Thiếu giáo viên nước ngoài, các trung tâm tiếng Anh và trường quốc tế xoay xở ra sao?

HHT - Thuê chuyến bay để đưa giáo viên nước ngoài về giảng dạy, chi cả tỷ đồng để các thầy cô cách ly, xét nghiệm, ăn ở... trước khi trở lại trường, đó là cách làm đang được các trường quốc tế áp dụng trước thực trạng thiếu hụt giáo viên nước ngoài. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng đủ khả năng để thực hiện những điều này.

Khó khăn hành trình trở lại Việt Nam công tác của giáo viên nước ngoài

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát nhưng trên thế giới vẫn diễn biến rất khó lường, việc các đường bay quốc tế bị hạn chế khiến nhiều giáo viên nước ngoài sau khi về nước bị "mắc kẹt", khó hẹn ngày quay lại Việt Nam. Ngay cả khi lên được chuyến bay, họ vẫn phải trải qua thời gian cách ly, đảm bảo đúng các quy định phòng chống dịch trước khi đi dạy trở lại tại trường Việt.

Tại trường ĐH RMIT Việt Nam, với khoảng 40% giảng viên đến từ nước ngoài nên mùa dịch này, đây là một trong những cơ sở giáo dục gặp nhiều vấn đề về thầy cô quốc tế nhất. Chia sẻ với báo chí, GS. Peter Coloe, Chủ tịch ĐH RMIT Việt Nam cho biết ngày 6/9 vừa qua, nhà trường đã tổ chức một chuyến bay khởi hành từ Melbourne (Úc) và hạ cánh tại Vân Đồn (Quảng Ninh), chở theo 270 hành khách bao gồm nhiều giảng viên và sinh viên RMIT sau khoảng thời gian trao đổi tại Úc. Toàn bộ hành khách đều được xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính 3 - 7 ngày trước khi bay. Sau khi hoàn tất nhập cảnh, tái xét nghiệm và cách ly 14 ngày, 270 hành khách này mới đủ điều kiện để trở về với gia đình và công việc.

Thiếu giáo viên nước ngoài, các trung tâm tiếng Anh và trường quốc tế xoay xở ra sao? ảnh 1 ĐH RMIT phối hợp với Bamboo Airways tổ chức chuyến bay chở 270 sinh viên và cán bộ, giảng viên của trường từ Melbourne về Quảng Ninh (Việt Nam) hồi đầu tháng 9.

Vừa tuyển mới vừa động viên các thầy cô cũ ở lại Việt Nam không về nước, đó là cách làm của hệ thống Trường Quốc tế Canada nhằm hạn chế thiếu thầy cô ngoại quốc trong năm học 2020 - 2021. Với chi phí gần 1 tỷ đồng, trường đã thuê 80 chỗ trên một chuyến bay để đưa giáo viên từ Canada sang Việt Nam, cách ly 14 ngày tại resort, xét nghiệm tổng cộng 6 lần (1 lần khi nhập cảnh, 2 lần trong khu cách ly, 1 lần trước khi ra ngoài và 2 lần trước khi quay lại trường học). Đại diện nhà trường cho biết họ đã phải làm văn bản xin phép UBND TP.HCM, Cục Xuất nhập cảnh và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM để có thể đăng ký các suất bay này.

Không chỉ tại các trường quốc tế, khó khăn về nhân sự còn đang đặt nặng lên các trường phổ thông công lập dạy chương trình Tiếng Anh tích hợp tại TP.HCM. Với phần lớn thời lượng tiết học Toán, Khoa học và Tiếng Anh do giáo viên bản ngữ đứng lớp, các trường ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt giáo viên quốc tế mùa dịch.

Cụ thể, chương trình Tiếng Anh tích hợp ban đầu được thực hiện 8 tiết/ tuần và 100% là học cùng giáo viên ngoại quốc. Tuy nhiên, hiện thời lượng được thay đổi là 8 tiết x 11 tuần (88 tiết). Trong đó, 70 tiết do giáo viên bản ngữ giảng dạy, 18 tiết còn lại được đứng lớp bởi thầy cô người Việt Nam.

Thiếu giáo viên nước ngoài, các trung tâm tiếng Anh và trường quốc tế xoay xở ra sao? ảnh 2 Nhiều cơ sở giáo dục có yếu tố quốc tế rơi vào tình trạng thiếu giáo viên nước ngoài mùa dịch. Ảnh minh họa: Internet

Trường quốc tế loay hoay thực hiện cam kết 100% giáo viên nước ngoài

Nếu như các trường quốc tế sẵn sàng chi trả một khoản tiền lớn để đưa giáo viên nước ngoài quay lại Việt Nam giảng dạy, thì với những trung tâm Anh ngữ hạn chế hơn về tiềm lực tài chính thì việc này nằm ngoài khả năng.

Kết quả kiểm tra của Sở GD&ĐT Hải Phòng hồi tháng 5 cho thấy, tại các trung tâm Anh ngữ đều thưa thớt học viên. Tại trung tâm ngoại ngữ I., nguồn nhân sự giảng dạy chủ yếu là 2 giáo viên người Philippines. Các giáo viên quốc tịch Mỹ đã trở về nước từ trước Tết và chưa thể có mặt. Như vậy, dù đã hoạt động trở lại song các trung tâm ngoại ngữ ở Hải Phòng vẫn chưa thể phục hồi do nhiều khó khăn về nhân sự, kinh tế.

Không thể làm trái cam kết 100% giáo viên nước ngoài, nhiều trung tâm Tiếng Anh trên cả nước dù học viên ồ ạt đăng ký cũng không thể xếp lịch học vì thiếu hụt giáo viên. Trong khi đó, tiền thuê địa điểm, trả lương cho giáo viên, chi phí tổ chức dạy và học trực tuyến, vẫn sinh sôi đều, làm thế nào để có đủ giáo viên, giữ chân học viên trở thành một vấn đề nan giải.

Trên thực tế, từ ngày 15/9, nhiều đường bay quốc tế đã được mở lại với tần suất không quá 2 chuyến/ tuần cho mỗi bên và mỗi hãng. Tuy nhiên, không dễ để có thể lấp đầy lượng giáo viên nước ngoài đang thiếu hụt ở các cơ sở giáo dục có yếu tố quốc tế, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu. Riêng với các trung tâm Tiếng Anh, việc triển khai hình thức học online đang ngày càng phổ biến hơn để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi của các học viên.

Trái ngược với những khó khăn trên, một số trường ĐH đã cho thấy được tính chủ động khi từ lâu đã sở hữu nguồn nhân lực là giáo viên nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Trường ĐH Quốc Tế Hồng Bàng (TP.HCM) là một trong những trường ĐH có nhiều giáo viên là người nước ngoài đang tham gia giảng dạy.

Theo thống kê sơ bộ thì trường có khoảng 30 giáo viên trong biên chế, tập trung nhiều nhất ở khoa Khoa học xã hội và ngôn ngữ quốc tế. Các giáo viên này đều đang sinh sống ở Việt Nam, mỗi năm về quê hương 1 lần. Trong đợt dịch COVID-19, các giáo viên nước ngoài đều chọn ở lại Việt Nam nên công tác giảng dạy của trường không gặp nhiều biến động.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?