Bạn có thể luyện “siêu năng lực” để tránh xa những cơn ác mộng đen tối?

Bạn có thể luyện “siêu năng lực” để tránh xa những cơn ác mộng đen tối?
HHT - Chúng ta cần ngủ đủ, ngủ ngon, đặc biệt là trước khi thi hoặc kiểm tra. Vậy liệu có cách nào để chúng ta “tắt” được những cơn ác mộng đen tối trong những buổi đêm đó không?

Bạn lạnh cả người, toát mồ hôi, tim đập thình thịch, vì bạn vừa mơ thấy mình bị truy đuổi, hoặc đến muộn giờ thi, hoặc rơi tự do… Đó là một cơn ác mộng đen tối thôi, bạn tự nhủ, thế nhưng bạn vẫn vô cùng sợ hãi.

Chẳng ai thích những cơn ác mộng, vậy liệu có cách nào để tránh, hoặc thậm chí là “tắt” những giấc mơ xấu đó khi chúng đang diễn ra không?

Một cơn ác mộng đen tối có thể khiến bạn hoảng hốt và mệt mỏi.

Gặp ác mộng là điều không hề hiếm, đặc biệt là ở trẻ em và lứa tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, có những người thường xuyên gặp ác mộng và việc đó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của họ. Điều này được các bác sĩ coi là một chứng rối loạn giấc ngủ, có thể do căng thẳng (trước khi thi, bài vở quá nhiều…), tổn thương tâm lý (những thay đổi trong gia đình, cãi vã với bạn bè…), hoặc do một số loại thuốc nhất định. Tất nhiên, nếu bị bệnh như vậy thì phải dùng thuốc. Nhưng đa số các trường hợp gặp ác mộng thì chỉ là bình thường mà thôi.

Chúng ta hay gặp ác mộng vào thời điểm sáng sớm, lúc sắp ngủ dậy.

Những cơn ác mộng đen tối xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn “giấc ngủ mắt chuyển động nhanh” (REM). Lúc ấy, chúng ta thường có những giấc mơ rằng mình làm những việc mà “bình thường mình không làm”, chẳng hạn như bay lượn, đến phòng thi muộn... Lúc này, não của chúng ta trông tương tự như lúc thức. REM thường bắt đầu vào khoảng 90 phút sau khi chúng ta bắt đầu chìm vào giấc ngủ và những khoảng REM ngày càng kéo dài ra trong lúc chúng ta ngủ. Vì vậy, chúng ta hay gặp ác mộng nhất vào thời điểm sáng sớm, thường là lúc chúng ta sắp ngủ dậy.

Làm sao để “tắt” những cơn ác mộng đen tối?

Một số nghiên cứu trong suốt một thập kỷ qua đã cho rằng, con người có thể luyện kỹ năng “điều khiển giấc mơ”. Đó là khả năng nhận thức rằng mình chỉ đang gặp ác mộng và biết rằng nó không thực sự gây hại về mặt thể chất (nên không việc gì phải sợ!). Đó cũng là khả năng kiểm soát hay điều chỉnh được giấc mơ trong khi mình vẫn đang ngủ nữa.

Bác sĩ Sérgio Arthuro Mota-Rolim, chuyên nghiên cứu về giấc ngủ và trí nhớ.

Để điều khiển được giấc mơ, bác sĩ Sérgio Arthuro Mota-Rolim, một nhà nghiên cứu ở Đại học Rio Grande do Norte ở Natal (Brazil), đưa ra “chiến thuật” gọi là “thức dậy trên giường”. Theo đó, trước hết, bạn đặt đồng hồ báo thức sớm 30 phút so với giờ mà bạn thường dậy. Khi đồng hồ kêu, bạn đừng dậy vội. Thay vì vậy, bạn hãy nghĩ đến việc mình điều khiển được giấc mơ, rồi ngủ tiếp.

Đây không phải là biện pháp 100% hiệu quả, nhưng nó làm tăng khả năng bạn sẽ điều khiển được giấc mơ trong khoảng thời gian ngủ tiếp đó (là lúc bạn dễ gặp ác mộng). Một số người áp dụng cách này cho biết, họ thậm chí có thể biến một cơn ác mộng thành một giấc mơ đẹp!

Mỉm cười nhiều và nghĩ tích cực vào ban ngày cũng là cách để tránh ác mộng vào ban đêm.

Ngoài ra, vì những giấc mơ cũng bị ảnh hưởng bởi những gì bạn nói hoặc làm trong ngày, nên hãy cố gắng nghĩ đến việc mình hoàn toàn có thể điều khiển giấc mơ của mình.

Trong trường hợp những cơn ác mộng đen tối khiến giấc ngủ của bạn thường xuyên bị gián đoạn, hoặc khiến bạn tự gây thương tích cho mình, thì cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay nhé.

Theo LIVE SCIENCE
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

HHT - Trong lúc mưa bão chưa từng có tiền lệ đang diễn ra, bầu trời ở thành phố Dubai (UAE) bỗng nhiên chuyển thành màu xanh lá cây và không khí dường như có một lớp bụi. Hình ảnh này khiến nhiều người sợ hãi, cho rằng trông giống như trong các bộ phim về thảm họa thiên nhiên. Vậy hiện tượng này được giải thích thế nào?