“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“

HHT - Nếu bạn học tiếng Anh mà sợ phần nghe thì bạn không phải là duy nhất đâu. Dù bạn thấy điểm số mình không đến nỗi tệ, nhưng lúc nghe là thấy cứ… lùng bùng không hiểu - vậy thì bài viết này là dành cho bạn!

Học tiếng Anh nhiều năm không có nghĩa là sẽ nghe tiếng Anh tốt. Bạn thấy đấy, với tiếng Việt, chúng ta nghe từ lúc mới ra đời nên mới nghe dễ dàng như thế. Còn tiếng Anh dù gì cũng là ngoại ngữ, để nghe hiểu dễ dàng là cả một quá trình dài. Nhưng với 5 cách này thì bạn sẽ hack kỹ năng nghe “ngon lành” hơn nhiều, và chẳng còn “choáng” khi nghe tiếng Anh nữa!

1. Đừng chỉ nghe các bài đọc trong sách, hãy nghe những gì mình thích

“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“ ảnh 1

Những cuộc phỏng vấn ca sĩ mà bạn yêu thích chính là nguồn nghe tuyệt vời.

Lý do rất đơn giản: Khi nghe những gì bạn thích thì bạn mới có hứng thú và động lực để nghe chứ. Chẳng hạn, bạn thích nghe nhạc, hãy nghe nhạc. Hãy nghe các bài phỏng vấn những ca sĩ mà bạn yêu. Đó là tiếng Anh thực và tiếng Anh thú vị (đối với riêng bạn). Những bài thu âm dài theo sách giáo khoa thì bạn cũng cần nghe, nhưng đừng coi chúng là nguồn nghe chính. Làm điều gì cũng phải bắt đầu từ sự yêu thích thì mới có hiệu quả mà bạn!

2. Lưu trong điện thoại thật nhiều thứ thú vị để nghe

“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“ ảnh 2

Điện thoại càng có sẵn nhiều file nghe, thì bạn sẽ càng nghe được thường xuyên.

Làm sao để bạn thường xuyên nướng bánh nhỉ? Đấy là trong nhà luôn có sẵn bột đường. Vậy làm sao để bạn thường xuyên luyện nghe nhỉ? Đấy là trong điện thoại luôn có sẵn nhiều thứ để nghe. Sự sẵn có (availability) khiến chúng ta không ngại. Dựa trên những gì bạn thích nghe, hãy save sẵn nhiều thứ trong điện thoại (đồ vật mà bạn mang theo mình suốt ngày) nhé. Chẳng hạn, nếu bạn thích du lịch, hãy download các đoạn video trên YouTube về chủ đề này vào điện thoại. Thế là bất kỳ lúc nào, bạn cũng có thể vừa luyện nghe, vừa giải trí!

3. Học chủ động - vừa nghe vừa ghi

“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“ ảnh 3

Vừa nghe vừa ghi để mau giỏi hơn nhé.

Kỹ năng nghe rất khác với các kỹ năng còn lại khi học tiếng Anh, vì đa số chúng ta thường nghe theo kiểu cứ bật file âm thanh hoặc video rồi để đấy (nghe thụ động). Cách này cũng hay, vì bạn không bị sức ép nào cả, nhưng nếu để học thì nó lại không hiệu quả. Để luyện nghe, bạn nên tập thói quen nghe chủ động, tức là vừa nghe vừa ghi chú.

Những điều bạn nên ghi lại là những từ mà bạn nghe không rõ hoặc không hiểu (đoán để ghi), những câu hoặc cách diễn đạt mà bạn thấy thú vị, ý chính của đoạn nghe… Với những gì bạn không hiểu, sau đó nhớ tra lại để bổ sung kiến thức, lần sau khỏi bị vấp nữa. Cứ học nghe chủ động như thế này thì kỹ năng của bạn sẽ được cải thiện rất nhanh.

4. Nghe đúng trình độ

“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“ ảnh 4

Hãy bắt đầu bằng những bài nghe mà mình có thể hiểu gần hết.

Khi bạn nghe người bản xứ nói tiếng Anh, bạn có nhận xét gì? Hầu hết chúng ta đều thấy rằng họ nói nhanh hơn các bài nghe trong sách rất nhiều. Bởi vậy mà chúng ta mới thấy khó hiểu.

Nên nếu bạn mới luyện nghe mà chọn ngay những bài nói rất nhanh thì thế nào cũng nản. Bạn nên tìm những bài nghe nói từ từ và rõ ràng (nhiều người Canada nói rất dễ nghe, bạn có thể tìm những video học tiếng Anh mà người Canada nói, ví dụ vậy). Một số ứng dụng còn cho phép bạn giảm tốc độ âm thanh (còn 0,5 tốc độ thường) - bạn hãy thử chức năng đó nếu người nói đang nói quá nhanh nhé.

5. Bình tĩnh, hết sức bình tĩnh

“Hack” kỹ năng nghe tiếng Anh: 5 cách để bạn nghe tiếng Anh mà không hề “cuống“ ảnh 5

Kiên nhẫn và bình tĩnh nhé - luyện nghe cũng giống như bạn luyện mọi kỹ năng khác, cần có thời gian.

Điểm yếu chung của hầu như tất cả chúng ta là khi không hiểu một từ hay câu nào đó là bắt đầu cuống lên và từ đó về sau không nghe được nữa. Khi nghe tiếng Việt thì bạn không như vậy, nên dù có những từ chuyên môn bạn không hiểu thì bạn vẫn nghe tiếp bình thường. Tóm lại, bạn hãy nhớ rằng luyện nghe là một quá trình dài (có thể là hàng tháng, hàng năm), và nhất định cần luyện hằng ngày thì mới “nâng cấp” kỹ năng nghe được. Cứ kiên nhẫn và một ngày nào đó, bạn bỗng sẽ bất ngờ khi thấy mình nghe tiếng Anh mà thoải mái (gần) như nghe tiếng Việt vậy!

Để học tiếng Anh giỏi, chúng ta đều cần có thời gian. Cũng như để có được bất kỳ điều gì tốt đẹp trong cuộc sống này ấy mà! 

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm