Ngôi làng trú ẩn cho người trẻ kiệt sức vì áp lực ở Hàn Quốc

Ngôi làng trú ẩn cho người trẻ kiệt sức vì áp lực ở Hàn Quốc
HHT - Khởi đầu từ một tòa nhà bị bỏ hoang ở thị trấn Mokpo, Don’t Worry Village trở thành chỗ trú ẩn cho những người trẻ Hàn Quốc kiệt sức vì áp lực sống ở thành phố lớn.

Báo trích dịch bài viết từ South China Morning Post nói về ngôi làng được mệnh danh như làng hạnh phúc ở Hàn Quốc, nơi những người trẻ khó khăn trong việc cân bằng cuộc sống áp lực ở thành phố lớn tìm đến để giải tỏa gánh nặng tinh thần.

Mokpo là một thị trấn nằm ở mũi tây nam của bán đảo Triều Tiên, cách khá xa thủ đô Seoul nhộn nhịp. Mặc dù trong lịch sử từng là một trung tâm giao thông và công nghiệp lớn với 230.000 người sinh sống, Mokpo gần đây đã mất đi phần lớn sự nổi tiếng và có nhiều tòa nhà bỏ hoang.

Điều này khiến nó trở thành địa điểm hoàn hảo để doanh nhân 33 tuổi Hong Dong-woo bắt đầu phát triển làng Don’t Worry Village (tạm dịch: Ngôi làng không lo lắng - PV). Đây là nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc kiệt sức vì áp lực sống ở thành phố lớn hoặc đang tìm kiếm một nơi để tìm ra những ý tưởng mới.

Ngôi làng trú ẩn cho người trẻ kiệt sức vì áp lực ở Hàn Quốc ảnh 1
Mokpo – thị trấn nằm ở mũi tây nam của bán đảo Triều Tiên, là một nơi cách xa thủ đô Seoul nhộn nhịp. Ảnh: Pinterest.

“Điều khiến mọi người đăng ký trải nghiệm cuộc sống ở làng Don’t Worry Village không phải là địa hình hay phong cảnh đẹp. Thay vào đó, họ muốn hòa chung vào không khí tập thể và muốn được chia sẻ về những khó khăn và lo lắng trong cuộc sống. Họ chỉ muốn nói với ai đó về những gì đang phải trải qua”, anh Hong nói.

Hàn Quốc là nước có số giờ làm việc trung bình dài nhất thế giới. Theo thống kê của South Korea, văn hóa tham công tiếc việc khét tiếng này có thể gây thiệt hại cho thế hệ trẻ. Theo đó, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong vào năm 2018 ở Hàn Quốc từ 10 đến 39 tuổi, theo thống kê của Statistics Korea.

Người Hàn luôn ám ảnh về áp lực phải thành công trong cuộc sống. Mặc dù điều này được cho là giúp xứ sở kim chi trở thành một cường quốc kinh tế như ngày nay, nhưng đồng thời cũng tạo ra một xã hội với mức độ cạnh tranh lớn, nơi thất bại hiếm khi được chấp nhận.

Ngôi làng trú ẩn cho người trẻ kiệt sức vì áp lực ở Hàn Quốc ảnh 2
Don’t Worry Village - nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc kiệt sức vì áp lực sống ở thành phố lớn. Ảnh: SCMP.

Thực tế này là một trong những thứ đã truyền cảm hứng cho anh Hong xây dựng Don’t Worry Village. Khởi đầu từ một tòa nhà bị bỏ hoang ở thị trấn Mokpo, nơi này đã nhận được nhiều sự quyên góp và ít lâu sau đó được mở rộng sau khi nhận được tài trợ từ một chương trình của chính phủ.

Lee Jin-ah, 36 tuổi, là một trong những cư dân đầu tiên của làng, đã quyết định ở lại Mokpo chỉ sau 6 tuần đầu tiên thử sống ở đây.

Cô từng là quản lý cũ của một cửa hàng tạp hóa ngoại thành Seoul nhưng giờ thì cô đang làm nhân viên tài chính cho Empty Public Space – tổ chức đứng đằng sau Don’t Worry Village. Tổ chức này tạo ra lợi nhuận bằng cách sáng tạo nội dung và phát triển chúng trên mạng xã hội.

“Một ngày nọ, tôi đột nhiên tự hỏi tại sao phải đợi đến khi nghỉ hưu để thực hiện ước mơ của mình? Ở Seoul, mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn và tôi không có tiền để làm những việc tôi muốn làm, nhưng ở đây, mọi thứ có giá cả phải chăng hơn, có nhiều thứ phù hợp với khả năng của tôi hơn”, Lee Jin-ah chia sẻ.

Không chỉ tìm được sự tự do tài chính ở đây, cô cũng không còn lo lắng và bị áp lực xã hội đè nặng như hồi còn sống ở một thành phố lớn như Seoul.

Ngôi làng trú ẩn cho người trẻ kiệt sức vì áp lực ở Hàn Quốc ảnh 3
Jin-ah không còn lo lắng và bị áp lực xã hội đè nặng như hồi còn sống ở một thành phố lớn như Seoul. Ảnh: SCMP.

“Chúng tôi không nói với nhau về tuổi tác hay sử dụng tên thật. Tôi dùng biệt danh ‘Que’ ở đây, nó có nghĩa là vui vẻ và có một tâm hồn tự do, trong tiếng Hàn”, Lee Jin-ah nói.

Điều này giúp mọi người tránh khỏi cảm giác lo sợ bị đánh giá bởi những thứ như tuổi tác, chiều cao, cân nặng hay nghề nghiệp khi tiếp xúc với những người xung quanh.

Ngay cả Hong Dong-woo, người sáng lập Empty Public Space, cũng không yêu cầu mọi người phải đối xử với mình một cách cẩn trọng như thói quen xử sự với cấp trên ở Hàn Quốc.

Anh Hong chia sẻ: “Chúng tôi sống trong một xã hội nơi bạn không thể tự tin vào chính mình nếu bạn không có một công việc phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội. Chúng tôi muốn tạo nên một ngôi làng nơi truyền đi thông điệp rằng: Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn chứ không phải những điều đi theo lối mòn của xã hội”.

Link bài gốc: https://news.zing.vn/ngoi-lang-tru-an-cho-nguoi-tre-kiet-suc-vi-ap-luc-o-han-quoc-post1035361.html

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

Tại sao các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mặc áo đấu không in tên như các đội khác?

HHT - Nếu thường xuyên theo dõi các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ có thể nhận ra rằng đã một thời gian khá dài, các cầu thủ mặc áo đấu không in tên. Ngay trong trận đấu vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, áo đấu của ĐT Việt Nam cũng không có tên cầu thủ. Tại sao lại như vậy?
Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

Tại sao cầu thủ ĐT Indonesia khiến Hoàng Đức ngã trong vòng cấm địa lại không bị phạt?

HHT - Trong trận đấu ở vòng loại World Cup 2026 châu Á, có một thời điểm Hoàng Đức của đội tuyển Việt Nam đã đi bóng vào khu vực cấm địa của ĐT Indonesia. Một cầu thủ Indonesia đã tranh bóng khiến Hoàng Đức bị ngã. Nhiều khán giả cho rằng trọng tài cần thổi phạt đền cho ĐT Việt Nam trong tình huống này. Vậy quyết định của trọng tài là sai hay đúng?