Khẩu trang N95 đang thiếu khiến việc nghiên cứu virus gặp khó khăn thế nào?

Khẩu trang N95 đang thiếu khiến việc nghiên cứu virus gặp khó khăn thế nào?
HHT - Nỗi lo ngại về virus corona khiến nhiều người vội vàng mua khẩu trang N95, thậm chí còn mua tích trữ. Nhưng tác dụng ngược đã xảy ra: việc nghiên cứu virus bị đình trệ do thiếu khẩu trang!

Với Kim West, việc mặc đồ đi làm không chỉ dừng lại ở nhà. Sau khi đến văn phòng ở Trường Y, Đại học Massachusetts, cô phải mặc đồ bảo hộ dành riêng cho các nhà khoa học. Cô còn phải đeo găng tay, trùm tóc, và không thể thiếu khẩu trang N95. Việc ăn mặc như thế này là để giúp giảm nguy cơ nhiễm những mầm bệnh nguy hiểm mà cô nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu luôn cần đồ bảo vệ chuyên dụng, bao gồm cả khẩu trang N95, trong phòng thí nghiệm.

Các phòng nghiên cứu virus đang thiếu khẩu trang N95

Khi virus corona đang lan ra khắp thế giới, nguồn cung các thiết bị bảo vệ cá nhân cho các phòng thí nghiệm khoa học sụt giảm liên tục. Đặc biệt, do gần đây có vô số khách hàng hoảng sợ và đổ xô đi mua khẩu trang N95, nên những nhà nghiên cứu như West lại gặp khó khăn nghiêm trọng. Mà chính họ là những người đang “điều tra” những loại virus, vi khuẩn đang đe dọa thế giới!

West làm việc ở phòng nghiên cứu có độ an toàn sinh học ở mức 3, nghiên cứu vi khuẩn lao – được coi là “sát thủ lây nhiễm” hàng đầu của thế giới.

Phòng thí nghiệm tại Đại học Massachusetts, nơi Kim West làm việc.

“Ở đây, chúng tôi có rất nhiều người cần dùng khẩu trang N95 mỗi ngày” – West nói – “Nếu sắp tới bị thiếu khẩu trang thì chúng tôi sẽ không vào phòng thí nghiệm để nghiên cứu được nữa”.

Khẩu trang N95 có bảo vệ bạn khỏi virus corona?

Có khả năng lọc 95% các yếu tố ô nhiễm trong không khí, lại che kín mũi và miệng người đeo, nên khẩu trang N95 ngăn chặn nhiều loại bệnh, bao gồm cả Covid-19. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã lặp đi lặp lại rằng mọi người bình thường nên ngừng mua loại khẩu trang này. Thứ nhất là vì nó dễ bị dùng sai cách. Thứ hai là, nó cũng không phải là thứ cần thiết đối với những người khỏe mạnh.

Mà nếu đã dùng sai cách và quên những cách giữ vệ sinh khác thì cũng chẳng khẩu trang nào bảo vệ được bạn cả. Trong khi đó, giá khẩu trang N95 lại đang bị đẩy lên quá cao, thậm chí tới 195 đôla (hơn 4,5 triệu) một hộp 20 chiếc.

Ai cũng mua khẩu trang N95, gây ra tình trạng “cháy hàng” và đẩy giá sản phẩm lên quá cao.

Các nhà nghiên cứu đang không có khẩu trang chống virus

Trước đây, khẩu trang N95 chỉ dành cho những chuyên gia y tế, chuyên nghiên cứu bệnh tật hoặc điều trị cho các bệnh nhân có bệnh truyền nhiễm. Bởi nó vốn là loại khẩu trang dùng một lần cho những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao mà thôi. Giờ đây, nếu thiếu khẩu trang, thì nhiều nghiên cứu về virus corona và các loại virus, vi khuẩn khác đều phải tạm dừng. Mà như thế thì bệnh dịch càng trở nên khó kiểm soát.

Bình thường, đây là loại khẩu trang dễ sản xuất và có giá thành rẻ, chỉ chưa đến 1 đôla (hơn 20.000 đồng) một chiếc.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, giá khẩu trang N95 đã leo thang vì ai cũng lo sợ đại dịch do virus corona. Thêm nữa là có nhiều nhà máy sản xuất khẩu trang này lại nằm ở tỉnh Hồ Bắc – nơi bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Nên giờ thì nhiều phòng nghiên cứu ở Mỹ nói rằng, không biết đến lúc nào họ mới nhận được lô N95 tiếp theo để sử dụng.

Đây thực sự là chuyện lớn, vì nhiều phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cấp 3 ở Mỹ đang là nơi nghiên cứu virus corona. Một số nhà nghiên cứu nói rằng, họ còn được người quen “nhờ” lấy khẩu trang N95 từ phòng thí nghiệm về nhà để họ dùng hằng ngày. “Câu trả lời của tôi luôn là: Không” – Một nhà nghiên cứu nói.

Đúng ra, khẩu trang N95 chỉ dành cho những người làm việc trong các môi trường đặc biệt.

Giải pháp tạm thời của các nhà nghiên cứu bị thiếu khẩu trang

Ở những phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cấp 3, chỉ cần một cái ống nghiệm bị rơi là người ta sẽ phải sơ tán và sau đó phải khử khuẩn, khử độc suốt hàng tiếng đồng hồ. Nên khẩu trang N95 ở đây chỉ được dùng một lần là phải bỏ, tức là, họ cần rất nhiều khẩu trang mỗi tháng. Nhiều nhà khoa học đành phải “sáng tạo” bằng cách đã vào phòng thí nghiệm rồi thì… hạn chế đi ra ngoài, vì mỗi lần ra ngoài là lại phải vứt khẩu trang đi.

“Việc cạn khẩu trang ở phòng thí nghiệm chỉ là vấn đề thời gian thôi” – West cho biết – “Lúc đó, các nghiên cứu sẽ phải dừng lại”.

Nếu những người ở “tuyến đầu” mà thiếu khẩu trang thì tất cả chúng ta cùng phải chịu hậu quả.

Để dự phòng cho tình trạng cạn kiệt khẩu trang, một số phòng thí nghiệm đã quyết định cho nhân viên dùng những bộ lọc không khí chạy bằng pin. Đó là những cái máy có thể tái sử dụng, bơm không khí đã lọc vào một cái mũ trùm hết phần đầu của người dùng. Nhưng thiết bị này đắt hơn khẩu trang N95 nhiều, và nó còn bị ăn mòn sau mỗi lần được khử khuẩn. Mà cũng không phải phòng thí nghiệm nào cũng có điều kiện mua thiết bị lọc không khí này đâu!

Một lần nữa, các nhà khoa học đang kêu gọi mọi người ngừng mua tích trữ các loại khẩu trang chuyên dụng của nhân viên y tế.

“Khẩu trang cũng có hạn sử dụng, việc mua tích trữ rồi cứ cất ở đó cũng chỉ là lãng phí thôi” – West nói.

Một nhà nghiên cứu khác thì nói, bà cảm thấy rất “bức xúc” khi nhìn thấy mọi người dùng khẩu trang chuyên dụng khi không cần thiết, lại còn dùng sai. Chẳng hạn, mới vài ngày trước, bà thấy một người trong siêu thị đeo khẩu trang N95 lộn ngược!

Ngoài ra, nếu không biết cách đeo, thì việc mọi người loay hoay đeo rồi tháo khẩu trang, rồi lại chạm tay vào mặt, thì còn làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi mọi người ngừng mua khẩu trang N95, để dành cho những người thực sự cần.

Với mọi người bình thường, khỏe mạnh, thì “vũ khí” bảo vệ duy nhất “chính là kiến thức” – các nhà khoa học khẳng định. Thực hiện đúng những biện pháp mà các cơ quan y tế khuyến nghị, giữ vệ sinh sạch sẽ mới là điều mà chúng ta nên làm để chống virus corona. Còn khẩu trang y tế và khẩu trang N95 thì để dành cho những người thực sự cần thiết nhé!

Theo UNDARK/ TỔNG HỢP
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

HHT - Nếu thường xuyên theo dõi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ có thể nhận ra rằng đã một thời gian khá dài, các cầu thủ mặc áo đấu không in tên. Ngay trong trận đấu vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, áo đấu của ĐT Việt Nam cũng không có tên cầu thủ. Tại sao lại như vậy?
Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

HHT - Trong trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 châu Á, có một thời điểm Hoàng Đức của đội tuyển Việt Nam đã đi bóng vào khu vực cấm địa của ĐT Indonesia. Một cầu thủ Indonesia đã tranh bóng khiến Hoàng Đức bị ngã. Nhiều khán giả cho rằng trọng tài cần thổi phạt đền cho ĐT Việt Nam trong tình huống này. Vậy quyết định của trọng tài là sai hay đúng?