Cuộc thi viết Trà sữa cho tâm hồn: Đi qua những mùa hoa dại mà lớn lên

HHT - Con đường tuổi thơ chúng tôi đi học mỗi ngày hoa dại mọc ven lối về. Chúng tôi thường không quên đứng lại ngắt vài bông hoa. Rồi những đứa trẻ ngày ấy lớn dần lên, như một bông hoa dại: Tự nhiên, mộc mạc và nguyên thủy.

Tháng Tư về trời buông nắng vàng, bên ô cửa sổ nhỏ đã thấy những hàng cây đứng tuổi qua mùa thay lá, khẳng khiu ôm ấp một nỗi trầm tư lắng đọng. Giữa phố phường đông đúc ngột ngạt người ta lại thèm được trở về với tuổi thơ, về với khói lam chiều nghi ngút trên những mái ngói màu rêu.

Con đường tuổi thơ thênh thang ngày ấy vẫn còn đó những dấu chân trần thuở ngây dại. Nắng tắt trên cách đồng, chiều buông gió thổi vào những cánh diều tuổi thơ của những đứa trẻ chưa lớn, suốt một thời ngẩng cổ nhìn lên bầu trời cao mà thầm mong: “Bay đi diều ơi!”. Cánh diều bay mãi trên không trung mang theo những ước mơ hoài bão của chúng tôi gửi gắm vào trời xanh bao la.

Cuộc thi viết Trà sữa cho tâm hồn: Đi qua những mùa hoa dại mà lớn lên ảnh 1 Giữa phố phường đông đúc ngột ngạt người ta lại thèm được trở về với tuổi thơ.
(Ảnh minh họa từ internet)

Hàng dậu trước nhà hoa dâm bụt nở đỏ rực, có dáng mẹ tảo tần bên mái hiên đã qua bao mùa mưa lũ. Góc sân thuở bé con hay nằm gối lên đùi mẹ, được mẹ vuốt ve gãi rôm ở sống lưng, nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích  ngày xửa ngày xưa. Con đường tuổi thơ tôi đi học mỗi ngày hoa dại mọc ven lối về, dẫu cho đất nghèo cằn cỗi, những bông hoa dại vẫn mọc trắng bên đường. Chúng tôi đi học về không quên đứng lại ngắt vài bông hoa dại, loài hoa đẹp mộc mạc đơn thuần mà chúng tôi hay gọi là hoa cứt lợn, bà tôi thì gọi bằng một cái tên thơ hơn là hoa xuyến chi.

Những đứa trẻ ngày ấy lớn dần lên, chúng tôi đã sống như một bông hoa dại: tự nhiên, mộc mạc và nguyên thủy. Không còn những buổi trưa trốn mẹ đi bắt tép ngoài đồng, không còn những đòn roi mẹ chờ những buổi chiều tối mịt ham chơi, chúng tôi theo những chuyến tàu nối đuôi nhau lên thành phố, đi tìm những ước mơ riêng của mình.

Cuộc thi viết Trà sữa cho tâm hồn: Đi qua những mùa hoa dại mà lớn lên ảnh 2 Chúng tôi đã sống như một bông hoa dại: tự nhiên, mộc mạc và nguyên thủy.
(Ảnh minh họa từ internet)

Có một thời người ta nhân danh tuổi trẻ để ra đi nhưng có một ngày khác người ta lại quyết bỏ lại sau lưng tất cả để trở về. Bởi suy cho cùng, nhà là nơi để trở về. Để rồi trên đường đời chông gai vẫn đứng vững trên đôi chân của chính mình, mà lòng không bao giờ quên rằng ta đã đi qua một thời tuổi thơ khó nhọc. Có nồi cơm ngày đói mẹ độn với sắn và khoai, có đôi quang gánh nặng trĩu trên chiếc áo ngả màu.

Đi qua những mùa hoa dại, ta mới biết rằng ta chẳng bao giờ đi lạc. Con đường tuổi thơ vẫn nở đầy hoa và cỏ dại, chỉ có những đứa trẻ ngày ấy hôm nay đã trưởng thành. Có những chuyến tàu sẽ đưa chúng trở về với quê hương nhưng không có chuyến tàu nào về với tuổi thơ. Bởi vậy hãy cất giữ và gói ghém lại như của để dành.

Cuộc thi viết Trà sữa cho tâm hồn: Đi qua những mùa hoa dại mà lớn lên ảnh 3 Đi qua những mùa hoa dại, ta mới biết rằng ta chẳng bao giờ đi lạc.
(Ảnh minh họa từ internet)

Bạn có tin nhắn:

Sau khi đăng tải các bài viết dự thi lọt qua vòng sơ khảo trên Hoa Học Trò Online, BTC sẽ tiến hành chấm điểm và thông báo kết quả 10 giải khuyến khích vào đầu tháng 5/2020. Mời bạn đón đọc kết quả sẽ được đăng trên Hoa Học Trò Online và fanpage Trà sữa cho tâm hồn. Riêng 3 bài dự thi xuất sắc nhất sẽ được đăng tải riêng trên ấn phẩm Trà sữa cho tâm hồn phiên bản đặc biệt, dự kiến phát hành đầu tháng 5/2020. Cảm ơn bạn đã tham gia, hẹn bạn ở những cuộc thi sắp tới nhé!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.