Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu!

HHT - Những ngày trời đẹp, hội cuối cấp lại rục rịch lên kế hoạch cho sự kiện được coi là hoành tráng bậc nhất cuộc đời học sinh - chụp kỷ yếu. Nhưng đã ai nói cho bạn cách làm thế nào để “hoành tráng” chưa?

Nếu một mai lớp học hóa... Trường Teen

Khi lớp nhà người ta rần rần chia sẻ các bộ ảnh để đời, lớp mình vẫn còn ngổn ngang mớ ý tưởng sau những lần “tranh biện” gay cấn không thua kém Trường Teen. Chỉ có điều, Trường Teen có hai phe và hội đồng ban giám khảo phân định thắng thua, nhưng lớp học lại “chín người, mười ý” và chẳng có cách nào ngoài việc thống nhất ý kiến chung.

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 1 Chụp kỷ yếu là "nhiệm vụ" quan trọng của teen 12. (Ảnh: Sơn Đoàn)

Trong trường hợp này, hội cán sự lớp lại được dịp đau đầu khi phải đưa ra quyết định sau cùng. Cách tốt nhất là mở một buổi họp tập thể vào tiết sinh hoạt cuối tuần thay vì chọn giờ ra chơi hoặc xin thêm thời gian cuối ngày học. Như vậy sẽ không làm ảnh hưởng tới việc học hành hay thư giãn của những sĩ tử lớp 12 đang căng thẳng. Khi chọn mốc thời gian họp mặt mà tất cả mọi người đều thoải mái, việc thảo luận cũng trở nên dễ dàng hơn.

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 2 Bạn nào cũng muốn lựa chọn những concept độc đáo cho bộ ảnh "để đời" của mình. (Ảnh: Sơn Đoàn)

Mỗi thành viên trong lớp cùng nhau đưa ra ý kiến và lý do thuyết phục, sau đó để cả lớp biểu quyết xem nên thực hiện bộ ảnh kỷ yếu theo concept nào. Sau khi “chốt đơn” concept ảnh kỷ yếu và hàng loạt vấn đề liên quan như studio chụp ảnh, thời gian..., nhiệm vụ của hội cán sự là phải vững lòng như kiềng ba chân. Bí quyết để thất bại là chiều lòng tất cả mọi người, vậy nên trong quá trình chuẩn bị cho bộ ảnh, bạn đừng vì một vài ý kiến phản đối mà thay đổi hay phân vân về quyết định của cả lớp.

Nếu lớp không có đóng góp gì về ý tưởng cho kỷ yếu, vậy bạn hãy chủ động đưa ra các phương án sau khi đã cân nhắc về chi phí, ưu nhược điểm... để lớp lựa chọn nhé!

Phía sau những sản phẩm “để đời”

Mỗi mùa kỷ yếu, cộng đồng teen lại rộn ràng khoe nhau sản phẩm lưu giữ kỷ niệm của lớp mình. Đôi khi là một bức ảnh, một MV công phu hay các video TikTok hậu trường bắt kịp xu hướng, nhưng đều có ý tưởng và chi tiết độc đáo khiến ai cũng phải ngước nhìn.

Nhưng với một sản phẩm kỷ yếu, bạn đừng đặt nặng việc phải “chơi lớn” khiến người khác trầm trồ để rồi cố quá lại thành... quá cố! Điều quan trọng khi lưu giữ kỷ niệm thời đi học là một concept mà sau này nhìn lại, thành viên nào trong lớp cũng thấy đáng nhớ, đáng yêu.

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 3 Một cảnh trong MV parody "Anh ơi ở lại" từng nhận "bão" like. (Ảnh chụp màn hình)

Với MV kỷ yếu theo hướng parody bài hát Anh ơi ở lại của Chi Pu, lớp 12A6 (K16-19, trường THPT Uông Bí, Quảng Ninh) nhanh chóng nhận được bão like từ cộng đồng mạng. Bạn Bùi Phương Nga, một thành viên trong lớp chia sẻ: “Video này ra đời cũng là cái duyên với ê-kíp chụp kỉ yếu cho lớp mình. Cả lớp lên concept kỉ yếu là Tân Bến Thượng Hải, còn về kịch bản parody "Anh ơi ở lại" là ý tưởng của các anh bên chụp ảnh đưa cho lớp. Lớp chỉ mong muốn đây là một phần lưu giữ lại kỉ niệm cấp Ba, bên cạnh đấy là mang tính thư giãn nhằm tạo tiếng cười cho video. Tuy không hoàn hảo hay chỉn chu lắm về trang phục, nhưng rất may được mọi người đón nhận tích cực”.

Một kinh nghiệm khác được hội tiền bối chia sẻ là đừng bỏ qua yếu tố tài chính. Không ít bạn giữ suy nghĩ “cả đời chỉ có một lần” nên hết sức thả phanh khi nghĩ đến các ý tưởng “hại ví”, nhưng không phải bạn nào cũng có đủ khả năng chi trả đâu nhé!

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 4 Một bộ ảnh vừa ấn tượng lại rất kinh tế thì càng tuyệt vời hơn đúng không? (Ảnh: NVCC)

Ví dụ “gương mẫu” chính là bộ ảnh kỷ yếu “cây nhà lá vườn” nhưng lại chất lừ như tạp chí thời trang của lớp 12A3 (K15-18, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM). Trước tác phẩm rần rần mạng xã hội này, bạn Tô Phương Thủy kể: “Tụi mình không có liên lạc với các photographer nhưng chi phí cao, nên nhờ luôn đội make-up cầm máy giúp. Phần còn lại thì lớp tự thiết kế. Mình hay làm part-time chụp và thiết kế cho khách nên mọi chuyện diễn ra khá dễ dàng, chi phí thì siêu phải chăng”.

Mỗi cuốn kỷ yếu là thước phim “Reply Thanh xuân”

Giống như series phim Reply đình đám của Hàn Quốc, chắc hẳn bạn nào cũng mong muốn cuốn kỷ yếu của lớp sẽ trở thành chiếc chìa khóa đặc biệt, mở ra hộp ký ức về năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Nếu lớp bạn vẫn đang bí ý tưởng, hãy thử những gợi ý này nhé!

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 5 Bạn có thể “tam sao thất bản” để biến chúng thành ý tưởng của lớp mình. (Ảnh: Phạm Hồng Đức)

- Reply 2020: Một cuốn kỷ yếu dựa trên những vấn đề nóng nhất năm nay thì sao nhỉ? Chỉ cần điểm qua là bạn đã có một số chủ đề hay ho để mượn ý tưởng rồi đấy, chẳng hạn như Rap Việt, nam sinh mặc áo dài, các thử thách trending trên TikTok...

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 6 Nếu bạn là lớp chuyên Văn, bạn có thể truyền tải gam màu riêng của lớp vào bộ ảnh kỷ yếu. 

- Reply 19-21: Ý tưởng độc đáo đến từ chính tập thể lớp, bởi mỗi lớp lại mang một gam màu riêng mà. Nếu bạn là lớp chuyên Hóa, “xuất xưởng” một bộ ảnh với phòng thí nghiệm sẽ rất đặc biệt. Nếu lớp bạn giỏi các hoạt động thể thao, hãy tìm concept thể thao để thỏa sức khoe khả năng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể diễn tả lại các kỷ niệm đáng nhớ của lớp, nhưng đừng quên chú thích vào ảnh hoặc quyển kỷ yếu nhé!

Chụp kỷ yếu “để đời” đâu phải chuyện “dễ xơi”, nhất định phải có tuyệt chiêu! ảnh 7
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?