữ liệu khách hàng đồ sộ thông qua các lựa chọn của người xem, từ đó phân tích và đưa ra những “sự thật ngầm hiểu” (insight). Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao Netflix có thể tạo ra hàng loạt “hiện tượng”, từ Stranger Things, 13 Reasons Why, The Haunting of Hill House đến To All The Boys I’ve Loved Before, Bird Box, Black Mirror: Bandersnatch? Tất cả là nhờ vào việc ứng dụng insight nhằm sản xuất ra chính xác những phim mà khách hàng muốn xem.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 3

Tất nhiên là những nhà sản xuất khác cũng thừa hiểu chìa khóa thành công của Netflix, nhưng vì sao chưa ai làm được như Netflix? Lý do nằm ở kinh nghiệm lâu năm của Netflix về dữ liệu lớn (big data), nhất là khi xét đến lịch sử phát triển của Netflix. Họ từng đơn thuần là một dịch vụ cho thuê phim online, nên từ lâu họ đã phát triển công nghệthu thập và phân tích dữ liệu khách hàng nhằm biết được nên phân phối phim nào trên hệ thống của mình.

Khi mở rộng sang mảng sáng tạo nội dung gốc, Netflix nhanh chóng cho các nhà sản xuất truyền thống “ngửi khói” nhờ tận dụng lợi thế sẵn có về big data để làm nên những bộ phim được “đô-ni đóng giày” hoàn hảo cho từng nhóm khán giả khác nhau.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 4

Với phim tương tác, có vẻ như khoảng cách về trình độ ứng dụng big data giữa Netflix và phần còn lại thậm chí sẽ còn bị đào sâu hơn. Đó là vì những lựa chọn của khách hàng trong phim tương tác giúp Netflix biết chính xác người xem muốn một bộ phim diễn biến như thế nào. Ví dụ như trong Black Mirror: Bandersnatch, một trong những lựa chọn khó khăn nhất của khán giả đó là quyết định xem Stefan hay Colin sẽ phải nhảy khỏi ban công. Từ đó, Netflix sẽ biết được khán giả thích kiểu nhân vật nào được sống/ phải chết hơn và áp dụng insight này cho các phim sau. Đấy là lợi thế mà Games of Thrones - series phim chuyên “giết nhầm” nhân vật khán giả yêu thích sẽ không bao giờ có được.

“Ăn dày” như Netflix

Chưa cần kể đến những lợi ích dài hạn mà Netflix có được thông qua big data, trước mắt phim tương tác đã giúp Netflix thu về một lượng “tiền tươi thóc thật”. Ngay sau khi Black Mirror: Bandersnatch đạt hiệu ứng viral, Netflix liền tăng giá gói Standard từ 10.99 đôla (253 nghìn đồng) lên 12.99 đôla (299 nghìn đồng). Sau hàng loạt phim ăn khách cùng “vũ khí mới” mang tên phim tương tác, động thái này là hoàn toàn dễ hiểu.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 5

Từ trước đến nay, Netflix vốn không đăng quảng cáo do đã có nguồn thu từ tiền thuê bao của người xem rồi. Nhưng giờ đây Netflix còn “ăn dày” hơn trước khi công khai “chạy” quảng cáo trong phim tương tác. Cụ thể, lựa chọn đầu tiên trong Black Mirror: Bandersnatch đó là nhân vật chính… sẽ ăn loại ngũ cốc nào, Frosties hay Sugar Puffs? Lựa chọn này không những chẳng ảnh hưởng gì đến mạch phim mà còn làm tăng sự hứng thú cho người xem. Vì ở những cảnh phim sau này, nhân vật Stefan sẽ nhìn thấy chính quảng cáo ngũ cốc mà người xem đã chọn.

Đến đây bạn có thể nghĩ Netflix thật thiên tài, nhưng đó chưa phải là tất cả. Netflix còn có thể bán dữ liệu thu được từ người dùng cho các nhà tiếp thị. Thông qua việc cho người xem lựa chọn ngũ cốc, Netflix sẽ xây dựng được chân dung khách hàng điển hình của sản phẩm. Ví dụ như khách hàng của ngũ cốc Frosties đa số là nam, thuộc nhóm tuổi 18 - 49, thích xem các nội dung kinh dị. Dựa vào đó, các nhà tiếp thị có thể xây dựng những chiến dịch truyền thông phù hợp.

Không nghi ngờ gì nữa, phim tương tác chính là “găng tay vô cực” của Netflix ảnh 6

Trong marketing, việc nghiên cứu thị trường luôn khó khăn, tốn kém nhưng chưa chắc đã hiệu quả. Giờ đây, Netflix có thể cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường “kiểu mới” cho các thương hiệu. Với phương pháp mang tính chính xác cao cùng số lượng “đáp viên” lên đến 148 triệu subscribers, Netflix hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty nghiên cứu thị trường truyền thống.

Vương triều nào rồi cũng sẽ đến lúc suy tàn, nhưng có lẽ ngôi vị “ông hoàng streaming phim” sẽ khó thoát khỏi Netflix trong ít nhất nhiều năm nữa.

Theo HHT 1278
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

HHT - I-LAND 2 đã chính thức khởi động với tập đầu tiên lên sóng vào tối 18/4. Một trong những ca khúc được chọn đánh giá thí sinh là "UNFORGIVEN" (LE SSERAFIM). Vô tình lên sóng giữa làn sóng tranh cãi hát live của nhóm nữ nhà Source Music, phần trình diễn của các thực tập sinh (TTS) được đặt lên bàn cân so sánh.