Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt

Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt
HHT - Khác với một Thắng mơ màng, một Hùng trẻ tuổi đầy lạc quan, Nam Anh và Hoàng kể cho tôi nhiều hơn về vị ngọt đến đằng sau vị đắng. Vị đắng của những vất vả khó nhọc mà một ban Underground phải chập chững bước qua...

Một lần vô tình, tôi về đến Paris đúng vào dịp Ngọt, “những chàng Peter Pan của nhạc Việt”, có liveshow tại Paris. Vài tin nhắn nhanh chóng với Phan Việt Hoàng, tôi có một cuộc phỏng vấn với ban nhạc chỉ vài giờ trước buổi biểu diễn.

Nhiều tháng sau buổi phỏng vấn ấy, tôi không lên được bài. Vì trong tôi âm thầm nghĩ một điều gì đó lớn hơn một bài viết về âm nhạc. Có điều gì đó từ câu chuyện âm nhạc, cuộc sống, tình bạn của Ngọt, cho tôi những suy tưởng về thế hệ tôi, một thế hệ bị dán nhãn đầy khiên cưỡng: Thế hệ không làm gì.

Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt ảnh 1

Những chàng trai Ngọt tại Paris. (Ảnh: Hoàng Kim Lân)

Không làm gì

Lần đầu tiên tôi nghe ca khúc Em dạo này, MV viral mới của Ngọt, qua một video YouTube Thắng hát trong một quán cà phê ngồi ghế đẩu. Thắng ôm đàn, mắt lim dim hát.

“Vẫn những câu hỏi nhỏ
Sau bao tháng chia ly
Anh vẫn thường thắc mắc
Khi anh không làm gì...”

ThắngNgọt cũng những người trẻ đô thị chúng tôi, những người bị những nhà xã hội học chỉ trích là thế hệ “không làm gì”. Họ nhìn cách chúng tôi ngồi cà phê, trà đá chém gió, dùng điện thoại gần như cả ngày và cho rằng chúng tôi đã chôn vùi tuổi trẻ của mình - không làm gì!

“Ôi mấy năm nay tôi vui chơi nhiều
Ôi mấy năm nay xung quanh toàn tình yêu
Ôi mấy năm nay gặp may gặp may
Tôi thấy như tôi thật hay thật hay”

Gượm đã nào! Hỡi những nhà xã hội học, hãy thôi ghép những người trẻ chúng tôi vào khái niệm “làm việc” là văn phòng, nhiều giờ ngồi bên máy tính chăm chăm trên một phần mềm Microsoft Office nhàm chán. Bằng việc không làm gì ấy chúng tôi kết nối, xây dựng mối quan hệ, chúng tôi quan sát và tìm thấy ý tưởng từ chính những buổi trà đá ấy.

Tạp chí Forbes dự đoán đến năm 2020, tất cả các văn phòng đều sẽ là co-working space bởi “sự kết nối là yếu tố quyết định” và “những người làm đầu óc vẫn đang phải đối diện với một cơn khát, ấy là cơn khát cảm hứng”. Chính Ngọt là một minh chứng sống.

Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt ảnh 2

Khác với ban nhạc được hình thành bài bản, theo cách truyền thống, Ngọt là ban nhạc thời start-up.

Chúng tôi ngồi ly trà đá Hồ Gươm, nhất định một hàng quen, bạn của bạn bỗng thành bạn của mình chỉ qua một buổi trà đá như thế, có một ý tưởng con cưng dù thô mộc, đem ra hội bạn để chúng nó chắp thêm cánh, thêm râu thành một ý tưởng thành hình.

Khác với ban nhạc được hình thành bài bản, theo cách truyền thống, tôi sẽ gọi Ngọt là ban nhạc thời start-up. Ngọt không có ông bầu, dù hàng chục ngàn fan. Phan Việt Hoàng, một thành viên tự nhận mình “ít ngọt” nhất đứng lên nhận việc tổ chức tài chính, báo chí và sự kiện cho ban nhạc. Kênh đầu tiên ban nhạc sử dụng để kết nối khán giả không phải ra album, liveshow, MV hay báo chí truyền thống mà là Facebook, YouTube, SoundCloud… 

Sử dụng Go funding, một hình thức kêu gọi vốn online để có tiền ra album đầu tiên. 60 triệu đồng làm album đầu tiên là từ người hâm mộ tự gọi mình là Kẹo - cộng đồng yêu thích Ngọt. Vũ Đinh Trọng Thắng, sáng tác chính viết nhạc đều đặn, không ngại biến hoá, không chịu áp lực của công ty quản lý. Sáng tác hoàn chỉnh được gắn mác Ngọt từ nhạc, lời đến phối khí như một sản phẩm của tập thể.

Mà sản phẩm của tập thể thật. “Khi vừa nháp ra một sáng tác, Thắng mang đến cho band xem, chơi thử, và sửa, dựng thêm… Mỗi ca khúc dù Thắng mang tới đều có thể có một câu bass của Hoàng, một đoạn guitar của Hùng… Cứ thế, sáng tác đó không còn là của riêng Thắng, mà là của Ngọt,” Thắng kể.

Sau khi Tuấn, một thành viên cũ của Ngọt rời ban nhạc, Nguyễn Chí Hùng, thành viên trẻ nhất tham gia ban nhạc. Ngọt hiện tại hoàn thiện gương mặt của mình. Bước ra khỏi thời kỳ chỉ kết nối với khán giả bằng âm nhạc, Ngọt bắt đầu kết nối với khán giả bằng hình ảnh của mình: Trẻ trung, tự do, nhiều hoài bão và sáng bừng một màu lạc quan: các buổi liveshow cho du học sinh ở nước ngoài, tour diễn, MV viral và CD. 

Cách Ngọt được sinh ra và thành công, sao tôi thấy rất giống cách các startup bây giờ thành công: Khi ý tưởng và sự kết nối chính là các yếu tố kiên quyết bên cạnh tài năng. Chính ThắngNguyễn Hùng Nam Anh, bạn thân của Thắng, cũng được các thành viên khác thường trên gọi là founder và co-founder của Ngọt.

Và thế này nhé, tất cả những việc đó, những thành tựu đó đến từ những buổi trà đá.

Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt ảnh 3

Sáng tác hoàn chỉnh được gắn mác Ngọt từ nhạc, lời đến phối khí như một sản phẩm của tập thể.

Cá hồi

Tôi đã hỏi bốn chàng trai về vị của tuổi trẻ của họ.

“Vị ngọt! Kat tưởng tượng xem: Giờ mình trẻ, mình có ban nhạc và mình đang ở Pháp, không phải để chơi không thôi, mà là để hát, để biểu diễn. Mình có những khán giả trẻ và văn minh. Thế không phải quá ngọt ngào hay sao?” Thắng trả lời tôi với ánh mắt mơ màng. Trong cả buổi phỏng vấn, tôi luôn thấy cái vẻ mơ màng ấy của Thắng.

Nhưng liệu đó đã là tất cả?

Khác với một Thắng mơ màng, một Hùng trẻ tuổi đầy lạc quan, Nam Anh Hoàng kể cho tôi nhiều hơn về vị ngọt đến đằng sau vị đắng. Vị đắng của những vất vả khó nhọc mà một ban Underground phải chập chững bước qua: Sự phản đối của gia đình, không có nhạc cụ, không có tiền làm album, dù có chút tiền người hâm mộ góp qua Go funding nhưng vẫn không đủ, phải ngậm ngùi hoãn kế hoạch ra album để dành dụm tiền tiếp, các thành viên đến và đi…

Nam Anh bỏ sang bên ngành học Mỹ Thuật để tham gia Ngọt. Hoàng cũng gạt sang một bên sự nghiệp riêng của mình (một phóng viên mảng kinh tế) để dành toàn bộ thời gian cho Ngọt. Thắng kể những sáng tác của Ngọc dù nghe tưng tửng nhưng là kết quả của nhiều tháng, nhiều năm tích góp cảm xúc, câu từ để tạo ra.

Kể cả fan, một cộng đồng Kẹo trẻ trung, văn mình, nghe nhạc khó tính cũng không phải món quà được đặt vào tay Ngọt.

“Một khi mình sáng tác và nghĩ làm sao mình có thể làm hài lòng đám đông khán giả, đó là lúc mình coi thường và hạ thấp chính khán giả của mình. Ngọt cứ sáng tác từ xúc cảm, ngôn ngữ, thanh âm của Ngọt và những gì Ngọt hướng thượng, Ngọt sẽ có được khán giả lắng nghe được và yêu thích,” Thắng chia sẻ về việc sáng tác của mình.

Thắng không sai! Kẹo là một cộng đồng fan trẻ trung, hiện đại, phần không nhỏ là du học sinh, những người trẻ thường cửa miệng rằng họ lâu rồi không nghe nhạc Việt. Nhưng Ngọt có trong playlist của họ, Ngọt có âm nhạc mà họ tự hào khoe rằng: Đây là nhạc trẻ Việt Nam cho bạn bè quốc tế.

Kẹo không đi ganh lượng xem trên YouTube, Kẹo không đi tranh cãi cùng fan của các ban nhạc khác. Kẹo làm nên Ngọt, Kẹo cháy hết mình trong các đêm liveshow của Ngọt, bán CD cùng Ngọt, chụp hình quảng bá cho Ngọt và thậm chí cho Ngọt ở nhờ trong các tour diễn. Chính buổi biểu diễn tại Paris này cũng là do hội du học sinh tại Pháp tổ chức và mời Ngọt tới diễn. Hai đêm mà khán phòng của khoa Đông Nam Á tại Cité internationale universitaire de Paris (Đại học thành phố Paris) không còn chỗ trống. Và tôi sẽ không bất ngờ, nếu một ngày thấy NgọtKẹo hoà chung trong một buổi trà đá, cùng chém gió và ôm đàn hát.

Dù cả bốn thành viên đều trả lời ngọt là vị của tuổi trẻ họ, của những ngày họ đang được đi qua, được sống cùng ban nhạc. Nhưng họ và chính tôi cũng thấy vị đắng dù rất nhẹ. Thật may, không ai bỏ cuộc, ai cũng chọn làm những chú cá hồi, bơi ngược dòng, không phụ lòng Kẹo cho đến ngày hưởng vị ngọt này.

Vị tuổi trẻ của "Ngọt" - những chàng Peter Pan trong làng nhạc Việt ảnh 4

Ngọt cho tôi thấy hình ảnh thế hệ tôi, những chú cá hồi tưởng như không làm gì nhưng thực ra, đang bơi ngược dòng nước để chạm tới giấc mơ mình.

Không bao giờ ngừng mơ ước

Ngọt giới thiệu thế này về mình:

“Khi còn là một đứa trẻ, bạn ước được ăn thật nhiều kẹo. Rồi khi lớn lên, hầu như mọi người quên mất ước mơ khi còn bé; có lẽ họ có những giấc mơ khác, hoặc họ dừng việc mơ ước lại. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn lập một ban nhạc với cái tên Ngọt? Bạn được sống trong giấc mơ thời thơ ấu của mình, bạn nhất định muốn ăn hết chỗ kẹo đó...”

Suốt buổi phỏng vấn, cả bốn thành viên đều không ngừng nói họ đang sống trong những ngày đẹp nhất, ngọt ngào nhất của mình: Được diễn ở Paris và xách ba lô đi du lịch khắp châu Âu, nhưng biết bạn biết không, tôi tin chắc, giấc mơ của họ không dừng lại ở đó.

Họ sẽ không bao giờ ngừng mơ ước và chạm vào giấc mơ của mình. Họ cho tôi thấy hình ảnh thế hệ tôi, những chú cá hồi tưởng như không làm gì nhưng thực ra, đang bơi ngược dòng nước để chạm tới giấc mơ mình.

TRAVELLING KAT - ẢNH: Tổng hợp Internet

* Bài viết nằm trong ấn phẩm Trà Sữa Cho Tâm Hồn 146 phát hành ngày 8/11/2017 tại các sạp báo, bưu điện trên toàn quốc và tại Fahasa.com sau ngày phát hành. Giá báo: 20.000 đồng.

MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

HHT - I-LAND 2 đã chính thức khởi động với tập đầu tiên lên sóng vào tối 18/4. Một trong những ca khúc được chọn đánh giá thí sinh là "UNFORGIVEN" (LE SSERAFIM). Vô tình lên sóng giữa làn sóng tranh cãi hát live của nhóm nữ nhà Source Music, phần trình diễn của các thực tập sinh (TTS) được đặt lên bàn cân so sánh.