Bảo vệ môi trường không phải là “giải cứu Trái Đất”, mà là tỉnh táo cứu lấy chính chúng ta!

Bảo vệ môi trường không phải là “giải cứu Trái Đất”, mà là tỉnh táo cứu lấy chính chúng ta!
HHT - Dường như quá nhiều “người hùng” đang xông lên đòi “cứu thế giới” mà quên mất rằng: Bảo vệ môi trường chính là điều chúng ta cần làm vì chính mình, vì sự tồn tại của con người.

Từ phong trào bãi khóa gây tranh cãi

Ngay khi hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu tại Paris bắt đầu vào ngày 30/11/2015, sinh viên tại hơn 100 quốc gia đã đồng loạt nghỉ học, với tổng số người tham gia lên tới hơn 50.000 người. Mục đích của phong trào khi đó là để tạo áp lực đến các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị, nhằm có những hành động cụ thể hướng đến ba yếu tố: Năng lượng sạch, giữ lại nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, và trợ giúp người tị nạn vì biến đổi khí hậu.

Năm 2018, sau khi chứng kiến những đợt nắng nóng và cháy rừng ở Thụy Điển, Greta Thunberg  đã đến tham gia biểu tình trước cửa tòa nhà quốc hội mỗi ngày, với tấm biển có dòng chữ Skolstrejk för klimatet (Bãi khóa vì khí hậu) trên tay. Mục đích của cuộc biểu tình là yêu cầu chính phủ Thụy Điển phải tôn trọng Hiệp định Paris 2015 về vấn đề khí thải carbon. Đến ngày 7/9 - ngay trước kỳ tổng tuyển cử Thụy Điển diễn ra, cô bạn tuyên bố sẽ tiếp tục bãi khóa vào mỗi thứ Sáu trong tuần cho đến khi chính phủ lên tiếng. 

Bảo vệ môi trường không phải là “giải cứu Trái Đất”, mà là tỉnh táo cứu lấy chính chúng ta! ảnh 1

Đến nay, phong trào #FridaysForTheFuture - kêu gọi người trẻ trên khắp thế giới đồng loạt nghỉ học vào thứ Sáu để tập trung tại tòa nghị chính gần nhất, nhằm kêu gọi chính quyền các nước nghiêm túc thực hiện các hành động bảo vệ môi trường trở thành nguồn cảm hứng với hàng loạt người trẻ trên thế giới.

Tới nỗi lo bao trùm về bụi mịn 

Những ngày gần đây, người dân Việt Nam quan tâm và xôn xao trước các ứng dụng quan trắc không khí, đo chỉ số ô nhiễm do bụi, mà nổi bật là ứng dụng AirVisual của tập đoàn IQAir. Ứng dụng thậm chí còn vươn lên vị trí ứng dụng được tải nhiều nhất trên các “chợ ứng dụng” của iOS và Android tại Việt Nam.  

Trước những thông tin về thực trạng ô nhiễm môi trường đáng lo ngại, các bạn trẻ có phản ứng khác nhau. Nhiều người lo lắng trước những thông tin về chỉ số bụi mịn vượt nhiều lần các quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế và sốt ruột yêu cầu những người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phải đưa ra giải pháp. Nhiều người lại tập trung sự nghi ngờ vào tính tin cậy của các thông tin vì tập đoàn IQAir - tổ chức sở hữu ứng dụng AirVisual đưa ra thông tin Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới trong nhiều ngày - lại kinh doanh các thiết bị đo lường và lọc không khí. Hay câu hỏi liệu hành động bãi khoá của Greta có thực sự giúp bảo vệ môi trường, nhất là khi phong trào này hầu như chỉ có thể gây áp lực ở phần ngọn và không thể nào thay đổi được phần gốc, cũng đã được đặt ra.

Bạn Khánh Linh (17t, TP.HCM) đặt vấn đề: “Hãy nghĩ về việc bãi khoá, mình nghĩ vấn đề của môi trường hiện tại là cùng nhau tìm ra hướng giải quyết chứ không phải đấu đá với nhau xem lí lẽ của ai chính xác hơn. Tại sao học sinh lại bãi công, đình học? Lí do của các bạn là:

1. Tại sao phải học vì tương lai nếu tương lai còn chưa chắc có tồn tại?

2. Tại sao phải tham gia nền giáo dục khi hiện tại lời khuyên từ những sản phẩm của nên giáo dục ấy còn không được lắng nghe?

Bảo vệ môi trường không phải là “giải cứu Trái Đất”, mà là tỉnh táo cứu lấy chính chúng ta! ảnh 2

Thế nhưng theo mình, bạn bãi khoá, môi trường vẫn sẽ như thế, vẫn sẽ không ai đá động đến hoặc còn xem góc nhìn của bạn là tiêu cực, cực đoan. Nhưng môi trường cần nhiều hơn những tranh luận không hồi kết như thế. Chúng ta cần có những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu lịch sử, vật lý học, sinh vật học, địa lý, hóa học, di truyền học, y học, thiên văn học, xã hội học, nhân chủng học... những con người có kiến thức, đủ năng lực để nghiên cứu, chế tạo, hoạch định, quảng bá, tuyên truyền và triển khai cho tất cả những gì có thể để phát triển và cứu lấy tương lai con người. Chúng ta phải trở thành những người có thể hành động, chứ không phải chỉ có thể nghỉ học.”

Muốn bảo vệ môi trường, trước hết hãy tỉnh táo! 

Bộ trưởng giáo dục Úc Dan Tehan đặt câu hỏi: “Nếu cảm thấy thực sự cần thiết phải hành động, tại sao học sinh không biểu tình vào các ngày nghỉ hoặc buổi tối, thay vì bỏ học một cách không cần thiết?” Liệu đây là một hành động vì môi trường hay vì cá nhân nhiều hơn? Nhất là khi xuất hiện nhiều nhóm học sinh lợi dụng phong trào #FridayForTheFuture để trốn học?

Thực tế là những làn sóng trên mới chỉ đánh thức mối quan tâm bề nổi về môi trường. Thay vì đi xác định bản chất vấn đề, mọi người quay sang tranh cãi, chỉ trích quan điểm của nhau, công kích vào mục đích (Motive Fallacy) như cách nhiều người phủ nhận hoàn toàn số liệu của AirVisual vì phía sau ứng dụng đó là một tập đoàn bán máy lọc khí trong khi hoàn toàn có thể so sánh kết quả đo của ứng dụng này với các nguồn tin khác như Trung tâm Quan trắc môi trường (cem.gov.vn) để thẩm định thông tin.

Bạn có thực sự muốn bảo vệ môi trường? Vậy thì điều cần nhất là sáng suốt và thực hiện những việc làm trong khả năng của mình. Khi tiếp nhận các thông tin mới, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xác minh thông tin đó (so sánh với những thông tin được cung cấp từ các nguồn khác nhau, có bằng chứng/dẫn chứng nào có thể xác thực). Bởi “môi trường” hiện đã trở thành “mồi câu” của các nhà marketers trên khắp thế giới. Ai mới thật sự đang chung tay vì môi trường, ai lại đang lợi dụng sự quan tâm môi trường của bạn để kinh doanh một thứ không hề bảo vệ môi trường?

Bảo vệ môi trường không phải là “giải cứu Trái Đất”, mà là tỉnh táo cứu lấy chính chúng ta! ảnh 3

Bạn Quỳnh Dao (ĐH Quốc tế, TP.HCM) chia sẻ: “Không chỉ bãi khoá mới có thể bảo vệ được môi trường, mà hãy bảo vệ môi trường bằng cách chú tâm học tập, nghiên cứu, tìm hiểu… để có cái nhìn khách quan, toàn diện về vấn đề này là đưa ra những giải pháp thiết thực nhất cho bản thân, đất nước. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất: Sử dụng phương tiện công cộng khi đến trường, tắt điện khi không sử dụng, tạo ra chế độ ăn hợp lí, ít tác động lên môi trường thông qua việc tham khảo về độ ảnh hưởng môi trường của từng loại thức ăn, tái sử dụng/ từ chối hay thay thế những vật dụng không thể tái sử dụng và tham gia trồng cây ở nhà hay trường học...”.

Khí hậu thế giới thay đổi vì cách chúng ta đang sống. Vì thế ta cần thay đổi từ bản thân để bảo vệ cho môi trường sống của chính mình. Ở bất kỳ đâu, ta cũng có thể đóng góp sức mình. Nhà trường cũng có thể trở thành nơi để thúc đẩy việc bảo vệ môi trường. Như trường Ashkar ở Ấn Độ đã gây chú ý khi quyết định cho học sinh đóng học phí bằng cách đóng góp rác thải nhựa ở nhà. Chưa hết, trường còn tạo điều kiện cho các bạn tái chế rác, xây dựng trường, lập khu chăm sóc động vật bị bỏ rơi... để dạy học sinh sống hoà hợp với thiên nhiên. Thông qua những bài học về môi trường được nhà trường cung cấp, các học sinh lại góp phần lan toả những bài học ấy đến gia đình và mọi người xung quanh.

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

HHT - Nếu thường xuyên theo dõi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ có thể nhận ra rằng đã một thời gian khá dài, các cầu thủ mặc áo đấu không in tên. Ngay trong trận đấu vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, áo đấu của ĐT Việt Nam cũng không có tên cầu thủ. Tại sao lại như vậy?
Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

HHT - Trong trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 châu Á, có một thời điểm Hoàng Đức của đội tuyển Việt Nam đã đi bóng vào khu vực cấm địa của ĐT Indonesia. Một cầu thủ Indonesia đã tranh bóng khiến Hoàng Đức bị ngã. Nhiều khán giả cho rằng trọng tài cần thổi phạt đền cho ĐT Việt Nam trong tình huống này. Vậy quyết định của trọng tài là sai hay đúng?