10 hồ nước được “cứu”, cả vùng có nước sạch, xuất phát từ nỗ lực của một người!

10 hồ nước được “cứu”, cả vùng có nước sạch, xuất phát từ nỗ lực của một người!
HHT - Một anh kỹ sư không nỡ lòng nhìn những dòng sông và hồ nước cạn dần đi vì hạn hán và ô nhiễm – nên anh quyết định phải làm điều gì đó.

Năm 2013, anh Ramveer Tanwar đang học năm cuối đại học và bắt đầu rất lo lắng cho khu làng quê hương mình ở Greater Noida, Uttar Pradesh (Ấn Độ). Vùng này đã phải chịu 13 trận hạn hán chỉ trong 15 năm, khiến người dân rất vất vả.

Tuy nhiên, những người già cả trong làng lại không nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. Vì vậy, anh Tanwar mới tìm cách để động viên những người trẻ tuổi tạo nên một sự khác biệt.

“Hồi đó, tôi nói chuyện với các em nhỏ trong làng, và ngay cả các em ấy cũng cảm thấy mình phải làm gì đó khi nguồn nước cứ dần chết đi” – Anh Tanwar nói với kênh NDTV – “Các em ấy nói chuyện với bố mẹ, nhưng bố mẹ lại không nghe”.

Anh Tanwar đang dọn dẹp một hồ nước.

Tanwar bắt đầu đi đến từng nhà, nói về tình trạng của nguồn nước địa phương. Anh còn tổ chức các lớp học hàng tuần để thảo luận về việc “hồi sinh” những dòng sông và hồ nước.

Những việc làm của Tanwar ngày càng mang lại cảm hứng cho nhiều người, nên dân làng bắt đầu cùng nhau vớt rác khỏi nguồn nước, trồng cây non quanh sông hồ - và những cái cây đó đang phát triển rất tốt đến tận bây giờ.

Anh ấy còn đi trồng các cây con quanh sông hồ.

Để ngăn rác, Tanwar còn rủ một số người tạo ra hệ thống lọc nước hai tầng, làm bằng gỗ và cỏ. Anh cũng động viên những nông dân nuôi cá ở địa phương mang những loài cá sống ở vùng nước sâu đến thả ở sông hồ, để chúng ăn những mảnh chất thải, giữ cho nước được sạch.

Kể từ hơn 5 năm trước, khi Tanwar bắt đầu những nỗ lực làm sạch nguồn nước, tính đến giờ, anh ấy đã giúp “hồi sinh” 10 hồ nước khắp vùng. Thậm chí, những nỗ lực của anh đã tạo ra những phong trào bảo vệ nguồn nước ở hơn 50 khu làng khác.

Một trong những thành quả của anh Tanwar: một hồ nước đã được phục hồi.

Ấn tượng với những việc làm của Tanwar, chính quyền ở Uttar Pradesh đã lập ra “Đội quân Nước ngầm” ở mỗi quận, và họ mời Tanwar làm điều phối viên của chương trình.

Tuy nhiên, do ngân sách của chính quyền không nhiều lắm, nên Tanwar thừa nhận rằng, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra để trả cho nhiều khoản chi phí của chương trình.

Hàng ngày, Tanwar làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, 6 ngày/tuần, nhưng anh nói anh không ngại vất vả. Anh chỉ muốn tiếp tục nỗ lực để bảo vệ môi trường và nguồn nước ở quê hương mình thôi.

Theo BETTER INDIA
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm